Người dân đi làm căn cước công dân (CCCD) ở TP.HCM liên tục bị lần lữa thời gian trả thẻ, có trường hợp bị “gia hạn” đến ba lần với thời gian gần 5 tháng. Những người đi nhận bảo hiểm thất nghiệp cũng bị “hành xác” bởi những thủ tục rườm rà, và không ít người đành ngậm ngùi bỏ cuộc...
|
Người dân mệt mỏi ngồi chờ nhận bảo hiểm thất nghiệp |
Hẹn ba lần, vẫn chưa nhận được căn cước
Đầu tháng 10 vừa qua, anh L.K.S. (ngụ tại P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú) lại phải xin nghỉ việc để đến Công an Q.Tân Phú nhận CCCD theo lời “hẹn miệng” của cán bộ chuyên trách nơi đây. Vào bên trong chưa đầy 15 phút, anh S. thất thểu đi ra, bực dọc nói: “Họ hẹn tôi mấy lần rồi, bây giờ lại hẹn nữa. Mấy lần trước, họ hẹn một tháng, giờ gia hạn thêm tới hai tháng”.
Theo anh S., ngày 27/7, anh đến Công an Q.Tân Phú làm thủ tục cấp mới CCCD. Sau khi hoàn thành thủ tục, anh S. được Công an Q.Tân Phú cấp giấy hẹn đến nhận CCCD vào ngày 23/8, nhưng sau đó lại sửa ngày hẹn đến 7/9. Đúng hẹn, anh S. đến, nhưng lại bị “gia hạn” thêm một tháng mà không rõ lý do. Ngày 7/10, anh S. tiếp tục đến nhận CCCD, lại tiếp tục bị hẹn đến tháng 12/2017.
Tương tự, chị Đ.T.B.N., giáo viên, ngụ tại Q.Tân Phú, cũng rước bực bội khi đi nhận CCCD. Chị N. cho biết, giữa năm 2017, chị đến Công an TP.HCM làm CCCD. Theo giấy hẹn, chị sẽ nhận được căn cước trong vòng một tháng, nhưng phải mấy tháng sau, chị mới nhận được CCCD.
|
“Cò” hướng dẫn người dân viết hồ sơ, công chứng giấy tờ, thu tiền |
Trong cuộc họp giao ban dư luận xã hội do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP.HCM tổ chức vào giữa tháng 10 vừa qua, Hội LHPN Q.Bình Thạnh đã báo cáo về việc cán bộ, hội viên P.12, Q.Bình Thạnh phản ánh những phiền hà trong việc đi làm CCCD: bị thay đổi lịch hẹn từ một tuần lên ba tháng với lý do không có phôi để làm thẻ CCCD. Tuy nhiên, ở khu vực ngoài cổng khu vực làm CCCD của Công an TP.HCM lại xuất hiện tình trạng “cò” dịch vụ “đảm bảo chỉ một tuần là lấy được thẻ CCCD” với giá từ 1 - 1,5 triệu đồng.
Hội LHPN Q.Tân Phú cũng phản ánh về việc một trường hợp hội viên bị chậm trả CCCD. Cụ thể, chị L., ngụ tại P.Phú Thạnh, đi làm CCCD để công chứng giấy tờ nhà, đã đợi ba tháng mà đơn vị cấp CCCD lại tiếp tục hẹn chị đến tháng 12. Lý giải cho sự chậm trễ này, đơn vị cấp thẻ giải thích, “do một số nhầm lẫn trong quá trình làm việc khiến trường hợp của chị bị bỏ sót”.
“Kêu trời” với thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp
Nếu như người làm CCCD khốn khổ vì bị hẹn lần hẹn lữa thì người đi nhận bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) phải “kêu trời” với hàng loạt thủ tục không cần thiết. Tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM, mỗi ngày, có đến hàng trăm trường hợp đến nhận BHTN và không ít người trong số đó rất bức xúc với các quy định trong việc nhận BHTN.
|
Người phụ nữ tên Hoa chào mời phóng viên dùng “dịch vụ” |
Một trong những quy định oái oăm nhất là người nhận BHTN phải mở tài khoản ATM của Ngân hàng Đông Á. Theo lý giải của các nhân viên tại đây, việc sử dụng thẻ ATM của ngân hàng này giúp thuận lợi, dễ dàng hơn trong việc chi trả BHTN. Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế, người dân chẳng thuận lợi chút nào. Những người không có tài khoản Ngân hàng Đông Á buộc phải đi mở tài khoản. Việc nhận BHTN chỉ kéo dài trong khoảng ba - sáu tháng, tương đương với từ ba - sáu lần nhận tiền BHTN; hết nhận BHTN, họ chẳng biết làm gì với chiếc thẻ ngân hàng.
Trễ hẹn cấp CCCD do thiếu phôi
Trả lời Báo Phụ Nữ TP.HCM về nguyên nhân liên tục “gia hạn” thời gian trả CCCD, thượng tá Tăng Châu Long - Phó trưởng Công an Q.Tân Phú - cho biết: “Việc chậm trả CCCD là do thiếu phôi. Phôi CCCD là do Bộ Công an cung cấp cho cả nước nhưng không có phôi nên nhiều trường hợp bị trễ hẹn”.
Nhưng ông Long lại cho biết, ông không phụ trách lĩnh vực này, nên đề nghị chúng tôi liên hệ với bộ phận chuyên môn để được thông tin cụ thể. Trả lời thắc mắc về trường hợp của anh S. bị “gia hạn” nhận CCCD ba lần, trong thời gian đến 5 tháng, một cán bộ tiếp dân của Công an Q.Tân Phú nói: “Như vậy thì lâu quá rồi, anh cho tôi thông tin về trường hợp đó để tôi kiểm tra lại”.
|
Kỳ lạ hơn, dù đã áp dụng hình thức chi trả BHTN qua tài khoản ngân hàng nhưng hằng tháng, người dân vẫn phải đến Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM trình diện. Thủ tục này hiện đang gây phiền hà không nhỏ cho người dân.
“Mỗi lần đến trình diện, chúng tôi phải điền giấy tờ này nọ, rất mất công. Nếu bắt chúng tôi đến trình diện hằng tháng, sao không trả tiền mặt cho chúng tôi mà bắt chúng tôi mở tài khoản ngân hàng? Đã trả tiền qua ngân hàng, còn bắt chúng tôi trình diện làm gì?” - chị V.T.H.T., ngụ Q.Bình Thạnh, bức xúc.
Để thoát cảnh hằng tháng phải lặn lội đến Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM trình diện, nhiều người được “mách nước” phải đăng ký một lớp học nghề (nhằm hỗ trợ người thất nghiệp). Người đăng ký học nghề sẽ được trả trợ cấp BHTN hằng tháng mà không cần đến trình diện.
Các lớp học nghề bao gồm: tiếng Nhật, tiếng Hoa, làm bánh, may, cơ khí… và cả lớp học tư vấn bán bảo hiểm với thời gian học tập khác nhau, kéo dài từ một - ba tháng. Trên thực tế, nhiều người nhắm mắt đăng ký lớp học để “né” việc đến trình diện. Nhiều “học viên” chỉ đăng ký học nghề trên giấy, điều này không chỉ gây tâm lý bức xúc cho học viên mà còn gây thiệt hại ngân sách cho nhà nước.
Do những phiền hà nói trên, nhiều người đành ngậm ngùi bỏ luôn khoản trợ cấp BHTN. Chị N.T.T.H. cho biết, mới chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM, chưa tìm được việc nên chị có đến xin nhận trợ cấp BHTN.
Nhưng chị phải mất ba, bốn lượt đi - về với một xấp đơn xác nhận, phải chuyển sổ bảo hiểm từ cơ quan cũ, rồi lập một tài khoản ngân hàng mới, trình diện hằng tháng... Tháng 7/2016, khi chị H. hoàn thành các thủ tục thì được thông báo là quá thời hạn được nhận trợ cấp thất nghiệp.
|
Bà Hoa ngang nhiên chặn xe, chào mời khách trước Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM |
Người dân cần được hướng dẫn rõ ràng
Từng bị “hành” khi phải lặn lội đến ba trung tâm ở Đắk Lắk và TP.HCM để nhận BHTN, tôi thấm thía nỗi khổ của những người cùng cảnh ngộ. Người nhận BHTN hiện đang rất khốn khổ vì những thủ tục không cần thiết như: trình diện hằng tháng, đăng ký học nghề, làm thẻ ngân hàng... Nếu như giảm được những thủ tục này, sẽ giảm phiền hà cho dân rất nhiều. Hiện các hồ sơ, thủ tục nhận BHTN không được công khai rõ ràng.
Ví dụ, người dân đi nhận BHTN mang theo sổ bảo hiểm, quyết định nghỉ việc, chứng minh nhân dân, nhưng khi đến trung tâm, nhân viên lại yêu cầu nộp bản sao quyết định nghỉ việc có công chứng. Hiện nay đơn vị cấp, phát BHTN vẫn chưa hướng dẫn người dân rõ ràng về các bước, các loại giấy tờ để nhận BHTN. Điều này đã tạo ra lỗ hổng cho lực lượng “cò” hoạt động.
Theo tôi, để dẹp bỏ tình trạng “cò”, các điểm nhận hồ sơ BHTN cần tổ chức tốt việc hướng dẫn người dân làm hồ sơ, công chứng giấy tờ, có thể thu phí hướng dẫn từ 10.000 - 20.000 đồng thay vì để người dân rơi vào tay “cò”, mất hàng trăm ngàn đồng.
Anh Đ.V.C., quê ở tỉnh Đắk Lắk - đang tìm việc tại TP.HCM
|
Nhóm Phóng Viên