Nhìn hàng hóa, biết mình kinh doanh hiệu quả
Trong những ngày dịch bệnh vừa qua, cửa hàng Co.op Vân Nghĩa của chị Lữ Thị Thanh Vân (ở xã Bình Chánh, H.Bình Chánh, TPHCM) không nhộn nhịp như trước. Thay vào đó, vợ chồng chị tất bật hơn với các đơn hàng giao tận nhà cho khách.
Chị Vân cho biết, doanh thu của cửa hàng những ngày gần đây tăng cao, mỗi ngày chị bán ra vài trăm thùng mì các loại. Các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, nước mắm và các loại thực phẩm khô bán cũng chạy hàng. Chồng chị là người đi giao hàng. Hai vợ chồng và cô con gái phải xoay như chong chóng mới kịp phục vụ cô bác.
Hỏi doanh thu, chị Vân mở lòng: “Đã gần sáu năm bán hàng theo mô hình liên kết, đồng vốn được xoay vòng liên tục, khó biết được lời lãi thế nào. Nhưng cứ nhìn hàng hóa trên quầy kệ cộng với hàng hóa dự trữ trong kho để luôn đảm bảo đủ cung cấp ra thị trường thì chắc là mình kinh doanh hiệu quả”.
Nhắc lại giai đoạn khởi đầu, chị Vân cho biết, ngay khi nắm được thông tin Hội LHPN xã Bình Chánh có chương trình kết nối, hỗ trợ phụ nữ mở cửa hàng tạp hóa theo hình thức liên kết với hệ thống cửa hàng Co.op, chị đã bàn tính với chồng rồi bước vào hình thức kinh doanh mới. Các đơn vị đối tác cũng hỗ trợ khảo sát, tư vấn, hướng dẫn các kỹ năng kinh doanh cần thiết để đảm bảo tính khả thi. Chị Vân lại có chút kinh nghiệm kinh doanh ngành hàng ăn uống trước đó nên bước đầu có nhiều lợi thế.
|
Cửa hàng Co.op Vân Nghĩa của chị Lữ Thị Thanh Vân ở xã Bình Chánh, H.Bình Chánh, TPHCM - Ảnh: Thiên Ân |
Với số vốn đầu tư ban đầu khoảng 500 triệu đồng và mặt bằng rộng rãi (6m x 20m), hàng hóa được hỗ trợ theo chương trình bình ổn giá, đảm bảo uy tín, chất lượng, được bố trí khoa học, đẹp mắt, tạo sự thuận lợi cho người dân tham quan mua sắm… nhưng thời điểm ban đầu vẫn còn vắng khách, doanh thu không có.
“Vạn sự khởi đầu nan” - chị Vân tự trấn an mình và nỗ lực trong khâu tìm kiếm khách hàng. Ngoài lượng khách hàng riêng, Hội Phụ nữ xã cũng giới thiệu nguồn khách hàng giúp chị. Trong kinh doanh, chị Vân tận tình chăm sóc khách hàng. Bà con chỉ cần gọi điện thì chục ký gạo hay thùng mì chị cũng chở đến tận nơi.
Duy trì được vài năm, Hội LHPN xã lại hỗ trợ chị vốn vay để bổ sung thêm hàng hóa. Tận tình và chu đáo trong kinh doanh đã đem đến cơ hội để chị Vân phát triển. Chồng chị nghỉ việc cơ quan để phụ giúp quán xuyến trong ngoài. Con gái cũng giúp mẹ trông coi cửa hàng. Đến nay, ngoài bán lẻ, cửa hàng của chị Vân còn có nhiều mối bỏ hàng cho các cá nhân, đơn vị, các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ trên địa bàn.
Giúp phụ nữ nông thôn có thêm việc làm, phát triển kinh tế
Tại H.Củ Chi, TPHCM đến nay đã có 32 cửa hàng liên kết Co.op Smile nằm rải đều 21 xã, thị trấn. Chị Nguyễn Thị Thanh Diệu - Phó chủ tịch Hội LHPN huyện - nhận xét: “Các cửa hàng này phù hợp ở các huyện ngoại thành. Hàng hóa được bán chủ yếu là hàng Việt Nam có uy tín, chất lượng, tạo được sự yên tâm cho khách hàng. Mô hình liên kết này giúp phụ nữ nông thôn có thêm cơ hội việc làm, phát triển kinh tế”.
Trong những ngày dịch bệnh, cửa hàng “Bách hóa 9 Hiếu” của chị Đinh Thị Thu Xuân ở ấp 3, xã Bình Mỹ đóng kín cửa rào. Bên ngoài đặt chiếc bàn, chai nước rửa tay sát khuẩn và chiếc rổ đựng hàng hóa. Thay cho việc người dân phải vào lấy hàng thì nhân viên cửa hàng sẽ lấy hàng mang ra bàn cho khách để hạn chế tiếp xúc.
Nhắc về quá trình phát triển cửa hàng của mình, chị Xuân kể: cách đây 10 năm, chị tham gia mô hình bán hàng bình ổn của Hội, rồi dần phát triển thành cửa hàng liên kết Hội Phụ nữ - Saigon Co.op và đến nay thì phát triển theo chuỗi hệ thống cửa hàng Co.op Smile. Quy mô cửa hàng hiện tại là khá lớn với 120m2 quầy kệ.
Chị Xuân không dự trữ nhiều hàng hóa vì sợ công tác bảo quản không tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Trung bình, mỗi tuần chị nhập một đơn hàng từ 20 - 50 triệu đồng, bổ sung các mặt hàng thiết yếu và theo nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Đến nay, Hội LHPN TPHCM và Saigon Co.op đã liên kết thành lập và phát triển 74 cửa hàng Co.op Smile, 236 điểm bán hàng bình ổn do hội viên phụ nữ quản lý, nhằm phục vụ người tiêu dùng, tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng, uy tín, bình ổn. Hệ thống cửa hàng được tập trung phát triển tại các huyện ngoại thành và quận ven thành phố. Hệ thống cửa hàng liên kết đã hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm cho phụ nữ và lao động nông thôn.
Chị Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM
|
Hàng hóa bán tại cửa hàng của chị Xuân đều là hàng Việt Nam, có dán nhãn của Co.op và bán theo giá bình ổn. Những hóa đơn từ 100.000 đồng sẽ được giảm trực tiếp 3.000 đồng. Chị Xuân cho biết, khách hàng của chị chủ yếu là người lao động và công nhân ở trọ nên việc giảm trực tiếp trên hóa đơn sẽ khiến khách hàng hài lòng. Doanh thu của cửa hàng trung bình từ 5 - 6 triệu đồng/ngày, có khi trên 10 triệu đồng/ngày.
Nhiều khách hàng đến với cửa hàng của chị Xuân còn bởi quý chị ở tấm chân tình. Mỗi năm chị dành khoảng ba ngày, mỗi ngày nấu khoảng 200 suất ăn miễn phí tặng người lao động khó khăn. Từ năm 2020 đến nay, cửa hàng bách hóa của chị Xuân còn tổ chức “Gian hàng 0 đồng” dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Hệ thống cửa hàng liên kết đã mở ra một kênh mua sắm an toàn cho người dân, nhất là người dân các vùng nông thôn. Ngay tại thời điểm thành phố thực hiện giãn cách thì nguồn cung cấp thực phẩm thiết yếu tại hệ thống này vẫn dồi dào và ổn định giá.
Song An