Của để dành

12/11/2017 - 14:05

PNO - Thế gian này chuyện đời nhiêu khê lắm, lòng người khó đoán, miệng người đâu thể bịt được. Sống đơn giản thôi, lòng nặng hay nhẹ là do mình mà ra.

Cái hồi thằng Lãm tay bế tay bồng đứa trẻ còn đỏ hỏn về nhà là mùa Khiết Bông trổ hoa, đâu chừng hơn hai năm về trước. 

Cua de danh
 

- Má đỡ cháu giúp con, nó khóc um sùm đây nè.

Bà ngỡ ngàng rụng rời đưa tay đỡ lấy.

- Cái gì nè trời… mày… mày…

Thằng Lãm rảnh tay, vơ lấy chai nước đang để trên bàn mà ừng ực như vừa thoát khỏi một cơn khát kinh hồn: “Gì đâu mà má lo lắng chi mệt. Con của con đó. Người ta đẻ, mà hổng chịu nuôi, thì con đem về”.

Nó cười cười gãi đầu. Ánh mắt nhìn bà đầy ngượng ngập nhưng cũng rất dứt khoát. “Có luôn giấy chứng nhận tên con làm cha nè. Mai con lên phường khai sinh, rồi nhập hộ khẩu nghen. Giờ má khỏi cưới hỏi chi hết, mà vẫn có cháu bồng”. 

Bà trợn tròn mắt, quát rần trời. “Đâu ra cái mửng này. Mày ăn chơi trác táng rồi đem về một cục bắt tao nuôi hả. Khổ ơi là khổ, Lãm ơi là Lãm, bà con họ hàng rồi chòm xóm láng giềng, mày muốn tao bỏ đi biệt xứ hay sao”. Bà mếu máo, tay vẫn nhịp nhịp đong đưa cho đứa nhỏ đừng khóc. 

“Đã nói rồi mà má, có phải con rơi con rụng gì đâu. Sự thể phức tạp rắc rối lắm. Mình thương mình nuôi, hổng lẽ mình bỏ, tội lắm má heng. Má quên Phật dạy cứu một mạng người hơn xây tám chục cái chùa lận đó. Mình tạo phước coi như tích của để dành sau này nghen má”.

Lãm nào giờ cũng long đong ba cái chuyện yêu đương nhăng nhít. Có quản được nó đâu. Từ ngày ông mất, nó đôn đáo lo toan hết mọi thứ trong nhà nên bà yên tâm lắm. Trái gió trở trời cũng chỉ mình ên nó lo cho bà. Nhà cửa dột tạt mỗi độ mưa giông cũng tự nó dựng chống đấy thôi. Ngoài ba mươi rồi, chứ nhỏ gì cho cam. 

Cua de danh
 

Bà đặt tên thằng nhỏ là Khiết. Hồi đó thằng Lãm cũng thắc mắc sao đặt tên nghe trúc trắc vậy. Bà chỉ cười cười: “Cho nó lớn lên sống trong sáng thuần dưỡng không có ngỗ nghịch như mày”. Hai năm qua, bà cũng đối diện với nhiều lời bàn tán của láng giềng rồi họ hàng thân thích, nhưng bà chỉ cười nhẹ nhàng chứ không thèm phân bua chi cho mệt hơi tốn sức.

Thế gian này chuyện đời nhiêu khê lắm, lòng người khó đoán, miệng người đâu thể bịt được. Sống đơn giản thôi, lòng nặng hay nhẹ là do mình mà ra. Bà cũng chẳng màng gốc gác lai lịch thằng nhỏ từ đâu ra. Bà dặn lòng dù là máu mủ ruột thịt, hay người dưng nước lã, thì cũng là một sinh linh. Âu cũng là cái duyên cái số đưa nó đến với gia đình thì bà nhận, bà dưỡng dục. Chỉ vậy thôi. Giờ nó là niềm vui tuổi già của bà. 

Luống rày mưa nắng thất thường, nên tháng Mười Một rồi mà Khiết Bông vẫn chưa trổ hoa. Dàn cây trước cửa vẫn xanh rì. Thường khoảng điểm này, cổng nhà bà sẽ đỏ rợp màu hoa, từng cánh mỏng xòe ra để lộ nhụy hoa như thể cây kim may đồ. Khi còn trong búp thì nhụy hoa xếp cuốn xéo theo chiều kim đồng hồ tựa như cái búi tóc được tết cầu kỳ của người con gái.

Bà đem Khiết Bông về trồng từ hồi được gả theo ông. Hồi đó ông làm thực tập sinh nông nghiệp trên Đà Lạt. Bà là cô giáo làng ngày hai buổi xuôi theo con dốc,  mang cái chữ cho trẻ nghèo của vùng đất quanh năm sống bằng nghề trồng hoa. Ông được nhận về ở cùng gia đình trưởng làng. Nhà bà đối diện. Cả con dốc đều trồng thẳng tắp hai hàng Khiết Bông, mỗi mùa trổ hoa, cả con dốc đỏ thắm. 

Hồi ấy, chiều chiều ông lững thững thả dốc sau một ngày lăn lộn với mớ rau, mớ hoa là bắt gặp tà áo dài phấp phới trong gió của bà. Sau này ông bảo, chiều nào về sớm cũng ngồi ở đầu dốc đợi bà về ngang qua, rồi âm thầm theo sau. Ông nhát lắm, thích bà mà không dám nói, sợ mình chưa có công ăn việc làm ổn định, sẽ làm bà khổ. 

Cua de danh
 

Ngày ông xong thời gian thực tập về lại thành phố, tình đã đủ đầy trong lòng cả hai. Ông nhờ trưởng làng dẫn qua nhà bà xin phép được tìm hiểu. Thế là cứ mỗi tháng, ông lại lên thăm bà dăm ba bữa.

Chừng đâu một năm sau, ông đặt lễ rồi bà theo chồng về phố. Khiết Bông là hành trang quý giá của bà giữa phố phường đô hội xa hoa lạ lẫm. Từ hồi lấy ông, bà nghỉ dạy, chăm nom gia đình. Sanh thằng Lãm thì coi như bà vẹn tròn nghĩa tào khang với chồng. Vậy mà ông đi sớm hơn bà. 

Như thói quen, mỗi tối Lãm chở thằng nhỏ đi hóng mát, bà lại bắc cái võng ra ngoài sân nằm đung đưa, nghĩ ngợi. Thường thì giỗ ông cũng là mùa Khiết Bông trổ hoa. Bà ưa cắt vài cành chưng lên bàn thờ cúng ông. Độ chừng hơn tuần nữa là tới. Chẳng biết dàn cây có chịu ra hoa hay không.

Đang miên man thì nghe tiếng bi bô réo mở cửa: “Bà ơi bà, lúc nãy ba chở con đi gặp cô kia, cô cho quà con nhiều lắm”. Bà thấy lạ. Chưa lần nào Lãm chở thằng nhỏ đi gặp ai hết. Đợi Lãm vào nhà, bà hỏi: “Lại đưa nó đi lung tung, con nít đó nha, sau này không muốn lông bông thì để nó ở nhà”. Lãm không nói gì, châm điếu thuốc, buông người ngồi sát góc tường nhà, mắt đỏ hoe: “Mẹ thằng nhỏ vừa mất rồi”. “Gì? Mẹ ai?”, bà thẫn thờ.

- Thì mẹ ruột thằng Khiết đó. Vừa mất. Mẹ thằng Khiết là con bé Thúy mồ côi ngày xưa, bạn học cấp III của con đó. Lần đó nó chia tay với thằng người yêu, ai ngờ tháng sau biết mình có mang. Lúc đó nó cặp kè một ông nhà giàu lớn tuổi góa vợ. Sợ vỡ lở chuyện con cái rồi không đến được với ổng.

Cả đời sống trong nghèo khổ, giờ được sung túc nó không muốn lại hụt mất. Nó nói dối công ty cho đi tu nghiệp nước ngoài sáu tháng, rồi lén về quê ở ẩn. Ngày lên đây sinh nở, nó báo nhờ con kiếm giúp chỗ cho đứa trẻ chứ không thể để ông già ấy biết. Để chừng nào ổn định sẽ kiếm cách rước đứa nhỏ về.

Nó sợ cái nghèo, cái khổ lắm. Con nhìn đứa nhỏ mà xót xa quá, nên đem về đây. Mình nuôi coi như chờ đến lúc Thúy ổn định sẽ rước về, hay nó có bỏ luôn thì thằng nhỏ cũng không phải khổ. Hai năm trời, tháng nào con Thúy cũng lén lút gởi tiền cho con. Nó nói để dành phụ nuôi thằng Khiết. Con đâu nhận.

Thúy bảo thì coi như nó gởi con tích cóp, sau này thằng Khiết lớn lên có cái mà ăn học lập nghiệp. Nó không dám ra gặp thằng nhỏ, vì ông già rất ghen, lúc nào cũng cho người theo sát nó. Ngay cả chuyển tiền cho con cũng phải nói là đi làm từ thiện. Má thấy đau lòng cho thằng Khiết chưa.

Bữa trước Thúy nói nó có mang với ông già, sinh cho ổng một đứa con để dễ bề lấy lòng ổng, đặng sau này tính đem thằng Khiết về với danh nghĩa cháu nó, cho hai đứa trẻ sống chung, có bạn có bè. Vậy mà giờ nó mất rồi. Nãy con Lan báo tin, trong lúc sinh, Thúy bị băng huyết bất thường, bác sĩ trở tay không kịp. 

Điếu thuốc trên tay thằng Lãm tàn. Bà cũng chấm vội hàng nước mắt. Thằng Khiết cuộn tròn trong lòng bà ngủ ngon lành theo nhịp tay bà vỗ nhẹ đều đặn sau lưng. 

- Vậy giờ thằng nhỏ này sao ta? Hay đem giao cho cha ruột nó?

- Cha ruột nó giờ ở trong tù rồi má à. Nghe nói tội buôn ma túy. Hồi đó, con Thúy nói đừng để ai biết về thằng nhỏ. Bên nhà cha nó không đàng hoàng tử tế. Con Thúy nó trót lỡ lầm, nên ngậm đắng nuốt cay, chứ con nó phải nên người nên thân. 

Bà thở dài. Ừ, đành vậy, bữa đám con Thúy, mày cho thằng nhỏ về thắp nhang. Dù không gọi là mẹ được một lần trong đời. Dù không trọn bổn phận làm mẹ nhưng con Thúy cũng có công sanh. Đừng để ông già nghi ngờ nghen con.

Cua de danh
 

Phận đàn bà khổ cực trăm bề. Nỗi niềm riêng mang đâu phải ai cũng hiểu, cũng cảm thông. Coi như chuyện này sống để bụng chết mang theo. Cuộc đời con người ta có số có phận hết rồi. Đôi khi cái số con Thúy tận cam lai rồi thì hết nghiệp mà đi. Cái phận thằng Khiết trời giao cho mình thì mình nhận lấy và thương trọn vẹn. 

Lãm đứng lên, bồng nhẹ thằng nhỏ vào lòng, chẳng ruột rà mà sao thương mày quá đỗi. Lãm nghĩ bụng, thì thôi quãng đời chìm nổi của tao sẽ có thêm mày nghen. Coi như từ nay mày chính thức là của để dành của tao luôn rồi. Chẳng trông mong mày lớn lên “thành nhân chi mỹ” gì cho cao sang. Mày đi qua quãng đời một cách an yên, đủ đầy yêu thương là tao mừng rồi.

Quá khứ khép lại hết, tương lai mở ra những ngã rẽ mới. Sau này heng, ai mà đến với tao thì cũng phải chấp nhận mày như một phần không thể thiếu trong tao. Để đợt này giỗ ông nội mày, tao thưa một tiếng, rồi ghi tên mày vào cuốn gia phả của dòng tộc. Lãm bế thằng nhỏ về phòng, rắn rỏi và dứt khoát trên từng bậc cầu thang. 

Đêm nay, bà lại khó ngủ. Lần ra cái võng trước hiên nhà, bà nằm đung đưa, nhìn dàn Khiết Bông mải miết. Lãm nó trưởng thành rồi ông ơi. Giờ nó biết làm cha rồi đó. Những tưởng thằng con trai lông bông chẳng thể lớn mà giờ nhìn nó đôn hậu quá. Ông chính thức có cháu nội rồi nghen.

Người ta sinh ra khoác sẵn lên mình chiếc áo số phận rồi. Đâu biết trước quãng đời mình bước qua chông gai nghiệt ngã hay hanh thông duyên may. Thì thôi, coi như thằng nhỏ từ nay là của để dành của gia đình mình đó ông. Bước đường đời tiếp theo của thằng nhỏ sẽ như một phần huyết thống của dòng họ mình, như đám Khiết Bông luôn luôn hiện hữu trong ngôi nhà này, nghen ông.

Trúc Thiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI