“Cứ thấy phụ nữ bất hạnh là giúp”

05/08/2016 - 16:02

PNO - 37 năm nay, dì Châu Trần Hữu, Ủy viên Ban chấp hành Chi hội Phụ nữ (PN) KP.1, P.9, Q.11, TP.HCM) làm công tác Hội với một nguyên tắc: “PN cần là giúp, chẳng kể người nơi nào”.

Nhắc đến dì Châu Trần Hữu, những người lớn tuổi ở P.9, Q.11 vẫn còn kể chuyện hồi là Hội phó Hội PN P.9, dì đã đấu tranh gay gắt bảo vệ quyền lợi cho một PN trẻ từ Tiền Giang lên TP.HCM tìm con. Ngày ấy, mặc dù đã có vợ và ba con nhưng ông D. (ngụ P.9, Q.11) vẫn quan hệ ngoài luồng với L. - một cô thợ may trẻ ở Mỹ Tho, Tiền Giang.

Có với nhau một cậu con trai, ông D. nói với cô L. để mình đưa con về TP.HCM cho ông bà nội biết mặt rồi đón cô sau. Thế nhưng, ông D. đi biền biệt cả tháng trời chẳng tin tức. Chờ mãi không được, cô L. phải đón xe lên TP.HCM tìm kiếm. Đến được nhà ông D., cô L. bị đuổi thẳng, cô phải cầu cứu Hội PN phường. Lúc bấy giờ, có rất nhiều ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng L. không phải PN địa phương, “các chị dây vào làm chi cho mệt”. Dì Hữu phản bác: “PN, dù ở xứ nào cũng là giới mình”.

Trong các buổi hòa giải, đại diện cho Hội PN phường, dì Hữu phát biểu rất thẳng thắn. Trước, sau dì khẳng định quyền được nuôi con nhỏ là của người mẹ. Ông D. dù là người địa phương, kinh tế khá giả, nhưng sai trái khi lừa dối một cô gái trẻ. Dì Hữu tới lui, làm việc nhiều ngày, phản bác những quan điểm bảo vệ “người mình” (tức ông D.). Cuối cùng, cô L. đã khóc òa vì hạnh phúc khi được nhận con.

“Cu thay phu nu bat hanh la giup”
Dì Châu Trần Hữu

Một trường hợp khác, chị N. bị chồng đánh, chửi thậm tệ. Chồng chị có bồ bên ngoài, về nhà lại kiếm cớ gây với vợ. Chịu đựng mãi không được, N. tìm đến Hội PN phường. Khi cả ba người được mời lên hòa giải, dì Hữu chủ động nói chuyện với “người thứ 3” về cái việc “trật rồi” và khuyên nhủ thiệt hơn. Sau đó thì mọi chuyện êm xuôi. Người PN kia không còn xuất hiện trong cuộc sống vợ chồng chị N. nữa. “Nếu người ta làm đúng mà gặp cảnh oan ức, mình phải bảo vệ. Nếu người ta sai, mình giải thích, giúp đỡ để họ trở lại đường ngay nẻo thẳng” – dì Hữu nói.

Là người Hoa, dì Hữu luôn chủ động khuyến khích PN Hoa tham gia phong trào Hội. Những năm đầu 1980, tỉ lệ hội viên (HV) thấp, dì đến từng hộ trong tổ, khu phố vận động theo kiểu “mưa dầm thấm đất”. Dì giới thiệu cặn kẽ từng phong trào, những lợi ích thiết thực mà Hội mang đến cho chị em. Chị Tiêu Phương (SN 1951) chia sẻ: “Trước đây, tôi không biết gì về Hội PN. Nhưng, từ ngày chị Hữu đến nhà chuyện trò thường xuyên, tôi có cái nhìn khác. Tôi biết chị rất “mạnh tay” trong việc đấu tranh bảo vệ quyền lợi PN và sống có nghĩa, có tình. Giờ, phong trào Hội nào tôi cũng thích, cũng muốn tham gia”. Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu Mai (SN 1959) cho biết: “Bao năm qua, tôi luôn ở nhà cắm cúi may gia công, buôn bán nhỏ. Tôi biết đến Hội PN thông qua chị Hữu. Giờ, hội họp sinh hoạt hay đóng góp giúp PN, trẻ em nghèo, hễ chị Hữu nói là tôi theo ngay”.

Dì Hữu cũng rất quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục con em HV, PN không vướng vào tệ nạn ma túy. Bữa tôi đến nhà dì Hữu cũng là lúc ông Phạm Tuấn Khanh – Bí thư Đảng ủy P.9, Q.11 và anh cảnh sát khu vực tới thăm, tri ân những đóng góp của dì cho địa phương, từ hỗ trợ người nghèo, bảo vệ môi trường, vận động PN vào tổ chức Hội đến bài trừ tệ nạn ma túy.

Dì đã dạy bốn người con của mình ngay từ nhỏ “đừng vướng vào ma túy, khổ lụy cả đời”. Dì thu thập từng mẩu thông tin nhỏ trên báo, đài, các buổi tập huấn về tác hại của ma túy, HIV/AIDS để mỗi lần sinh hoạt chi Hội là mang ra chia sẻ vói chị em. Dì cũng tranh thủ gặp gỡ cánh thanh niên để khuyên bảo. Khu phố dì ở, không bạn trẻ nào vướng vào tệ nạn khủng khiếp này.

Châu Trần Hữu (sinh năm 1939)

- Thời gian công tác Hội: 37 năm.

- Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của PN Việt Nam”.

- Giấy khen “Tích cực hưởng ứng phong trào PN trong 20 năm xây dựng và phát triển.

- Được Hội LHPN TP.HCM bình chọn đạt ba tiêu chuẩn trong phong trào “Tự rèn luyện” năm 1996.

- Danh hiệu “Cán bộ Hội cơ sở giỏi” nhiệm kỳ 2006 - 2011 do Quận Hội cấp.

Mẫn Nhi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI