Cứ tưởng mình còn... ngon

06/06/2024 - 17:14

PNO - Không hiểu sao cô chủ quán lại có thể buông lời đường mật, lẳng lơ với mình như vậy. Thật là “xúc phạm” tôi quá đi!

Trước cổng chợ nọ ở quận Phú Nhuận, có quán bánh xèo ngon nổi tiếng. Thỉnh thoảng chán làm bếp, vợ tôi lại nhờ tôi đi mua về, vợ chồng cùng nhâm nhi.

Tin được không, ngay lần đầu tìm đến quán này, tôi đã bị sốc khi nghe thím chủ quán thỏ thẻ: “Anh yêu mua gì ạ?”.

Nghe hỏi, tôi “choáng” mất chục giây, cứ nghĩ tai mình nhầm (tuổi tôi đã U70, đôi lúc lãng tai là chuyện bình thường). Nào ngờ, lúc sau, thím ấy đưa bịch bánh nóng hổi cho tôi, giọng oanh vàng lại cất lên: “Của anh yêu 2 cái bảy chục ạ”. Tôi lại choáng lần 2.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Về đến nhà hôm ấy, việc đầu tiên tôi làm là tìm đến chiếc gương gần nhất, săm soi thật kỹ dung nhan diện mạo mình. Trong gương hiện lên bộ mặt một lão ông tuổi 65, tóc mai đã nhiều sợi bạc, khóe mắt đã hằn vài vết chân chim, thần thái nhìn chung vô cùng nghiêm túc, với đôi mắt thiện lành luôn nhìn thẳng mặt người đối diện, môi mím lạnh lùng. Tóm lại, đây không thể là một bộ mặt trai tơ thiếu đứng đắn được.

Vậy mà không hiểu sao cô chủ quán (tôi đoán chừng tuổi ngoài 40) lại có thể buông lời đường mật, lẳng lơ với mình như vậy. Thật là “xúc phạm” tôi quá đi!

Ngồi vào bàn ăn, tôi không kìm nổi bức xúc nên kể mọi chuyện cho vợ nghe. Chưa nghe dứt chuyện, vợ đã cười sặc sụa. Cố nín cười, vợ dịu dàng phân tích: “Rất có thể do anh đeo khẩu trang kín mặt nên cô chủ quán không đoán được tuổi, nghĩ anh chỉ 50 tuổi đổ lại nên buông lời đưa đẩy. Lần sau đến, anh bỏ hẳn khẩu trang thử xem sao”.

Nghe vợ phân tích có lý, lần tiếp theo đó, tôi đến, thắng xe kịch trước quán, lột phăng cả mũ bảo hiểm lẫn khẩu trang, chường mặt mộc ra dõng dạc nói với thím chủ quán: “2 phần bánh xèo mang về”. Và, mọi người tin được không, vẫn giọng oanh vàng thỏ thẻ đó, cô ấy đáp lại: “Dạ, có ngay anh yêu”.

Thật không còn lời nào diễn tả hết nỗi “căm phẫn” nơi tôi lúc đó. Lòng nghẹn ngào tự hỏi: “Tại sao trên đời lại có những phụ nữ mạnh miệng, sỗ sàng với đàn ông như thế chứ? Tôi đứng đắn đàng hoàng chứ có phải phường ong bướm đâu?”.

Phóng nhanh về nhà, căm phẫn lại cháy bùng trong tôi lần nữa khi kể lại cho vợ nghe. Lần này vợ không cười nữa, mà khá nghiêm trọng khi phân tích: “Có 2 giả thiết đặt ra: 1 là cô ấy bị khuyết tật ở mắt - cận thị hay loạn thị gì đó; và 2, có thể đây là thói quen giao tiếp của cô ấy đối với mọi khách hàng đàn ông. Nói chung là anh cứ bình tĩnh tìm hiểu thêm, đừng quá… bức xúc, ảnh hưởng sức khỏe tuổi già”.

Sau đó 1 tuần, cũng vào trưa Chủ nhật, tôi lại phóng xe đi mua bánh xèo, với mong muốn kiểm tra các giả thiết của vợ. Vừa đến nơi, đã nghe giọng oanh vàng quen thuộc: “Dạ, của anh yêu đây ạ”.

Tôi ngẩn người nhận ra: đó không phải lời cô ấy nói với mình mà đang nói với nam khách hàng đến trước - là một ông cụ, lớn tuổi hơn tôi, lại có phần già hơn, đen và lam lũ hơn.

Hóa ra cô vợ nhà tôi đoán đúng: đây là thói quen giao tiếp với khách hàng của thím chủ quán, chứ chẳng hề có chút tình ý riêng tư nào như tôi tưởng bở.

Đức Lâm

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI