Cử tri TPHCM: "Sách giáo khoa lớp 1 đang dạy trẻ lười biếng, lừa dối"

11/10/2020 - 14:23

PNO - Dẫn bài tập đọc Hai con ngựa trong sách Tiếng Việt lớp 1, cử tri quận 5, TPHCM cho rằng, sách giáo khoa Cánh Diều đang dạy trẻ em tư duy lười biếng, lừa dối.

Hội nghị tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 4 tiếp xúc cử tri quận 5, quận 10, quận 11 trước Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào sáng 11/10/2020 với nhiều ý kiến về chương trình giáo dục hiện nay, phòng chống tham nhũng, an sinh xã hội...

Các cử tri của 3 quận 5, 10 và 11 tại TP.HCM sáng 11/10/2020
Các cử tri của ba quận 5, 10 và 11 tại TPHCM sáng 11/10/2020

Cử tri Nguyễn Thị Mộng Duyên, quận 5 dẫn ra bài tập đọc Hai con ngựa trong sách Tiếng Việt lớp 1 (thuộc bộ sách giáo khoa Cánh Diều). Trong bài đọc này, ngựa tía biếng nhác thắc mắc ngựa ô vì sao phải hùng hục làm việc. Ngựa ô trả lời nếu không làm thì ông chủ mắng. Ngựa tía nói: “Chủ mà giục em làm, em sẽ trốn”. Ngựa ô ngẫm lại thấy có lý và làm theo. Câu chuyện này, theo cử tri quận 5 chính là đã dạy cho trẻ em Việt Nam một tư duy lười biếng, lừa dối.

Cử tri Mộng Duyên đề nghị Quốc hội kiểm tra lại Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì đây là hệ thống giáo dục con người tương lai của nước ta nhưng qua cách làm lại cho thấy rất bê bối.

Cử tri Nguyễn Thị  Mộng Duyên, quận 5, TP.HCM phản ánh những bức xúc của người dân về bộ sách giáo khoa Cánh diều
Cử tri Nguyễn Thị Mộng Duyên, quận 5, TPHCM phản ánh những bức xúc của người dân về sách Tiếng Việt lớp 1 hiện nay

Cử tri Huỳnh Văn Sáu (phường 7, quận 5) cũng phản ánh đến đại biểu Quốc hội vấn đề về giáo dục. Ông cho rằng: “Học sinh lớp 1 ở Hà Giang khác với học sinh lớp 1 ở Cà Mau. Ngôn ngữ dạy cho trẻ là tiếng mẹ đẻ, là tiếng nói của người mẹ người cha ở vùng đất đó”.

Cử tri Huỳnh Văn Sáu, TP.HCM cho rằng Tầm nhìn của Bộ Giáo dục và đào tạo là quá..ngắn
Cử tri Huỳnh Văn Sáu, TPHCM cho rằng học sinh lớp 1 ở Hà Giang khác với Cà Mau

Cử tri này cũng cho rằng nền giáo dục nước ta ở thời kỳ này không phải là để phục vụ cho nguồn nhân lực nữa mà phải hướng đến đào tạo ra nhân tài và theo hướng nhân bản.

Đại biểu Quốc hội Lê Minh Trí – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại hội nghị tiếp xúc cử tri sáng 11/10/2020
Đại biểu Quốc hội Lê Minh Trí – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại hội nghị tiếp xúc cử tri sáng 11/10/2020

Tiếp nhận ý kiến các cử tri 3 quận 5, 10, 11, đại biểu Quốc hội Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nói sẽ phản ánh những ý kiến người dân trong các kỳ họp Quốc hội. Về vấn đề sách giáo khoa, ông cho biết mới đây cũng đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong cuộc họp, nhưng lần này khi nghe cử tri phản ánh thì thấy thấm thía hơn. 

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Lê Minh Trí cho rằng nền giáo dục Việt Nam đang cải cách nên có tích cực nhưng cũng có cái chưa được. Việc cải cách là cần thiết nhưng cần một lộ trình, cách làm hợp lý. Vấn đề sách giáo khoa lớp 1 được đại biểu Lê Minh Trí hứa sẽ phản ánh tại kỳ họp của Quốc hội.

Hiếu Nguyễn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
  • trần kiệt 14-10-2020 14:59:30

    Cần thu hồi ngay và liền!

  • Lê Công Thái 11-10-2020 21:34:12

    1. Sách Lớp 1 - Chân trời sáng tạo:
    Giáo dục thể chất - Quyển sách này để làm gì?
    2. Trẻ lớp 1 - Lớp học có thể nói là quan trọng nhất:
    a. Ngày nay mới vào lớp 1 đã phải rành mặt chữ (?) và biết cách cầm viết, trong khi mầm non thì chẳng thầy cô nào uốn nắn cách cầm viết -> 90% cầm viết sai, nhưng đã thành thói quen thì khó sửa.
    b. Các em chưa biết đọc chữ nhưng sau vài tuần phải biết đặt câu có nghĩa chứa từ quy định trước và biết nhìn tranh kể chuyện, biết làm văn miêu tả, cơ sở nào?
    c. Chữ "k" khi đánh vần phải đọc là "cờ": kim -> cờ im cim (?!)
    Chỉ vài điểm nhỏ sau chưa đầy 2 tháng học lớp 1, vẫn biết đổi mới là cần thiết, nhưng thiết nghĩ cần làm cho đúng, cho tới, làm vì cái tâm của những người làm giáo dục và có trách nhiệm với đất nước. Cải cách mà người lớn thì hoang mang, rồi lục tìm lại những trang sách cách đây mấy chục năm để nhớ, để khen; thầy cô thì chật vật chạy theo chương trình, thú nhận không biết đổi mới vậy để làm gì; Vậy thì tự hỏi: Trẻ thơ rồi sẽ ra sao?


  • Ban 11-10-2020 21:08:54

    Bài này có 2 phần, đây mới chỉ là phần 1.

  • Vu Dinh 11-10-2020 15:26:59

    Đây là chuyện của các chuyên gia giáo dục!

  • Phụ huynh lớp 1 11-10-2020 15:18:00

    Tôi là phụ huynh bộ sách Cánh Diều trên. Cử tri quận 5 chưa coi kỹ sách rồi: bài đọc con ngựa đấy có 2 phần: phần 1 là vậy, sang phần 2 của bài đọc thì con ngựa ô ( từng bày con tía dối trá để trốn việc) đã lãnh hậu quả. Chuyện ngụ ngôn dạy trẻ đừng lười biếng và nói dối chứ không phải như bà cử tri nói. Tóm lại, mạng xã hội đang cho người ta tư duy lười biếng. Phê bình góp ý là tốt, nhưng cần tìm hiểu cặn kẽ sao lại mới nghe khơi khơi đã vội hùa theo, người không biết nghe thấy khoái tai, nhưng ngừoi biết ngọn ngành lại thấy buồn cười.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI