Cửa hàng tiện lợi bành trướng: Ai xưng hùng xưng bá?

19/07/2017 - 20:58

PNO - Các tập đoàn cửa hàng tiện lợi (CHTL) hùng mạnh có tầm vóc quốc tế đang liên tục mở mới chi nhánh ở Việt Nam và sáng tạo mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu bản địa.

Lúc này, người tiêu dùng (NTD) sẽ có nhiều lựa chọn, còn những nhà sản xuất, kinh doanh và cả ngành hàng CHTL sẽ đối diện với những gì? 

Bằng những chiến lược cụ thể, khát vọng xâm chiếm thị trường VN cho bằng được, các tập đoàn nước ngoài đang đem đến một chân dung mới về CHTL hiện đại ở VN. Nếu dùng ba-sáu từ ngắn gọn để dễ hình dung về điều nay, chúng ta sẽ nói gì?

Cua hang tien loi bành truóng: Ai xung hùng xung bá?
 

Mở đầu cuộc trò chuyện với báo Phụ Nữ, tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và các chuyên gia Hoàng Tùng - CEO chuỗi Pizza Home và Trần Trí Trường - chuyên gia ngành hàng bán lẻ cùng có phản xạ rất nhanh đó là chữ: “nhanh”, “rất nhanh” và “thật nhanh”. 

Đồng thời, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khang - Head of Trade Marketing Coca-Cola Việt Nam cũng cho rằng bối cảnh này là “siêu bùng nổ”, hay như chuyên gia Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc, Trưởng bộ phận dịch vụ đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam cũng khẳng định đây là “bước nhảy vượt bậc”. 

* Cùng với những nhận xét rất dễ hình dung đó, chúng ta cũng thấy các CHTL tầm quốc tế đã có chiến lược rất bài bản. Do đó, sự khác biệt giữa mô hình các cửa hàng trong cùng thương hiệu tại VN và các nước khác cũng sẽ không có nhiều. 
Vậy theo các chuyên gia, NTD VN có thật sự được thỏa sức mua sắm một cách sung sướng chưa nếu so sánh với dịch vụ CHTL trong khu vực?

- Chuyên gia Anh Dũng: Nếu chọn góc nhìn ít có khoảng cách nhất thì đó là dịch vụ. NTD đang có một môi trường mua sắm văn minh, sạch sẽ (môi trường máy lạnh, thức ăn vệ sinh…), được nhiều dịch vụ cộng thêm (như thanh toán hóa đơn…).  

Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Đình Thiên khẳng định: NTD đã được thấu hiểu tâm lý về nhu cầu, sở thích mua sắm và chất lượng phục vụ được nâng cấp. Đây cũng là cú hích để các CHTL VN kinh doanh manh mún vốn chỉ để kiếm sống qua ngày phải hướng tới phát triển lâu dài, làm giàu “đẳng cấp”.   

Chuyên gia Hoàng Khang nhìn ở góc độ khác: Thị trường CHTL của chúng ta vốn mới khai phá nên cũng sẽ có một khoảng cách nhất định so với thị trường CHTL trên thế giới. Bây giờ, bước vào một CHTL thương hiệu nước ngoài tại quận 1, trung tâm TP.HCM, bạn sẽ thấy có đến 80-90% sản phẩm (SP) bày bán là hàng VN. Chỉ có khoảng 10-20%, rất ít mặt hàng ngoại nhập cho bạn lựa chọn.

Trong khi đó, bước vào CHTL tại các nước phát triển như Singapore, bạn có thể mua nhiều SP có xuất xứ từ Mỹ, Nhật Bản hoặc các nước châu Âu. Ông cũng dí dỏm cho biết: Chính vì tỷ lệ hàng ngoại nhập nhiều, nên bạn có thể thấy nhiều khách du lịch VN đến Singapore vào CHTL để mua  hàng ngoại chất lượng cao.

Thêm nữa, về dịch vụ đối tượng du khách nước ngoài thấy dịch vụ CHTL của các tập đoàn tại VN chưa tốt như các nước phát triển. Cụ thể  dịch vụ chăm sóc khách hàng, tư vấn hàng hóa và khả năng ngoại ngữ còn rất hạn chế.  

* Nói như chuyên gia Hoàng Khang thì nguyên nhân cốt lõi nào khiến NTD trong thị trường CHTL mới khai phá như tại VN, chưa có được sự “bằng vai phải lứa” với NTD ở các nước trong khu vực? 

- Chuyên gia Hoàng Khang: Một trong những lý do chính là do thu nhập của người Việt Nam chưa cao như mặt bằng thu nhập trong  khu vực. 

Chuyên gia Trí Trường: Mô hình bán lẻ thành công ở quốc gia này không đảm bảo cho chính nó thành công ở một quốc gia khác mà quan trọng là địa phương hóa. Doanh nghiệp (DN) nào địa phương hóa tốt hơn sẽ thành công hơn. Do đó, SP bày bán phải phù hợp với khả năng mua sắm ở thì hiện tại của người dân địa phương. Đó cũng là một cách thỏa mãn nhu cầu của NTD bản xứ.

* Và trước những chênh lệch kể trên, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng những khoảng cách này sẽ được rút ngắn dần khi CHTL và kinh tế VN ngày càng phát triển.
Lúc nãy, ông Đình Thiên có nói: CHTL VN trước đây kinh doanh chưa bài bản. Vậy các CHTL quốc tế đã làm bài bản thế nào? Họ sẽ có chiến lược gì để thành công ở VN?

- Các chuyên gia đều cho rằng trước mắt, với hệ thống hàng đầu thế giới - chứ không phải chỉ của châu Á - các CHTL này sẽ tham gia cuộc chơi để lấy cho bằng được thị trường tiêu thụ và thương hiệu toàn cầu chứ không phải là lợi nhuận.

Và vũ khí then chốt của họ là trong cùng một thương hiệu, mô hình CHTL ở VN sẽ giống với các nước khác theo chuẩn quốc tế. Song, họ sẽ cho phép CHTL mỗi nước có thể thay đổi 10-15% cách thức hoạt động để phù hợp thói quen tiêu dùng, nhu cầu và sở thích món ăn, chăm sóc cá nhân của NTD có độ tuổi 20-25-40 ở địa phương. 

Ông Trí Trường còn cho rằng: các DN nước ngoài này sẽ có bốn tiêu chí: mở rộng thật nhanh, mức độ cạnh tranh cao, sự khác biệt hóa rõ rệt, hệ thống logistic (đầu vào, đầu ra) và chất lượng dịch vụ cực tốt.  

Ông Đình Thiên bổ sung: Các DN này sẽ lưu ý tới thương mại điện tử, họ sẽ đẩy mạnh mảng này rất nhanh để gia tăng NTD.

* Khi xâm chiếm thị trường thành công, các CHTL hiện đại có tác động đến thói quen mua sắm của NTD? 

- Nhiều ý kiến tán đồng với chuyên gia Trí Trường: Trong giai đoạn đầu xâm chiếm thị trường, các cửa hàng này đã tạo nên trào lưu mua sắm trong giới trẻ. Song về lâu dài, chúng ta rất khó dự đoán các đại gia này sẽ tác động thế nào, vì đã gọi là trào lưu thì không biết sẽ kéo dài bao lâu.    

Song chuyên gia Hoàng Khang lại có ý kiến khác: Tôi cho rằng sự bùng nổ này là một cuộc tấn công có tầm vóc  toàn cầu. Không dừng ở mức tác động mà ở một cấp độ mạnh mẽ hơn nữa, các tập đoàn CHTL sẽ thay đổi thói quen của NTD VN.

Khi  hệ thống CHTL có mặt mọi lúc, mọi nơi, NTD sẽ tiếp nhận xu hướng mua sắm mới và cửa hàng tạp hóa truyền thống sẽ biến mất. Lúc này, NTD sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài CHTL.

* Vấn đề cần đặt ra là liệu có quá xa thực tế không khi ông Hoàng Khang cho rằng các CHTL quy mô tập đoàn chắc chắn sẽ thay đổi thói quen mua sắm, bởi thói quen mua sắm ở các tiệm tạp hóa đã có từ nhiều thế hệ ở VN?

- Chuyên gia Hoàng Khang: Đó là nhận định có cơ sở, vì thực tế chỉ số tiêu dùng của VN đang tăng trưởng tốt nhất châu Á. Thị trường VN có phần đông là dân số trẻ, những người quyết định thị trường. Họ sẵn sàng thay đổi thói quen và chi tiêu nhiều hơn. Do đó, thị trường VN trở thành mục tiêu xâm chiếm của rất nhiều hệ thống bán lẻ toàn cầu.

Hầu hết NTD hiện nay chỉ đến cửa hàng gần nhà để mua sắm nhanh. Ở các cửa hàng này, tình trạng quản lý, vận hành đang rất manh mún, chưa có thế mạnh trong cung ứng, chuỗi logistic, chất lượng dịch vụ, hàng hóa chưa ổn định. Thị trường cũng chưa có nhiều thương hiệu CHTL VN lớn mạnh, ngoại trừ Vinmart.

Vì vậy, yếu tố cạnh tranh của đối tượng này rất kém. Do đó, sự có mặt của CHTL theo chuẩn quốc tế có thể khai tử cửa hàng tạp hóa, NTD sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài CHTL.

Cụ thể nếu trước đây bạn thích ăn sáng với bánh mì, cơm tấm lề đường  thì sẽ đến lúc bạn chỉ muốn mua những món có trong CHTL. Sự thay đổi này đã diễn ra ở một số nơi như Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia...  

NTD sẽ chuộng CHTL với tiện ích có máy lạnh, có bàn ghế ngồi, có wifi để tranh thủ làm việc. Thói quen được hình thành bởi văn hóa truyền thống, nhưng áp lực công việc ngày càng cao buộc người dân phải tiết kiệm thời gian hơn và mô hình này chắc chắn sẽ khiến NTD từ bỏ thói quen mua sắm trước đó. Trong 5-10 năm tới, hệ thống CH tạp hóa nhỏ lẻ cho dù có nâng cấp dịch vụ cũng sẽ thất bại. 

* Nếu CHTL nhỏ lẻ sẽ chết đúng như chuyên gia Hoàng Khang dự đoán thì đây cũng là một bước ngoặt quan trọng đối với thị trường bán lẻ Việt Nam. Giả như việc khai tử các CHTL truyền thống là sự thật thì theo các chuyên gia, liệu ta có nên tính tới những yếu tố nào khiến diễn biến sẽ khác đi?

- Chuyên gia Trí Trường: Tôi cho rằng không phải tất cả NTD VN sẽ thay đổi thói quen vì giá rẻ và tiện lợi vẫn là tiêu chí số 1 khi mua sắm. Do vậy các CHTL truyền thống trong mọi ngõ ngách sẽ không chết đi. Lúc này, thị trường bán lẻ là miếng bánh lớn mà ai cũng có phần. 

Chuyên gia Trần Đình Thiên: Các CHTL như tiệm tạp hóa lấy công làm lãi, chỉ dựa vào yếu tố thuận tiện do gần, giá rẻ để cạnh tranh sẽ chết vì khi các tập đoàn hoàn thiện mật độ phủ sóng, nguồn cung SP thì CHTL sẽ mất lợi thế cạnh tranh này.

Còn những CHTL VN giống như Vinmart hoặc các DN nhỏ khác biết tổ chức thành tập đoàn, thì dù nhỏ nhưng có chiến lược kinh doanh bài bản, nguồn gốc hàng rõ ràng, giá thành cạnh tranh, đặc biệt là nâng cấp hơn nữa dịch vụ, chẳng hạn như mở cửa 24/24 giờ thì vẫn có khả năng tồn tại. Đây cũng là định hướng để các DN VN có thể phát triển.

* Ngoài sự thay đổi đó thì các mô hình CHTL sẽ kéo theo sự phát triển hay là trở lực đối với các ngành nào trong nền kinh tế VN?

- Nhiều chuyên gia cho rằng: đối tác của CHTL như nhà sản xuất, công ty bán lẻ và những ngành hàng bán lẻ phục vụ nhu cầu cá nhân như tiêu dùng nhanh, chăm sóc cá nhân, nước uống, những mặt hàng chủ lực trong hệ thống CHTL sẽ có cơ hội phát triển. 
Ngoài ra, mỗi cửa hàng ba-bốn nhân viên, với sự bùng nổ của các CHTL, thì lực lượng lao động trong ngành nghề càng lớn, đây cũng là bài toán giải quyết vấn đề thất nghiệp.

* Song nếu như vậy thì một lúc nào đó các CHTL toàn cầu muốn chuyển sang lấy nguồn hàng nước ngoài như chúng ta  đã đề cập ở phần trên, khi này DN sẽ bị hụt chân? 

- Chuyên gia Hoàng Khang: Đây là một yếu tố đáng xem xét, các nhà cung cấp cần đàm phán kỹ trước khi ký hợp đồng với các CHTL toàn cầu và thận trọng trong kế hoạch phát triển.

Vì sau khi chiếm thị trường, những hệ thống CHTL toàn cầu có thể thay đổi SP dẫn đến làm thay đổi thói quen của NTD. Ví dụ ban đầu họ bán gạo VN, nhưng khi đã có thị trường họ sẽ bán gạo Thái Lan.

NTD không có sự lựa chọn sẽ thay đổi thói quen mà chọn gạo Thái. Lúc này, NTD sẽ chi phí cao hơn, trả nhiều tiền hơn khi mua sắm. Việc xâm lấn của các nhãn hàng nước ngoài là những rủi ro cho nền kinh tế VN.

Chuyên gia Hoàng Tùng: Khi chuỗi CHTL đã hình thành, DN có đủ sức để kiểm soát thương hiệu vào hệ thống. Đó là lý do khi kinh tế Mỹ đi xuống thì chính phủ Mỹ đã phải thuyết phục Walmart đưa nhiều mặt hàng made in USA vào chuỗi Walmart.

Tuy nhiên, ở một góc độ lạc quan hơn ông Trí Trường nói: Các đại gia CHTL sẽ chọn mặt hàng có thương hiệu mạnh và được nhiều NTD chọn mua. Do đó, các nhà cung cấp nên xây dựng SP theo hướng có thể đi lâu dài với nhà phân phối. 

* Như vậy đối với nền kinh tế VN, liệu giá trị chúng ta nhận được đó có phải rất nhỏ so với điều sẽ mất đi?

- Chuyên gia Hoàng Khang: Cũng không thể nói như vậy vì các tập đoàn đó đem đến cho chúng ta sự tiện lợi, văn hóa tiêu dùng hiện đại. Nếu không có những hình ảnh này, đối tác và khách du lịch thế giới sẽ nhìn VN như một đất nước nghèo, lạc hậu.

Ngoài ra, các tập đoàn cũng giúp nền kinh tế năng động hơn. Nhìn ở mặt tích cực, đây là sự kết hợp hài hòa, hai bên cùng có lợi. Và có lợi lớn nhất là NTD nhưng sẽ thiệt thòi cho kinh tế VN, nếu chính phủ không có chính sách giảm thuế, phát triển các hệ thống vận hành chuyên nghiệp. Ta cần có những mô hình công ty tư nhân năng động, tiếp nhận nguồn tri thức mới để tăng tính cạnh tranh. 

* Xét trên tổng quan thì trong bốn năm tới, thậm chí xa hơn nữa, chúng ta có thể hình dung thị trường CHTL ở VN ra sao, như nước nào đang phát triển hiện nay?

- Chuyên gia Hoàng Khang: Bốn năm nữa, VN có thể như Thái Lan, còn như Singapore hay Malaysia thì phải cần 15-20 năm. 

Chuyên gia Trí Trường: Ít nhất 20 năm nữa, VN mới bằng… Thái Lan hiện nay. 

Quốc tế nhìn về thị trường CHTL VN ra sao?

Trong thị trường bán lẻ, tỷ lệ khách mua sắm ở các chuỗi CHTL dự kiến ​​sẽ tăng từ 25% ở hiện tại lên 40% vào năm 2020. Trong số đó, tập đoàn CHTL quốc tế sẽ chiếm giữ 70% thị phần CHTL trên thị trường VN. Điều này có thể ảnh hưởng đến sản xuất địa phương và các nhà bán lẻ trong nước.

Tuy nhiên, để có thành công này, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ phải duy trì chất lượng tốt và mức giá cạnh tranh, có bán SP ngoại nhập lẫn hàng trong nước sản xuất.

Theo Asia Briefing (Công ty chuyên  tư vấn đầu tư trực tiếp vào các nước ASEAN)
http://www.vietnam-briefing.com/news/retail-e-commerce-vinalines-hanoi.html/

 Văn Triều - Nguyễn Cẩm (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI