Cú sút bay cả nhân cách

04/10/2017 - 18:53

PNO - Cú sút thẳng cánh, rất uy lực lại trúng đích của ông Lê Tấn Thịnh - Trưởng công an xã Quảng Điền (huyện Krông Ana, Đăk Lăk) thật sự gây rúng động cho người xem. Nó không hề đơn giản như cách mà ông nói là “phản cảm”.

Ở cái chợ chồm hổm hôm ấy, người dân đã sai khi bán buôn tràn ra cả lề đường, không theo quy hoạch của huyện, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của xã vừa được công nhận xã điểm trong xây dựng nông thôn mới.

Và cũng ở cái chợ chồm hổm hôm ấy, hình ảnh người cán bộ đáng ra phải gần dân, bảo vệ, giữ gìn trật tự an ninh cho người dân, ông trưởng công an xã đã khiến nhiều người thật sự bất ngờ đến cùng tận.

Cu sut bay ca nhan cach
 

Chuyện dọn dẹp vỉa hè, giúp đường thông hè thoáng là chuyện hẳn nhiên mà các lực lượng chức năng phải làm. Nhưng, để làm được chuyện ấy, chính quyền xã, huyện phải giải quyết được cái căn cơ, là người dân buôn bán ở đâu, họp chợ ở đâu.

Một câu chuyện ví dụ điển hình, ở phường Tây Thạnh, quận Tân Phú TP.HCM, chuyện dẹp chợ chồm hổm, bán hàng rong cứ như bắt cóc bỏ dĩa. Cho đến ngày một đảng viên lão thành, ông Lý Văn Hấp quyết định dùng đất của mình để “mở chợ” cho bà con bán gánh bán bưng có nơi để tụ họp.

Phường chỉ việc quản lý về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Phường Tây Thạnh quận Tân Phú, bớt hẳn một gánh nặng bởi chính họ thừa nhận: “Rượt, bắt bà con nghèo hoài thấy cũng… kỳ”.

Bởi như nhiều người đã nói: “Sau mỗi gánh hàng rong, là cả một gia đình”.

Sai, khẳng định luôn là những người buôn bán ở cái chợ chồm hổm thuộc xã Quảng Điền - huyện Krông Ana tỉnh Đăk Lăk hôm ấy sai quá sai.

Phạt, đáng phạt lắm.

Nhưng, ở cái chợ ngày hôm ấy, ngoài ông trưởng công an xã và lực lượng của mình, người ta chỉ thấy toàn là phụ nữ, người già mua bán.

Với những người dân vốn đã vất vả, lại chân yếu tay mềm, để xử phạt, ông trưởng công an xã đâu cần tung những cú sút đầy uy lực đến thế, vung tay hất tung tóe hàng hóa ra mặt đường đến vậy.

Ứng xử với phụ nữ, người già như vậy, đã là có vấn đề về nhân cách.

Cu sut bay ca nhan cach
 

Nghiêm trọng hơn, ông Lê Tấn Thịnh đường đường là trưởng công an xã. Hơn ai hết, ông phải thuộc nằm lòng 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân: “Đối với dân phải kính trọng lễ phép”.

Ông Thịnh cũng quên nốt điều 5 trong 10 điều kỷ luật của Công an nhân dân Việt Nam: “Nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân không điều kiện. Có thái độ niềm nở, lịch sự, đúng mực khi tiếp xúc với mọi người; kính trọng người già, yêu mến trẻ em, tôn trọng phụ nữ, giúp đỡ người tàn tật. Không hách dịch, cửa quyền, thô bạo, gây phiền hà, sách nhiễu đối với nhân dân”.

Ứng xử với dân sai quấy đến thế, rõ ràng, tư cách công an nhân dân của ông Thịnh cũng có vấn đề nốt.

Công việc chỉnh trang, lập lại trật tự xã hội là cần thiết ở bất kỳ địa phương nào. Thế nhưng, để mọi thứ tốt lên, chính quyền nào cũng cần người dân ủng hộ tuân theo quy định chứ không phải cứ ra quân ruồng bố người dân hàng ngày.

Với chính quyền xã huyện, nơi kinh tế thấp, đời sống còn khó khăn, sự ủng hộ càng cần hơn. Chính Bác Hồ trong buổi nói chuyện với lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện, ngày 18 tháng 1 năm 1967 đã căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Cú sút ở xã Quảng Điền - huyện Krông Ana tỉnh Đăk Lăk, không chỉ làm bay tư cách của người sút mà còn bất nhẫn đối với người dân, đẩy đồng đội, đồng chí của mình vào thế khó.

Vậy nên, đừng xảo ngữ mà cho rằng chỉ là phản cảm.

Thảo Du

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI