Cửa hàng đồng giá ngoại: Xuất xứ Trung Quốc, khách vẫn mua?

28/08/2017 - 10:30

PNO - Các nhà bán lẻ liên tục mở rộng các chuỗi cửa hàng đồng giá tại Việt Nam (VN) như thương hiệu Daiso Japan, Hachi Hachi, Miniso, Komonoya đến từ Nhật Bản hoặc Ilahui, Mumuso đến từ Hàn Quốc…

Nhiều sản phẩm bày bán tại những nơi này có xuất xứ từ Trung Quốc, vì sao khách vẫn mua và người tiêu dùng được hưởng lợi tới đâu khi mua sắm tại các địa chỉ này?

Cua hang dong gia ngoai: Xuat xu Trung Quoc, khach van mua?
Nhiều khách hàng trẻ sẵn sàng mua hàng mà không so sánh giá


Rộ cửa hàng 40.000 đồng

“Chỉ 40.000đ/sản phẩm” hoặc “đồng giá 43.000đ”… là những dòng chữ in lớn trên các cửa kính, những tấm panel lớn đặt trước các cửa hàng đồng giá. Mức giá này phù hợp với số tiền ít nhất được mang theo khi ra khỏi nhà nên nhiều người dễ có tâm lý ghé qua… “coi cho biết”.

Chỉ cần bước vào, khách dễ bị thu hút bởi đủ loại vật dụng gia đình, văn phòng phẩm, mỹ phẩm, dụng cụ làm đẹp, đồ chơi, phụ kiện kỹ thuật số…  

Gần đây, cùng với sự xuất hiện mới của các siêu thị, trung tâm thương mại thì các cửa hàng đồng giá cũng nở rộ theo.

“Nguyên tắc của bán lẻ là thu hút khách đến cửa hàng. Khi đến đây, khách không mua món này thì cũng sẽ mua món khác. Chính vì vậy, các siêu thị, trung tâm thương mại quy tụ cửa hàng đồng giá để khơi dậy cảm hứng mua sắm của người tiêu dùng” - chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng cho biết.

Cũng theo chuyên gia Đình Hoàng, mô hình này vận hành đơn giản, chi phí đầu tư ít hơn so với các mô hình bán lẻ khác và thường hấp dẫn người có thu nhập thấp hoặc khi nền kinh tế lâm vào cảnh khó khăn.

Song, mô hình này có lợi nhuận thấp, chỉ khi phát triển thành chuỗi, doanh nghiệp mới hưởng lợi trên số nhiều sản phẩm bán ra và được đàm phán nguồn cung giá rẻ.

Trong xu hướng này, Daiso Japan đang có kế hoạch mở thêm các cửa hàng có diện tích khoảng 500m2, theo đúng mô hình Daiso tại Nhật Bản.

Đại diện Miniso cũng cho biết: “Thành lập từ 2013, hiện Miniso có trên 1.800 cửa hàng tại 34 quốc gia. Riêng ở VN, Miniso có 17 cửa hàng, thu hút 10.000 lượt khách/ngày và đang tiến tới mở thêm 200 cửa hàng trên cả nước”.

Cửa hàng đồng giá Hàn Quốc thâm nhập thị trường VN muộn hơn các cửa hàng đồng giá Nhật Bản. Khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM vào năm 2016, đến nay Ilahui có 6 cửa hàng tại đây. Thương hiệu phủ sóng toàn châu Á với tốc độ mở rộng chóng mặt - hơn 500 cửa hàng /năm - nâng tổng số cửa hàng trong khu vực đạt 1.000. 

Cùng kinh doanh hàng đồng giá nhưng mỗi thương hiệu tập trung khai thác những thế mạnh riêng. Hachi Hachi ngoài khu vực hàng đồng giá từ 30.000 - 45.000đ, còn có thêm khu vực hàng cao cấp giá trên 100.000đ/món với nhiều loại vật dụng gia đình.

Miniso chú trọng vào chất lượng và trải nghiệm mua sắm với hơn 10.000 sản phẩm giá từ 43.000đ trở lên, chủ yếu phục vụ đối tượng 18 - 35 tuổi. Mumuso khai thác nhóm hàng phụ kiện thời trang. Ilahui có hơn 3.000 sản phẩm với mức giá từ 10.000đ/món và liên tục bổ sung hơn 100 sản phẩm mới mỗi tháng.

Hầu hết hàng hóa tại các cửa hàng này đều có nhãn phụ tiếng Việt ghi rõ ràng thông tin sản phẩm… Đặc biệt, dù là cửa hàng Nhật, Hàn nhưng chỉ có một số ít mặt hàng có xuất xứ từ Nhật, Hàn Quốc và có thêm xuất xứ Ba Lan, Đài Loan, Việt Nam, còn lại phần lớn là sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc. 

Giá và chất có hời?

Khi khách hàng thắc mắc về xuất xứ Trung Quốc, nhân viên bán hàng tại Daiso Japan giải thích: “Hàng gia công tại Trung Quốc nhưng do công ty Nhật Bản kiểm soát chất lượng nên toàn bộ đều là sản phẩm tốt”.

Cua hang dong gia ngoai: Xuat xu Trung Quoc, khach van mua?
Việc mua sắm tại cửa hàng đồng giá được lợi nhiều hay ít thì còn tùy thuộc vào khả năng thẩm định giá của người tiêu dùng.

Thực tế, những thương hiệu cửa hàng đồng giá đến từ Nhật, Hàn -  các nước có uy tín về chất lượng sản phẩm - khiến nhiều người tin tưởng và “bỏ qua” xuất xứ của món hàng.

Anh Hưng (khách mua hàng và cũng là một giảng viên về thương hiệu), cho biết: “Tại một cửa hàng đồng giá Nhật Bản, tôi mua được gói trà túi lọc có giá 40.000đ; trong khi các nơi khác có giá đến 120.000đ. Tôi không e ngại xuất xứ Trung Quốc bởi thị trường cũng đầy rẫy hàng Trung Quốc rồi. Điều quan trọng là hàng này do thương hiệu uy tín bán ra”.

Chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng cũng nhìn nhận: “Niềm tin vào chất lượng sản phẩm dựa vào thương hiệu, đơn vị phân phối sản phẩm; cũng như hàng Sony, iPhone  gia công tại Trung Quốc nhưng chúng ta vẫn tin tưởng vì chất lượng này được thương hiệu uy tín phân phối, đánh giá và đồng nhất chất lượng toàn cầu…

Liệu các nhà bán lẻ trong nước có thấy đây là “miếng bánh” để mở chuỗi cửa hàng đồng giá cạnh tranh hay vẫn chỉ dừng lại ở nhượng quyền từ các thương hiệu cửa hàng đồng giá nước ngoài? 

Với lợi thế giá rẻ, kinh doanh cửa hàng đồng giá đang là xu hướng phổ biến trên thế giới, như cửa hàng 1 USD ở Mỹ; 2 tệ, 5 tệ, 10 tệ ở Trung Quốc; 100 yên ở Nhật... Song, việc mua sắm tại cửa hàng này được lợi nhiều hay ít thì còn tùy thuộc vào khả năng thẩm định giá của người tiêu dùng. Các nhà bán lẻ đã cơ cấu danh mục sản phẩm để có lợi nhuận trên giỏ hàng mà khách mua, có hàng giá rẻ nhưng cũng có hàng giá cao hơn thị trường rất nhiều”.

Thực tế, chị Lan (35 tuổi, nhân viên văn phòng) mua sắm tại Daiso Japan (Lotte Mart Nguyễn Văn Lượng, Q.Gò Vấp, TP.HCM), cũng chia sẻ: “Chỉ đến đây mua những món trị giá bằng hoặc cao hơn giá 40.000đ. Nếu không rành giá thị trường để so sánh, mình dễ trả giá đắt cho nhiều món trị giá chưa tới 10.000đ”.

Người tiêu dùng thông minh háo hức săn hàng giá rẻ, đúng mục đích sử dụng tại các cửa hàng đồng giá. Các cửa hàng này cũng ráo riết tung chiêu thu hút khách hàng.

Liệu các nhà bán lẻ trong nước có thấy đây là “miếng bánh” để mở chuỗi cửa hàng đồng giá cạnh tranh hay vẫn chỉ dừng lại ở nhượng quyền từ các thương hiệu cửa hàng đồng giá nước ngoài?

“Điều đáng nói, các nhà bán lẻ VN đã làm được hàng nhãn riêng có giá cạnh tranh. Song, để tiến đến bán sản phẩm đồng giá, các nhà bán lẻ cần phát triển cửa hàng thành những chuỗi lớn” - chuyên gia Hoàng phân tích.  

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI