Cửa hàng sữa thấp thỏm với giá trần

26/05/2014 - 19:55

PNO - PN - Nhiều chủ cửa hàng, đại lý sữa tỏ ra bối rối với mức giá trần vừa được Bộ Tài chính công bố. Bởi khi áp dụng (1/6), những loại sữa trong danh mục sẽ phải giảm giá khá nhiều so với giá hiện hành. Chủ đại lý hay doanh...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chủ cửa hàng sữa Chấn Nguyên trên đường Gia Phú, Q.6, TP.HCM cho biết, dù thông tin áp trần giá sữa đã có từ nhiều ngày nay, nhưng chưa doanh nghiệp sữa nào thông báo chính thức cho cửa hàng về mức giá trần này, hình thức áp dụng ra sao...

Tương tự, chủ cửa hàng sữa Vi Hân 435 An Dương Vương, Q.6 lo lắng cho biết, hiện chỉ mới nhận được thông báo về việc áp giá trần một số loại sữa từ Công ty Mead Johnson Việt Nam. Nhiều chủ cửa hàng, đại lý sữa băn khoăn, họ đã nhập hàng giá cao trước đó, khi áp dụng giá trần, ai sẽ bù khoản chênh lệch? Theo một chủ cửa hàng tại đường Nguyễn Thông, Q.3, có nhiều doanh nghiệp kinh doanh cùng nhóm sản phẩm sữa, nhưng việc chỉ áp dụng cho năm doanh nghiệp liệu có hợp lý? “Có loại sữa của công ty N. tăng liên tục, nhưng sao không thấy trong danh mục áp giá trần?”, chủ cửa hàng này thắc mắc.

Khi có thông tin áp giá trần sữa, nhiều người tiêu dùng tỏ ra phấn khởi vì thời gian tới việc tăng giá sữa tùy tiện có thể chấm dứt. Thế nhưng, liệu các hãng sữa có chịu tuân thủ hay lại tìm mọi cách lách luật? Chị Nguyễn Hải Bình, ngụ tại Ngô Quyền, Q.5 cho biết, cách đây vài ngày, chị mua sữa Enfamil A+2 (900g), được chủ cửa hàng thông báo hãng vừa thay đổi mẫu mới nên giá sữa tăng từ 504.000đ/hộp lên 554.000đ/hộp. Như vậy, nếu chỉ đưa ra mức giá trần mà không kiểm soát về khối lượng, chất lượng, mẫu mã thì liệu sau khi áp giá trần, 25 sản phẩm sữa trong danh mục này có “biến mất”, thay vào đó là những sản phẩm mới, giá cũ?

Điều đáng ngại nhất là các nhà sản xuất có thể thay đổi trọng lượng hộp sữa mà không hề vi phạm quy định, bởi danh sách áp giá trần đã chỉ rõ trọng lượng từng loại cụ thể. Thực tế, nhiều chủ cửa hàng sữa xác nhận, gần đây sản phẩm Enfamil A+ và Enfagrow A+ của Mead Johnson đã được thay bằng các sản phẩm mới như Enfamil A+ 360 Brain Plus và Enfagrow A+ 360 Brain Plus với giá cao hơn sản phẩm cũ khoảng 50.000đ/hộp (loại 900g); Pediasure của Abbott giảm trọng lượng từ 900g/hộp xuống còn 850g với giá không đổi…

Cua hang sua thap thom voi gia tran

Ảnh minh họa: internet

TS Nguyễn Ngọc Sơn (Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) lưu ý: cần quan tâm đến tính khả thi của việc áp giá trần sữa, bởi sẽ có những “sáng tạo” vì lợi nhuận. Bằng chứng là thị trường sữa luôn có những kiểu lách luật rất tinh vi, lo ngại nhất là lách cả chất lượng sữa không ai kiểm soát và người tiêu dùng “lãnh đủ”. “Mặt hàng sữa có nhiều loại, với nhiều hàm lượng, công thức khác nhau, trọng lượng cũng không giống nhau, nên việc định giá từng loại không dễ. Với từng giao dịch cụ thể, liệu cơ quan quản lý nhà nước có đủ thời gian, phương tiện và nhân lực để thực hiện? Có thể nói, cơ quan chức năng chỉ chạy sau doanh nghiệp để làm công việc áp giá trần. Chưa kể, chúng ta gặp phải những khó khăn trong việc kiểm soát, bởi hàng ngàn cửa hàng bán lẻ, mỗi cửa hàng đăng ký một giá khác nhau thì việc kiểm tra sẽ ra sao để đảm bảo không quá 15% so với giá bán buôn?” - TS Sơn nhận định.

Cần phải xác định những chiêu trò của các hãng sữa thì may ra mới kiểm tra được giá sữa. Thực tế, vài hãng sữa mới đây đề nghị xin tăng giá, nhưng đã bị Bộ Tài chính bác bỏ. Việc từ chối này do nguyên nhân gì? Hãng sữa lách luật, loại sữa này nằm trong diện bình ổn, hay do nguyên nhân nào khác? Đó là những vấn đề cần được công bố rộng rãi để người tiêu dùng nắm rõ.

 Thư Hùng - Ngọc Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI