|
Darren Logue (thứ hai từ trái sang) cùng đồng nghiệp là các nhà quay phim, người viết kịch bản, biên tập viên, nghệ sĩ lồng tiếng… tại Spectrum Fusion Studios - Ảnh: Courtesy Spectrum Fusion |
Loay hoay tìm việc dù có tay nghề
Darren Logue (25 tuổi) tốt nghiệp Cao đẳng Cộng đồng Houston (Mỹ) năm 2019 với chứng chỉ làm phim. Dù mắc chứng tự kỷ nhưng anh rất thành thạo sau máy quay và làm tốt công việc hậu kỳ. Tuy nhiên, quá trình đó không diễn ra suôn sẻ như Logue mong đợi.
Năm 2020, Logue tìm thấy Spectrum Fusion Studios - một tổ chức phi lợi nhuận tại địa phương tập trung vào việc cải thiện cuộc sống của những người trưởng thành mắc chứng tự kỷ. Sau khi tìm hiểu, anh quyết định tham gia các chương trình của tổ chức này.
1 năm sau, anh trở thành nhân viên chính thức của Spectrum Fusion Studios chuyên sản xuất tài liệu quảng cáo với danh sách khách hàng bao gồm Johnson & Johnson, ROCO, Kaiser Permanente,
Autism Speaks…
Thời trung học, Logue từng trải qua một công việc bán thời gian và cảm thấy khó tương tác với đồng nghiệp. Tuy nhiên, tại Spectrum Fusion Studios, mọi thứ hoàn toàn khác biệt. “Tại đây, tôi có một số sở thích giống với đồng nghiệp và họ đều trở thành những người bạn tuyệt vời. Chúng tôi được khuyến khích sáng tạo trong quá trình thực hiện các dự án” - anh cho biết.
Diego Velázquez chuyển từ Mexico đến Houston vào năm 2012. Anh biết về Spectrum Fusion Studios khi xem truyền hình địa phương. “Điều thu hút tôi là thành công của họ trong việc giúp đỡ những người mắc chứng tự kỷ như tôi. Điều đó thôi thúc tôi liên lạc với họ” - Velázquez nói.
Velázquez sống cùng gia đình ở Pearland (Texas, Mỹ) và làm việc cho một cửa hàng bán lẻ địa phương. Anh thường gặp khó khăn tại nơi làm việc do khó nhận biết các tín hiệu xã hội. “Tôi không nhận ra các tín hiệu xã hội từ mọi người để hiểu được rằng họ có thể không thích tôi hoặc thấy tôi phiền phức. Tôi không biết đồng nghiệp nói gì về mình nhưng vẫn luôn cố gắng để mang lại sự tích cực ở nơi làm việc” - anh trải lòng. Anh thích làm phim và đó là một trong những đam mê lớn nhất của anh.
Danny Lakes (29 tuổi) - người được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ - là chuyên gia tự động hóa quản lý đơn hàng tại Procter & Gamble (P&G), Mỹ. Tuy nhiên, trước khi nhận được công việc tại P&G, anh cảm thấy rất khó tìm việc.
P&G là công ty duy nhất anh từng làm việc đã nhìn nhận anh như một con người bình thường. Trước đó, anh từng gặp khó khăn trong các giao tiếp xã hội, đặc biệt trong môi trường công ty và đó là rào cản khiến anh khó tìm được việc làm phù hợp năng lực và sở thích.
|
Các thành viên của Spectrum Fusion Studios đang dạy và cố vấn cho trẻ em về chứng tự kỷ thông qua một khóa học làm phim - Ảnh: Courtesy Spectrum Fusion |
Môi trường làm việc thân thiện dành cho tất cả
Todd Ballish - người quản lý chương trình đa dạng thần kinh của P&G - cho biết: P&G đã bắt đầu cung cấp một loạt chương trình vào năm 2018 bao gồm chương trình thực tập kéo dài 5 tuần dành cho nhân viên mắc bệnh thần kinh khác biệt (tự kỷ, ADHD - rối loạn tăng động, giảm chú ý ở người lớn - và các dạng thần kinh khác) nhằm mang đến cơ hội đào tạo cho mọi nhân viên và kết nối toàn công ty.
Theo tiến sĩ Heidi Stieglitz Ham - người sáng lập và Giám đốc điều hành của Spectrum Fusion Studios - 85% người trưởng thành mắc chứng tự kỷ bị thất nghiệp hoặc thiếu việc làm một phần do các công ty và tổ chức phi lợi nhuận thiếu chú ý đến những thách thức mà người trưởng thành mắc chứng tự kỷ phải đối mặt. Bà cho rằng những tổ chức này có xu hướng tập trung nhiều hơn vào trẻ em mắc chứng tự kỷ và cha mẹ chúng.
Tiến sĩ Ham đã làm việc với các cá nhân mắc chứng tự kỷ cũng như gia đình họ ở Nigeria, Úc, Vương quốc Anh và Mỹ. Bà thành lập Spectrum Fusion Studios vào năm 2018 để giải quyết vấn đề việc làm của những người trưởng thành mắc chứng tự kỷ. Tiến sĩ Ham cho biết hầu hết những người trưởng thành mắc chứng tự kỷ đang làm việc trong môi trường không lành mạnh, nơi họ bị bắt nạt. Khi điều đó xảy ra, họ sẽ bị tổn thương và phát triển PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn). “Một số người không bao giờ quay lại làm việc nữa vì đã bị tổn thương nặng nề” - bà nói.
Đội ngũ các nhà quay phim, người viết kịch bản, biên tập viên, nhà thiết kế đồ họa và nghệ sĩ lồng tiếng ở Spectrum Fusion Studios đều mắc chứng tự kỷ. Tiến sĩ Ham đã nỗ lực tạo ra một môi trường làm việc đảm bảo tất cả nhân viên đều được đáp ứng các nhu cầu cá nhân. Bà cho phép họ bắt đầu ngày làm việc muộn hơn, nghỉ phép khi thú cưng chết và có ngày chăm sóc sức khỏe tâm thần. “Tất cả nhân viên của chúng tôi đều muốn làm việc thật tốt để mang lại hiệu quả cao nhất. Nếu họ không thể thì không phải vì họ lười biếng mà chỉ là họ đang cần sự giúp đỡ…” - bà cho hay.
Spectrum Fusion Studios đang triển khai một khóa học làm phim mới dành cho trẻ em nhằm giúp các nhân viên có cơ hội dạy và cố vấn cho trẻ em về chứng tự kỷ. Đó là một hoạt động ý nghĩa và đang góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều người. “Họ rất tốt bụng, dịu dàng và thấu hiểu. Những đứa trẻ thực sự ngưỡng mộ họ” - tiến sĩ Ham nói.
| Nhiều nhà tuyển dụng không nhận thức được những lợi ích mà nhân viên mắc chứng tự kỷ có thể mang lại cho công ty họ - Ảnh minh họa: Andrea Mongia |
Người sử dụng lao động nên xem nhân viên tự kỷ là tài sản Robert Buckland - cựu thư ký tư pháp, cha của một người trưởng thành mắc chứng tự kỷ - đã được Bộ Lao động và Lương hưu Anh giao đứng đầu cuộc đánh giá nhằm đề xuất cách các bộ trưởng có thể hỗ trợ người sử dụng lao động trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân viên mắc chứng tự kỷ. Người tự kỷ có việc làm hiện chiếm tỉ lệ rất thấp, cứ 10 người thì ít hơn 3 người có việc làm. Trong một bài viết trên tờ The Observer, Buckland và Bộ trưởng phụ trách người khuyết tật - Tom Pursglove - ý kiến: “Những người sử dụng lao động cần ngừng coi chứng tự kỷ là một nhược điểm và bắt đầu công nhận những nhân viên mắc chứng tự kỷ như một tài sản”. Tất cả doanh nghiệp, tổ chức việc làm, nhóm hỗ trợ người mắc chứng tự kỷ đều sẽ được lấy ý kiến về những rào cản họ gặp phải. Người ta hy vọng rằng bất kỳ khuyến nghị nào cũng có thể mang lại lợi ích cho những người mắc các tình trạng về thần kinh khác như ADHD, chứng khó đọc... Cuộc đánh giá được các tổ chức từ thiện hỗ trợ người tự kỷ hoan nghênh. James Cusack - Giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện Autistica - mong muốn tỉ lệ người trưởng thành mắc chứng tự kỷ có việc làm sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Đồng quan điểm, Tim Nicholls (Hiệp hội Tự kỷ quốc gia) nói rằng vẫn còn nhiều người tự kỷ đối mặt với những rào cản lớn trong việc tìm kiếm và duy trì công việc. Hiểu rõ hơn về chứng tự kỷ tại nơi làm việc có thể giúp thay đổi cuộc sống của hàng ngàn người mắc chứng tự kỷ. “Chính phủ cần luôn đồng hành và hỗ trợ trong Chiến lược quốc gia về trẻ em, thanh niên và người lớn mắc chứng tự kỷ (2021-2026) để người tự kỷ có thể nhận được sự hỗ trợ kịp thời” - Nicholls bày tỏ. |
Thụy Ngọc