Cửa đóng im ỉm, mở tình láng giềng

30/09/2021 - 06:00

PNO - Nhất định khi hết dịch, những hàng xóm gần chúng tôi sẽ phải “tụ tập”, trước là mừng vì tất cả cùng bình an, sau là để tình hàng xóm thêm gắn bó.

Tôi ở chung cư, mùa dịch chỉ biết đóng kín cửa nhà có gì ăn nấy, đến nỗi con trai tôi đùa: “Con quên mất đường ra cửa rồi”.

Đùng một cái, tầng tôi ở có hai ca nhiễm. Cách đây không lâu, khi nghe có ca nhiễm, cảm xúc đầu tiên trong tôi là giận dữ. Tôi ngầm trách người đó không biết giữ gìn, rồi lây nhiễm ảnh hưởng người khác. Nhưng lúc này, tôi chỉ suy nghĩ tới việc phải làm gì bảo vệ gia đình mình và hàng xóm.

Đúng lúc ấy, tôi nhận được điện thoại của nhà sát vách, bạn nói tầng mình sẽ lập một nhóm chat Zalo để tiện trao đổi tình hình.

Ban đầu là những lời chào hỏi và giới thiệu. Thú thật là trừ một nhà sát vách, tôi không quen biết ai. Thi thoảng tôi có gặp mấy bé chạy nhảy, tôi cho chúng ít bánh kẹo, còn cha mẹ chúng, có gặp trong thang máy cũng chỉ gật đầu chào nhau rồi thôi. 

Anh Tú là một trong hai người dương tính, anh chia sẻ rất thật về mình. Anh là nhân viên văn phòng, mùa dịch không có việc làm nên anh làm bảo vệ ở siêu thị.

Ngay khi siêu thị có ca nhiễm, mọi người đã tự cách ly, và khi làm xét nghiệm, kết quả anh dương tính. Nghĩa là cả tuần nay anh ở luôn chỗ làm không về, nhà chỉ còn vợ và con gái nhỏ. Ban quản lý chung cư thông báo tự cách ly, theo dõi.

Chị Hoài là công nhân, công ty “ba tại chỗ” nên khi xét nghiệm xong, chị vào thẳng khu cách ly, không liên quan gì đến người nhà. Nhưng để yên tâm, chị nói người nhà gồm chồng và con trai sẽ tự cách ly bảy ngày.

Sau những câu hỏi nhà có thuốc men, lương thực gì dự trữ không, con nhỏ có đồ ăn chưa, là đến phần… khoe tủ lạnh như lời nói vui của một bà mẹ trẻ. 

Tôi nói mới mua năm chục trứng, tôi sẽ đưa qua cho mỗi nhà một chục, khay ức gà cho nhà chị Hoài, một lát cá cho vợ con anh Tú. Hai món này hợp với con nít. Ban công nhà tôi có ít rau muống, rau cải, mồng tơi… khi nào hết rau cứ nhắn, tôi hái rồi mang sang cửa.

Cứ thế, người đưa sang ít chà bông, người khay thịt, ký cam, rồi trái cây, lốc sữa. Lúc tôi mang hai bịch trứng sang, đã thấy trước cửa nhà có dán giấy lưu ý đang để sẵn mấy bịch rau củ. Tự dưng tôi cay mắt. 

Rồi vợ anh Tú nói anh cần thêm ít vật dụng, chị hỏi có ai biết cách gửi vào không. Chỉ ít phút sau, có bạn đã nhận mua giúp chị cái bình siêu tốc, ít gói thảo dược để xông, gửi vào cho anh Tú cùng với túi quần áo, thuốc men.

Sáng dậy, việc đầu tiên là tôi vào nhóm chat xem có ai cần gì. Chị Hoa làm món bột chiên khoai môn, mời mọi người ăn thử. Chị Nguyệt muối hũ dưa cải, chia cho các nhà ăn “cho vui chứ no béo gì”. Rồi người đăng ký mua rau củ theo combo 10kg về chia cho cả tầng. Người có sẵn ít đậu đen, nấu nồi chè mang chia.

Chúng tôi ai ở nhà nấy, cửa vẫn đóng im ỉm. Có mang gì cho nhau thì để trước cửa rồi về, nhưng mọi người đều thấy ấm lòng với tình hàng xóm.

Đỉnh điểm, có ông bố trẻ soạn một cái đơn “xin dùng hành lang trong một giờ” để cho “đại ca” bốn tuổi được chạy nhảy. Anh hứa sau khi con chơi sẽ vệ sinh hành lang sạch sẽ. Nếu có ồn ào thì mong hàng xóm thông cảm vì “đại ca” nhà anh bị nhốt trong nhà bí bách hệt con hổ trong sở thú.

Đơn của anh làm chúng tôi cười bò. Những nhà khác có con nhỏ cũng đăng ký mượn hành lang. Hai bạn nhà tôi đã lớn nên tôi không có nhu cầu dùng hành lang, tôi nhắn: “Mình không cho mượn mà cho thuê nhé. Ai trả giá cao mình sẽ chốt đơn!”. 

Trả lời tôi là “một củ khoai nướng nhé chị”, “máy tính nhà chị có vấn đề gì, em sẽ sửa miễn phí cho chị cả năm nhé!”… làm tôi cứ ôm điện thoại và cười.

Bình thường mỗi người một việc, ai về nhà nấy. Dịch đến, kéo chúng tôi lại gần nhau hơn, trước lạ sau quen, nay thành gần gũi. Chúng tôi có thể chia sẻ với nhau nhiều chuyện, từ chai nước mắm, gói bột nêm đến quyển tập, cây bút cho con trẻ…

Nhất định khi hết dịch, những hàng xóm gần chúng tôi sẽ phải “tụ tập”, trước là mừng vì tất cả cùng bình an, sau là để tình hàng xóm thêm gắn bó. 

Ngọc Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI