Siết chặt thị trường iPhone
Từ cuối tháng 3, một số cửa hàng kinh doanh và sửa chữa iPhone xách tay trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội nhận được thư từ công ty Võ Trần (VOTRAN) - đại diện pháp lý và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của Apple tại Việt Nam, về việc ngưng sử dụng các nhãn hiệu của Apple trên bảng hiệu với thời hạn tháo gỡ trong vòng 7 ngày, kể từ ngày nhận được thư thông báo và khuyến cáo.
|
Thư thông báo và khuyến cáo được công ty Võ Trần - đại diện pháp lý của Apple tại Việt Nam gửi đến các cửa hàng kinh doanh thiết bị di động xách tay. |
Đây không phải lần đầu tiên đại diện pháp lý và bảo về quyền SHTT của Apple tại Việt Nam làm động thái này. Cách đây bốn năm, họ cũng từng gửi đi văn bản tương tự, nhưng sau một thời gian thì mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. Từ đó đến nay, nhan nhản các cửa hàng kinh doanh điện thoại xách tay mọc lên, vô tư sử dụng hình ảnh, logo của Apple trên bảng hiệu.
Đại diện một cửa hàng kinh doanh điện thoại xách tay trên đường 3/2 cho biết, có thể lần này Apple sẽ mạnh tay nên tốt nhất là tháo bỏ logo Apple để tránh rắc rối. Tuy nhiên, qua khảo sát một số tuyến đường như Lê Hồng Phong, Hùng Vương, Nguyễn Thị Minh Khai,… số cửa hàng tuân thủ chưa nhiều, đầy rẫy cửa hàng kinh doanh, sửa chữa và cung cấp linh kiện vẫn giữ nguyên bảng hiệu có logo của “Táo khuyết” lẫn dòng chữ “iPhone, iPad”…
Chủ một cửa hàng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh cho biết, một phần do chỉ biết được thông tin lan truyền trên mạng, phần khác là anh chưa nhận được thông báo nào từ đại diện pháp lý Apple tại Việt Nam. Vì thế, anh cũng không mấy bận tâm và nếu có yêu cầu thì sẵn sàng gỡ bỏ logo Apple khỏi bảng hiệu. “Mình bán sản phẩm cho họ mà họ còn không cho quảng cáo thì thôi. Với lại, cửa hàng mình kinh doanh nhiều thương hiệu điện thoại khác nữa, đâu chỉ riêng Apple nên cũng chẳng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động đâu”, chủ cửa hàng cho hay.
Đồng tình ý kiến này, chủ cửa hàng điện thoại trên đường Nguyễn Thị Minh Khai chia sẻ: “Tôi có biết thông tin yêu cầu ngừng kinh doanh hàng xách tay cũng như tháo bỏ logo của Apple hay bỏ dòng chữ “iPhone” trên bảng hiệu. Nếu họ làm căng quá thì mình bỏ ra thôi. Đến lúc đó tùy tình hình, hoặc là tìm hiểu các thủ tục để được làm đại lý ủy quyền chính thức của Apple tại Việt Nam, hoặc ngưng kinh doanh hàng Apple nếu khó quá”.
Theo anh này, những năm gần đây việc kinh doanh các dòng sản phẩm của Apple theo đường xách tay cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là iPhone. Giá máy mới thường rất cao và phải bán nhanh trong thời điểm máy chính hãng còn chưa bán ra, nếu ôm hàng mà bán chậm thì sẽ bị lỗ nặng. Lợi nhuận mang về trong tuần lễ đầu tiên Apple bán iPhone ra một số thị trường (không có Việt Nam) không nhỏ nên các cửa hàng rất tranh thủ kiếm lời. Càng về sau, khi hàng chính hãng lên kệ thì sự cạnh tranh giá giữa hàng chính hang và xách tay rất khốc liệt, so kè từng chút một. Hiện nay, nhiều cửa hàng kinh doanh hàng xách tay chủ yếu khi khách có nhu cầu và đặt cọc trước thì mới nhập về bán.
|
Vẫn còn rất nhiều cửa hàng chưa chấm dứt sử dụng logo Apple trên bảng hiệu. |
Kẻ lo, người mừng
Sắp tới, hàng Apple xách tay sẽ không còn được hỗ trợ và bảo hành theo chính sách của hãng này tại Việt Nam nếu như người dùng không xuất trình được hóa đơn mua bán cho đúng máy đó (SN/IMEI) từ các điểm bán ủy quyền của Apple trên toàn cầu.
Theo nhận định của nhiều chủ cửa hàng, động thái của Apple sẽ tác động lớn đến thị trường iPhone xách tay vì nguồn thu của cửa hàng từ sản phẩm này không hề nhỏ. Tuy sẽ khiến thị trường ổn định hơn, nguồn cung iPhone quy về một mối nhưng với người dùng Việt thì xem ra muốn mua hàng sẽ không còn dễ như trước, đặc biệt là với những ai không ngại bỏ thêm tiền để mua được sản phẩm sớm hơn những người khác.
Đại diện FPT Shop - đơn vị được phép nhập khẩu trực tiếp iPhone và iPad chính hãng của Apple tại thị trường Việt Nam cho biết, để trở thành đối tác của Apple không hề dễ dàng vì Apple có rất nhiều tiêu chí đánh giá đối tác trước khi ký hợp đồng hợp tác như năng lực, thương hiệu, chất lượng dịch vụ, độ phủ kênh, chiến lược phát triển trong tương lai cũng như phải đáp ứng được các quy chuẩn về hình ảnh, khu trải nghiệm. Nếu căn cứ trên các điều kiện này, không ít các cửa hàng bán hàng xách tay sẽ rớt ngay từ… vòng gửi xe nếu muốn đăng ký làm đại lý ủy quyền chính thức của Apple tại Việt Nam.
|
Để trở thành đại lý ủy quyền của Apple tại Việt Nam không hề dễ dàng vì phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí. |
“FPT Shop nhận thấy, đây là hành động cần thiết và kịp thời của Apple tại Việt Nam để đảm bảo tính minh bạch thông tin cho khách hàng. Việc xác định nguồn gốc hàng hóa một cách rõ ràng sẽ đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng và cũng là hỗ trợ các đại lý ủy quyền tiếp tục đẩy mạnh bán hàng chính hãng”, đại diện FPT Shop phân tích.
Việc Apple siết chặt hàng xách tay sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua các sản phẩm Apple vì chỉ có các cửa hàng ủy quyền chính thức mới có logo Apple, thay vì như hiện tại của hàng nào cũng có thể tự treo. Đồng thời, các sản phẩm không rõ nguồn gốc (không được bảo hành) sẽ dần dần bị xóa bỏ vì các sản phẩm này mang đến rủi ro rất lớn cho người tiêu dùng mặc dù giá có rẻ hơn.
Thông qua sự việc lần này, khách hàng khi quyết định sở hữu sản phẩm “Táo khuyết” cũng nên cân nhắc giữa hai việc: chọn mua sản phẩm xách tay giá rẻ đi cùng rủi ro không được bảo hành/máy có thể bị khóa; hoặc chọn mua hàng chính hãng với giá tiêu chuẩn sẽ được đảm bảo quyền lợi bảo hành chính hãng và hàng hóa 100% nhập trực tiếp từ Apple.
Phúc Khang – Tùng Nguyễn