Việc người dân gặp khó khăn do bị chậm cấp trả căn cước công dân (CCCD) hay khốn đốn với những thủ tục rườm rà lúc nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là điều kiện tốt để các “cò” hoạt động. Để nhận CCCD “siêu tốc”, người dân phải mất cho “cò” 2,3 triệu đồng, nhận trợ cấp BHTN cũng bị “cò” hét giá đến 2,7 triệu đồng.
|
Các “cò” ngang nhiên chào mời trước Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM |
Muốn bớt khổ, phải qua tay “cò”
Trong vai một người đi nhận trợ cấp BHTN, sáng 24/10, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM (số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh). Vừa đến nơi, chúng tôi đã được bảo vệ hướng dẫn đi vòng ra con hẻm phía sau, nằm trên đường Điện Biên Phủ, để nhận BHTN.
Trong lúc người thanh niên đi cùng chúng tôi loay hoay bấm điện thoại để tìm đường, ông Thành (hành nghề xe ôm) xuất hiện, chào mời: “Vào nhận BHTN phải không? Lên đây anh chở đi, lấy rẻ cho em 40.000 đồng thôi”. Nghĩ đường xa, thanh niên này gật đầu đồng ý. Ông Thành vội lấy xe máy chở anh ta vào đường Nguyễn Cửu Vân, vòng vào một con hẻm nhỏ cách vị trí ban đầu chỉ vài trăm mét. Đến nơi, người thanh niên mới ngả ngửa, hiểu ra mình bị xe ôm lừa “chặt chém”.
Trò chuyện với chúng tôi, người thanh niên tự giới thiệu tên Hùng, 32 tuổi, tạm trú tại Q.4, vừa xin nghỉ việc cách đây gần hai tháng. Gần nửa tháng nay, anh chạy vạy nhiều nơi làm thủ tục nhận trợ cấp BHTN nhưng vẫn chưa được. “Nghe người ta bảo tới đây làm “dễ thở” hơn mấy chi nhánh nên tôi đến thử. Nhận BHTN chẳng được mấy đồng mà thủ tục rắc rối lắm” - anh Hùng lắc đầu.
|
Người dân mệt mỏi ngồi chờ nhận bảo hiểm thất nghiệp |
Trước khi chúng tôi rời đi, ông “Thành xe ôm” nói: “Vào đó nhận giấy đi, rồi ra đây anh hướng dẫn, chứng giấy tờ luôn cho nhanh”. Cùng với ông Thành, tại điểm nhận BHTN của Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM (số 106/14D Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh), có năm, sáu người đứng trước cổng chào mời, chèo kéo để hướng dẫn làm hồ sơ.
Đứng xếp hàng, bốc số thứ tự, chờ nhân viên “thẩm định” giấy tờ một hồi lâu, anh Hùng mới được phát cho mẫu đơn để làm thủ tục. Sau một lúc lúi húi, hồ sơ của anh Hùng bị trả lại, kèm theo một mẫu đơn mới. Một nhân viên tỏ thái độ “không vui” vì anh Hùng đã điền sai thông tin và chưa có giấy tờ công chứng. Đang loay hoay, anh Hùng được một phụ nữ tiến đến nói nhỏ: “Anh ra cổng nhờ “cò” làm giúp cho nhanh. Sáng giờ, tôi cũng làm hư mấy tờ giấy. Ra kia một lúc họ làm xong đưa mình vô nộp liền. Muốn bớt khổ phải qua tay “cò”.
Chúng tôi trở ra trước cổng. Lúc này là khoảng hơn 9 giờ sáng, dòng người đến nhận BHTN ngày càng đông, “cò” chèo kéo, mời mọc cũng nhộn nhịp hơn. Thấy chúng tôi bước ra, một phụ nữ tên Hoa chạy đến mời: “Lại chỗ chị uống nước, thong thả chị chỉ cho viết hồ sơ rồi đem đi công chứng luôn cho. Cái này tụi chị rành lắm, chứ tụi em điền cả ngày cũng không xong đâu”. Nhìn theo hướng tay bà Hoa chỉ, chúng tôi thấy có bốn, năm người đang ngồi ghế xếp theo hàng ngang, được một vài người chỉ cho cách viết hồ sơ. Chúng tôi hỏi về giá cả “dịch vụ”, bà Hoa cười: “Có bao nhiêu đâu, chị làm hết luôn, em chỉ vô nộp trong kia thôi. Chỗ em, chị tính 100.000 đồng”.
|
Người phụ nữ tên Hoa chào mời phóng viên dùng “dịch vụ” |
Tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM, chúng tôi thấy có rất nhiều “cò” làm hồ sơ BHTN như bà Hoa. Hằng ngày, “cò” tập trung trước cổng trung tâm, công khai chào mời “dịch vụ” hướng dẫn người nhận BHTN viết hồ sơ, công chứng giấy tờ. Chỉ cần mất chưa đầy 10 phút hướng dẫn, “cò” đã bỏ túi 100.000 đồng/trường hợp. Do dễ ăn, những người hành nghề xe ôm, bán cà phê cũng ngang nhiên trở thành “chuyên gia” hướng dẫn viết hồ sơ, công chứng giấy tờ. Do quy định người nhận BHTN hằng tháng phải đến trình diện nên trong thời gian nhận BHTN, mỗi tháng, họ đều phải mất tiền cho “cò”.
Không chỉ nhận viết hồ sơ, công chứng giấy tờ, “cò” BHTN còn công khai nhận “thầu” luôn cả những trường hợp trễ hạn nhận BHTN. Sáng 25/10, trong vai một người trễ hạn nhận BHTN, chúng tôi tiếp xúc với ông T., hành nghề xe ôm trước cổng Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM. Vừa nghe chúng tôi trình bày, ông T. nói: “Trường hợp của em hơi căng. Bây giờ, anh chỉ cho em “mẹo” vào đó xin nộp hồ sơ muộn hoặc em giao cho anh làm luôn rồi cho anh xin tiền xăng”.
Ông T. cho biết, người trễ hạn nhận BHTN có thể vào trung tâm năn nỉ, trình bày với nhân viên lý do trễ hạn là “về quê vì gia đình có tang” hoặc giao cho “cò” làm trọn gói với giá 2,7 triệu đồng. Chúng tôi giả vờ thắc mắc: “Anh quen nhân viên trong đó hả?”. Ông T. cười đắc ý: “Cái đó em khỏi phải lo hay thắc mắc, anh làm xong cho em rồi mới lấy tiền”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng “cò” BHTN lộng hành ở Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM đã diễn ra nhiều năm nay. Việc “cò” lộng hành là do thủ tục nhận BHTN khá phức tạp, trong khi nhân viên trung tâm lại không hướng dẫn tận tình. Việc “cò” công khai nhận “bảo lãnh” các trường hợp trễ hạn nhận BHTN cũng khiến không ít người đặt nghi vấn có sự tiếp tay của nhân viên Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM.
Dân chờ vài tháng, “cò” hứa vài ngày
Trong lúc người dân mỏi mòn chờ nhận CCCD, “cò” ăn theo dịch vụ này cũng ra đời. Ngày 23/10, có mặt tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an TP.HCM (đường Trần Hưng Đạo, Q.1), chúng tôi thấy lượng người dân đến làm CCCD khá đông, số người đến nhận CCCD theo phiếu hẹn và bị gia hạn cũng rất nhiều. Hiện thủ tục làm CCCD khá đơn giản, người dân chỉ cần thực hiện các bước: điền vào mẫu đơn có sẵn, chụp ảnh, lấy dấu vân tay rồi nhận phiếu hẹn. Được biết, mức phí làm mới CCCD chỉ 30.000 đồng, phí cấp đổi 50.000 đồng.
|
Bà Hoa ngang nhiên chặn xe, chào mời khách trước Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM |
Khoảng 10 giờ ngày 23/10, thấy chúng tôi từ bên trong khu vực nhận CCCD của Công an TP.HCM bước ra, một người đàn ông khoảng 40 tuổi, hành nghề xe ôm tiến đến hỏi thăm. Nghe chúng tôi than hạn cấp CCCD quá lâu, trong khi đang cần giấy tờ gấp, ông này mời chúng tôi đến quán cà phê để “bàn chuyện”. Tại quán nằm trong một con hẻm đường Nguyễn Trãi (Q.1), ông này giới thiệu: “Anh làm xe ôm thôi, nhưng nghe em cần CCCD gấp, anh chỉ giúp em. Hiện anh có “đường dây” có thể giúp lấy CCCD trong vài ngày, nếu em đồng ý, anh gọi nhờ họ giúp”.
Chúng tôi gật đầu, ông này móc điện thoại gọi cho ai đó rồi báo giá: “Anh lấy giúp em với giá 2,5 triệu đồng. Đồng ý thì đưa giấy hẹn cho anh rồi ba ngày sau đến đây lấy. Nhận được căn cước rồi mới trả tiền”. Chúng tôi chê đắt, ông ta gằn giọng: “Làm cái này, anh cũng chỉ xin được 100.000 đồng tiền xăng chứ có được nhiều đâu. “Đường dây” này an toàn lắm, mỗi ngày họ nhận cả chục người chứ đâu phải làm cho mình em”.
Sau nhiều ngày điều tra, chúng tôi phát hiện, người chạy xe ôm nói trên phụ trách dắt mối cho “cò” Hùng. Không chỉ nhờ xe ôm “dắt mối”, ông Hùng còn có cả một trang web “chào mời” dịch vụ lấy CCCD “siêu tốc”. Từ số điện thoại 090xxxx456 do các tài xế xe ôm cung cấp, chúng tôi liên lạc với “cò” Hùng để nhờ lấy CCCD đang bị “giam” nhiều tháng tại Q.Tân Phú. Ông Hùng hỏi: “Sao em không lên Công an thành phố làm cho nhanh, anh bảo đảm với em hai - ba ngày là có thôi”.
Nghe chúng tôi trình bày rằng đã nộp hồ sơ tại Q.Tân Phú nhiều tháng nay, ông Hùng nói: “Rồi, ở Tân Phú thì em phải chờ anh 15 ngày nhé”. Chúng tôi giả vờ chê 15 ngày quá lâu, ông Hùng nói: “Ở dưới đó, anh phải nhờ mấy anh em bốc hồ sơ lên trên này mới lấy được, chứ đâu có đơn giản. Nếu em gọi trước, anh đã kêu em lên trên này làm cho nhanh rồi”.
Theo ông Hùng, nếu đồng ý “dịch vụ”, chỉ cần mang giấy hẹn đến số 335 đường Nguyễn Trãi (Q.1), sẽ có người đến nhận. Khi lấy được CCCD, phải trả cho ông Hùng 2,3 triệu đồng. “Chỗ anh làm xong mới lấy tiền, nên em khỏi lo bị lừa. Lần sau có người nhà cần làm CCCD thì nói lên gặp anh, hai - ba ngày là có, khỏi phải chờ mấy tháng”.
Trao đổi với chúng tôi về trường hợp “cò” Hùng nhận làm CCCD tại Q.Tân Phú với thời hạn 15 ngày, vị cán bộ tiếp dân tại Công an Q.Tân Phú nói: “Cái đó không có đâu. Vừa qua, anh em trong ngành chúng tôi đi làm CCCD cũng phải đợi mấy tháng mới có thì làm gì có chuyện “cò” làm trong 15 ngày được”.
“Cò” bảo hiểm thất nghiệp lộng hành là do địa phương?
Thông tin về việc “cò” BHTN lộng hành, ông Lê Nguyễn Hà Trung, Phó phòng Tổ chức - Hành chính Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM - cho biết, trước đây, khi Phòng BHTN ở số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh thì “cò” hay ở mấy quán cà phê trước trung tâm, giờ chuyển qua số 106/14D Điện Biên Phủ thì “cò” lại vào đó hoạt động xung quanh các quán nước.
“Toàn bộ hoạt động này diễn ra ngoài trung tâm nên chúng tôi không quản lý được. Nhiều khi, bảo vệ trung tâm nhắc nhở còn bị “cò” dọa đánh. Chúng tôi đã nhiều lần báo với UBND và công an phường nhưng chưa thấy họ phối hợp chấn chỉnh” - ông Trung nói.
Về nghi vấn “cò” liên kết với nhân viên để giải quyết cho các trường hợp trễ hạn làm thủ tục BHTN, đại diện Phòng BHTN của trung tâm này cho biết: “Hiện tượng “cò” đòi 2,7 triệu đồng để giải quyết cho người trễ hạn là có, cũng đã có người ghi âm lại đến tố cáo với chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định, không có chuyện nhân viên câu kết với “cò”. Chúng tôi cũng mong địa phương sớm dẹp bỏ nạn “cò” để nhân viên chúng tôi khỏi mang tiếng”.
|
Nhóm phóng viên