Ngày 3/12, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM thuộc đơn vị bầu cử số 1 tiếp xúc cử tri các quận 1, 3, 4. Nhiều cử tri bày tỏ sự quan tâm đối với các vấn đề có tính sống còn của đất nước.
Cần có chiến lược về chủ quyền biển đảo
Bà Hoàng Thị Tuyết Mai (Q.4) bất bình về bộ phim Everest: Người tuyết bé nhỏ được trình chiếu với hình ảnh “đường lưỡi bò” trên tấm bản đồ Trung Quốc hồi đầu tháng Mười. Theo bà, có thể thấy, Trung Quốc đã có những kịch bản được tính toán rất kỹ lưỡng và nhất quán để quảng bá cho “đường lưỡi bò” ngạo ngược của họ.
“Liệu có ngẫu nhiên không khi “đường lưỡi bò” xuất hiện trên đồ lưu niệm, áo phông, mũ mà công dân của họ đem đến Việt Nam và các nước khác? Có ngẫu nhiên hay không khi hàng loạt người nổi tiếng của họ phát ngôn, đưa thông tin về “đường lưỡi bò” hay cài cắm vào các sản phẩm văn hóa rồi phát hành khắp thế giới?” - bà Mai đặt vấn đề.
“Đường lưỡi bò” trong phim, sau khi công chiếu gần chục ngày, mới bị khán giả phát hiện. Theo bà, nếu cơ quan chức năng vẫn còn bị động như thế thì công chúng, đặc biệt giới trẻ, sẽ còn bị chi phối, áp đảo trong không gian truyền thông.
Bà Mai kiến nghị, cần có một chiến lược nhất quán, tổng thể, khoa học và thuyết phục về chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, giải trí cho người dân nói chung và nhóm khán giả trẻ nói riêng, trong ngắn hạn cũng như dài hạn để người dân biết ứng xử phù hợp khi thấy một ấn phẩm có “đường lưỡi bò” hay các phát ngôn phi lý của nước khác.
Cử tri Nguyễn Xuân Cường (Q.3) cho rằng, năm 2020 là năm Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của khối ASEAN và ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Đây là cơ hội vàng để chúng ta đưa vấn đề Biển Đông và thượng nguồn sông Mê Kông ra thế giới với bằng chứng rõ ràng. Việt Nam rất cần sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới trong các vấn đề này.
|
Cử tri Nguyễn Xuân Cường (Q.3) nêu các kiến nghị về chủ quyền trên Biển Đông và công tác phòng chống tham nhũng - Ảnh: Quốc Ngọc |
Muốn hiệu quả, phải chống từ trên xuống
Về vấn nạn tham nhũng, ông Cường nhận định: “Chỉ quan mới có đất để tham lam, quan mới có quyền để nhũng nhiễu. Dân không có điều kiện làm việc này”. Do đó, theo ông, muốn chống tham nhũng hiệu quả, phải chống từ trên xuống. Tuy nhiên, theo cử tri Cường, quan trọng hơn, phải thực hiện nghiêm việc thi hành án và thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. Ông cũng lưu ý, cần có biện pháp thiết thực, kiên quyết hơn trong việc bảo vệ người tố cáo, chống trù dập, trả thù.
Cử tri Nguyễn Hữu Châu (Q.3) cho rằng, vấn đề Biển Đông và tham nhũng là những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của chế độ và đất nước. Dẫn chứng về các đại án Mobifone - AVG, khu gang thép Thái Nguyên, Đông Á Bank làm thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng của Nhà nước và nhân dân, ông Châu đề nghị, những người đứng đầu liên quan đến ba vụ án này phải nói rõ trách nhiệm của mình và có lời xin lỗi cử tri.
Tiếp thu ý kiến, đại biểu Quốc hội Trần Lưu Quang - Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - đánh giá, 17 phát biểu đóng góp của cử tri mang tính xây dựng rất cao. Về vấn đề Biển Đông, ông Quang nói: “Dù chúng ta ai cũng bức xúc, nhưng cũng phải có cách ứng xử hợp lý theo những nguyên tắc sau đây: thứ nhất, phải phù hợp với thông lệ quốc tế; thứ hai, hơn ai hết, người Việt Nam không hề mong muốn chiến tranh, nên chúng ta không chọn giải pháp chiến tranh để giải quyết vấn đề Biển Đông”.
Việt Nam chọn giải pháp hòa bình và tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè thế giới, có giải pháp thích hợp trong từng thời điểm để giải quyết vấn đề. Theo ông Quang, trong thời gian qua, chúng ta đã có những ứng xử thích hợp để giữ được sự ổn định nhất định trên Biển Đông.
Về tham nhũng và chống tham nhũng, ông Quang nói: “Không có gì tệ bằng một người có trách nhiệm đi chống tham nhũng lại dính vô tham nhũng. Về điều này, thái độ của Trung ương, của Tổng bí thư rất quyết liệt. Tôi còn nhớ, trong hội nghị trung ương lần trước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nói sẽ xử lý nghiêm và dứt khoát đối với các cán bộ có trách nhiệm ở các cơ quan phòng chống tham nhũng mà lại dính đến tham nhũng”.
Theo ông Quang, từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến giờ, chưa bao giờ các vụ việc liên quan đến tham nhũng được đưa ra xét xử nhiều và phạm vi, mức độ lớn như thế. “Một ủy viên Bộ Chính trị bị xử tù và hàng loạt tướng lĩnh, cán bộ cao cấp cũng vậy. Chúng ta có thể bức xúc với tham nhũng nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế là, công tác này trong nhiệm kỳ vừa qua đã được thực hiện rất nghiêm” - ông Quang nói. Theo ông, việc phòng chống tham nhũng đang được tiến hành tích cực, nhưng để kết tội một người thì cần có sự cẩn trọng nhất định.
Đối với việc kê khai tài sản, theo ông Quang, đây là giải pháp hữu hiệu ở Việt Nam và cả thế giới. Nếu công khai được tài sản, kiểm soát được thu nhập, ai tham nhũng sẽ biết ngay. Chúng ta đang có những giải pháp tích cực để từng bước tiến đến nguyên tắc ít dùng tiền mặt hơn.
Cùng ngày, tổ đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 2 cũng tiếp xúc cử tri tại H.Cần Giờ.
Quốc Ngọc