Của chồng không phải công vợ?

08/04/2025 - 10:30

PNO - Khi của chồng không còn là công của vợ, đồng tiền đã gây ra tiếng bấc, tiếng chì, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm ấy, C. dứt khoát chia tay với chồng mặc dù đã qua nhiều lần hòa giải ở tòa và cả sự can thiệp của bạn bè.

Sau khi ly hôn, C. chịu nhiều thiệt thòi. Anh chồng giành lấy ngôi nhà mặt tiền và nuôi đứa con trai; C. nhận số tiền trị giá phân nửa ngôi nhà (được đánh giá rất rẻ) và nuôi đứa con gái học đại học.

Nguyên nhân chia tay, theo lời C. nói với mọi người là do tính trăng hoa của người chồng; nhưng, ít ai biết còn một lý do sâu xa nữa mà C. không chịu đựng nổi: đó là tính keo kiệt, gia trưởng của chồng.

C. là nhân viên hành chính một cơ quan nhà nước. Nguồn thu nhập chính trong gia đình do chồng C. làm ra. Hàng tháng nhận được đồng tiền từ tay chồng, bao giờ C. cũng phải chịu đựng cái nhìn khinh miệt, mỉa mai và tự đắc của chồng.

Keo kiệt với vợ con, thế nhưng, lại hào phóng với những người phụ nữ khác, anh ta vung tiền cho những cuộc vui. Tin nhắn của những người con gái anh ta quen lần lượt vào điện thoại của C. kèm theo hình ảnh làm C. không chịu đựng nổi phải làm đơn ly hôn.

Khi đó, anh chồng thách thức : “Cứ ly hôn đi, thử hỏi không có tôi, mẹ con cô sống ra sao?”.

Sau 3 lần hòa giải mà C. vẫn cương quyết, anh chồng lại quay về năn nỉ C. rút đơn, anh ta hứa sẽ cất lại nhà, sẽ không lăng nhăng. Nhưng lúc đó C. vẫn giữ vững lập trường, chị nói với bạn bè: “Mình không chịu đựng nổi việc chồng hạnh hoẹ mình chỉ vì đồng tiền, thà mẹ con sống thiếu thốn một chút”.

Cô Hương vốn là một người phụ nữ vụng về trong chi tiêu, tính toán. Tiền bạc trong nhà chồng cô phải nắm giữ. Không có đồng tiền trong tay, cô trở thành một người nhút nhát, quanh năm chỉ biết con đường từ nhà ra đến chợ; việc lớn, việc bé đều phải chờ ý kiến của chồng. Từ đó, các con cô cũng coi thường mẹ và tự dưng cô biến thành một cái bóng nhỏ bé trong gia đình, đôi lúc có cảm giác như mọi người đã quên là có sự hiện diện của cô.

Khanh là nhân viên đánh máy, đồng lương rất khiêm tốn nhưng bù lại công ty gần nhà. Thu nhập chính trong gia đình Khanh là do chồng kiếm. Rồi cơ quan Khanh đổiđịa điểm làm việc, cô phải đi làm xa nhà gần 10 cây số. Lúc này mọi khó khăn bắt đầu, chồng Khanh không muốn cô làm xa, và ngay chính bản thân Khanh cũng nản, muốn xin nghỉ.

Thế nhưng, cuối cùng Khanh vẫn đi làm, cô sắp xếp mọi việc trong gia đình phù hợp với hoàn cảnh mới. Khanh nói: “Đi làm để không phải ngửa tay hàng tháng xin tiền chồng mua món này, món nọ cho riêng mình”.

Chị Hạnh trước đây là một cô giáo dạy toán. Những năm tháng khó khăn chị dạy xa nhà, các cháu còn nhỏ ốm đau triền miên, khiến chị phải quyết định nghỉ dạy sau khi đã khóc hết nước mắt. Thu nhập của chồng chị không đến nỗi nào, nhưng về nhà, chị mở ngay một cửa hàng tạp hóa tại nhà, bán đủ thứ lặt vặt cho các gia đình trong xóm. Dù khi mở cửa hàng, nhà cửa có chật chội hơn, công việc bề bộn hơn, chị vẫn nói: “Mình muốn phụ nữ độc lập về kinh tế, không phải ngửa tay xin tiền chồng hàng tháng”.

Ông Khang là trưởng phòng một công ty, có thu nhập cao. Vợ ông chỉ việc ở nhà chăm nom con cái. Đùng một cái, nghe tin vợ ông bị vỡ nợ với số tiền rất lớn làm cả dòng họ ai nấy đều bàng hoàng. Nguyên nhân là bà muốn giàu có thêm nữa, nghe lời bạn bè hùn hạp làm ăn, chơi hụi…

Sau khi thanh toán nợ nần, ông giữ riệt túi tiền, đưa cho vợ nhỏ giọt hàng ngày. Ông thường than thở với bạn bè: “Làm đàn ông mà phải tính toán tiền chợ hàng tháng cho vợ, thật không có gì khổ sở hơn. Nhưng không làm vậy thì biết làm sao, không dám tin tưởng vào bả nữa”. Thinh thoảng gặp nhau, bạn bè thường bắt gặp ánh mắt thật buồn của bà khi nhìn mọi người xênh xang sắm sửa dịp lễ, tết.

Của chồng công vợ, đó là điều ai cũng biết và chấp nhận. Người phụ nữ là người biết tính toán, chi tiêu, cân đối ngân sách gia đình, dù đôi khi chính bản thân họ không làm ra tiền hay làm ra ít hơn.

Rất nhiều người đàn ông tự hào là mình có một người vợ giỏi tính toán, tiết kiệm: “Vợ là ngân hàng chỉ có gửi vào chứ không có chuyện lấy ra. Muốn lấy ra phải lập dự toán rồi giải trình, khó khăn còn hơn bảo vệ kế hoạch”.

Người phụ nữ cũng vì thế mà rất hãnh diện về việc thu vén của mình. Đôi khi còn tự hào về tính tiết kiệm. Thế nhưng, ở những trường hợp cá biệt trên, của chồng không còn là công của vợ, mà đồng tiền đã gây ra tiếng bấc, tiếng chì, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình.

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI