Cú sốc BigC và nỗi sợ hàng Thái

05/07/2019 - 09:00

PNO - Cùng với các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại, cuộc xâm lấn hàng ngoại không mới. Nhưng có lẽ đây là lúc người Việt yêu hàng Việt lo lắng nhất.

Mức chi tiêu hằng tháng được xem là khá cao trong khu vực, nhưng tỷ lệ bao phủ hệ thống bán lẻ hiện đại của Việt Nam thấp hơn nhiều nước (chỉ 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia là 60%). Vậy nên đương nhiên thị trường bán lẻ Việt là miếng ngon của nhiều nhà đầu tư Thái, Nhật, Hàn. Cùng với các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại, cuộc xâm lấn hàng ngoại không mới. Nhưng có lẽ đây là lúc người Việt yêu hàng Việt lo lắng nhất.

Big C loay hoay tìm lại mình

Năm 2012, chị gái tôi mua nhà gần Big C Trường Chinh (Q.Tân Phú). Nhà giá cao, nhưng chị quyết mua vì “nhất cận thị, nhị cận giang”, thuận tiện chợ búa, mua sắm và cả cơ hội giữ xe khách siêu thị. Ngày ngày ngó sang bức tường sọc hồng của tòa nhà Big C Pandora, chị thầm cảm ơn cuộc đời. Giá giữ xe máy là 5.000 đồng/chiếc, ngày lễ tết là 10.000 đồng, khách sẵn sàng gửi vì hầm xe mênh mông bát ngát của Big C không đủ chứa. 

Nhưng niềm vui chẳng bao lâu, những đoàn khách từ phía tây thành phố thay vì lũ lượt kéo lên tham quan mua sắm ở Big C thì từ năm 2014 đã chuyển sang tham quan mua sắm ở Trung tâm thương mại Aeon cách đó 2km. Khách vắng, xe máy chạy tọt xuống hầm, chị tôi không còn giữ xe, phải cho thuê mặt bằng để người ta kinh doanh ăn uống. Nhưng gần siêu thị Big C vắng tanh cũng không còn lợi, các cửa hàng kinh doanh ăn theo từ quán ăn tới shop áo quần, dịch vụ giặt ủi, kem cuộn Thái, trà sữa Thái đã lần lượt nối gót ra đi sau khi để lại tiểu sử thua lỗ.

Năm 2016, Tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái mua lại Big C từ tay Tập đoàn Casino. Như một tất yếu, người Pháp rút dần trong cuộc chiến thị trường bán lẻ xứ Việt, từ hệ thống siêu thị Metro tới Big C và mới đây nhất là Auchan. Đơn giản vì bán đảo Đông Dương không còn là mảnh đất làm ăn của các nhà bán lẻ châu Âu không rành tâm lý người châu Á như thời siêu thị Cora (tiền thân của Big C) ra đời ở ngã ba Vũng Tàu, thời mà người Sài Gòn sẵn sàng chạy xe 70km đi về ào ào trên xa lộ Hà Nội để mua bánh mì baguette Cora.

Những ngày tháng khách nghìn nghịt của Big C Phú Thạnh (Q.Tân Phú) cũng qua lâu lắm rồi. Tôi thậm chí không tin từng bị lạc đứa con trai 4 tuổi chỉ vì người ra người vào đông tới mức đẩy bé văng khỏi tầm mắt của mẹ. Chia sẻ nỗi thưa vắng với Big C Trường Chinh, các gian hàng hiệu, khu vui chơi trẻ em, các quầy thức ăn, uống cứ lần lượt bỏ trống. Tới năm 2018, Pandora Trường Chinh gắn băng-rôn rao một gian hàng tầng trệt diện tích 3x3 giá chỉ 5 triệu đồng, bao thầu từ máy lạnh, vệ sinh tới bảo vệ...  mà vẫn ế nhệ. 

Cu soc BigC va noi so hang Thai
Nhiều người chọn mua các mặt hàng thời trang trại BigC vì hệ thống siêu thị này thường xuyên khuyến mãi

Tại các Big C An Lạc (Q.Bình Tân) hay Big C miền Đông (Q.10) cũng chung cảnh ngộ. Hơn 30 siêu thị Big C trên toàn quốc đều mất dần vị thế với người tiêu dùng bởi hàng hóa không có sức hút, trưng bày và tạo sự kiện thiếu hấp dẫn. Và tệ nhất, có lẽ các khu hàng may mặc.

Con số tỷ lệ hàng Việt trong cơ cấu hàng hóa của Big C theo công bố của Bộ Công thương là trên 90% có thể khiến người ta hoài nghi. Nhưng là một người lui tới và quan sát Big C, tôi thừa nhận từ khi chuyển sang tay người Thái, hàng tươi sống, trái cây, rau củ của Big C có đổi mới tích cực, tươi ngon, phong phú, giá tốt và khuyến mãi hấp dẫn, chất lượng dịch vụ và hậu mãi hơn hẳn thời các nhà đầu tư trước.  
Tuy vậy, chủ lực nông sản, gạo nước chưa đủ kéo người tiêu dùng trở lại với Big C như thời hoàng kim. Điểm yếu của Big C thấy rõ ở rất nhiều ngành hàng, trong đó, tiêu biểu là ngành may mặc.

Sao phải sợ hàng Thái?

Sau sự kiện ngày 3/7, Central Group thông báo ngừng nhập hàng may mặc Việt Nam để chọn lựa, sàng lọc lại, tìm các nhà cung cấp có chất lượng sản phẩm tốt hơn phục vụ thị hiếu khách hàng Việt. Sau đó là thông tin khẳng định không có việc đưa hàng Thái vào hệ thống để phân phối hay xây dựng nhãn hàng riêng nhập từ Thái Lan. Rồi tiếp theo, trước sức ép của cộng đồng, Bộ Công thương, các doanh nghiệp, Hiệp hội Dệt may, Central Group đã phải ngồi lại ký kết các đơn hàng. 

Hú vía, nhưng rõ ràng nhiều người tỉnh mộng sau sự cố, chúng ta phải lường thêm nhiều tình huống của các kịch bản kinh doanh. Và nếu yếu về pháp lý, chúng ta không thể đàm phán bằng đạo đức hay kêu gọi suông. Cụ thể nhất là bài học hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt nhan nhản ở các chợ, siêu thị mà báo chí phanh phui gần đây. Để né phong trào bài hàng Tàu, chỉ cần thay da đổi thịt với ít nhãn mác, tên nhà nhập khẩu hay đăng ký kinh doanh tại Việt Nam là… vụt thành hàng Việt. Vậy, ai có thể ngăn hàng Thái đi theo lối ấy?

Theo giới chuyên môn, các quốc gia thâu tóm được hệ thống các kênh bán lẻ sẽ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đó là lý do cùng với các chuỗi siêu thị Nhật, Hàn là cơn lốc hàng Hàn Quốc và Nhật Bản xâm lấn. Có chuyên gia cho rằng, chúng ta bị “đánh úp” trong sự thờ ơ vô cảm của các nhà quản lý. Một vài chuyên gia khác lại có tâm lý hàng Nhật Hàn không phải đối thủ vì họ tới từ các nền kinh tế phát triển, trong khi hàng Thái là thứ chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất để cạnh tranh. 

Thật vậy không? Trong phân khúc hàng bình dân, giá chịu được của 70% dân nghèo thành thị và nông thôn, hàng chợ Thái Lan hơn hẳn hàng Việt. 

Hàng Thái được lòng người Việt hàng chục năm nay vì sao? Còn nhớ, từ những năm 1980-1990 hàng đóng nhãn made in Thailand như dầu gió, dép, áo thun, son gió, kem trắng da… làm mưa làm gió trong Nam ngoài Bắc. Sau này, dọc biên giới tiếp giáp Campuchia vẫn là những chợ vùng biên, siêu thị nhộn nhịp bán mua hàng Thái, chủ yếu là các ngành hàng chủ lực của người Thái, gồm thời trang, hóa mỹ phẩm, xa xỉ phẩm và thêm nữa là nông phẩm.

Từ khoảng 3-4 năm trở lại đây, các cửa hàng chuyên hàng tiêu dùng Thái Lan đã dần dà mọc lên ở các chợ, tuyến đường đông dân cư. Đây có thể là số hàng đi đường tiểu ngạch, không thiếu khả năng là hàng xách tay, trốn thuế, nhưng đó là chuyện của cơ quan quản lý, còn với bà nội trợ như tôi, thấy cửa hàng cửa tiệm đàng hoàng thì cứ thế vào mua.

Cu soc BigC va noi so hang Thai
Tỷ lệ hàng Việt trong các siêu thị tại Việt Nam (số liệu của Bộ Công thương tháng 3/2019) liệu đã chính xác?

Năm 2019, có tới 19 hội chợ xúc tiến thương mại hàng Thái Lan đăng ký tổ chức khắp Việt Nam. Tôi cũng thường xuyên ghé điểm tổ chức nhiều kỳ hội chợ hàng Thái là Trung tâm Hội chợ triển lãm Tân Bình. Phải nói cho ngay, hàng hóa tại đây không quá nhiều, không lạ, nhưng khách có khi phải chen lấn mới mua được. 

Từ những thau chậu bằng nhựa rất đẹp mắt, sang trọng, tới những gói snack tôm cỡ đại, những chai nước giặt, chai dầu gội, sữa tắm. Bên cạnh đó, tất nhiên là mặt hàng thời trang. Áo quần Thái Lan có đặc điểm không ra màu, không giãn cổ, giày dép nhựa và cao su Thái Lan có đặc điểm “mình chết nó chưa hỏng”. Như vậy, ai có thể khuyên chúng tôi tạt qua các khu chợ để mua bộ đồ hàng Việt cho con với đường kim mũi chỉ lỏng lẻo, chật hông chật ngực do tiết kiệm vải và cứ giặt chung là mấy sắc đỏ, đen lập tức ra màu?

Quyền của người tiêu dùng

Làn sóng bài hàng hóa dịch vụ của Big C là nỗi sợ có thật của Tập đoàn Central hiện giờ. Nhưng sẽ thiếu công bằng, và có phần mù quáng, nếu chỉ nhìn vào thiệt hại của các doanh nghiệp nhỏ lẻ mà quên thiệt hại của triệu triệu người tiêu dùng. Họ có quyền vào siêu thị mua hàng tốt, chứ không phải hàng chợ, hàng kém chất lượng. 

Từ cuộc vận động Người Việt yêu hàng Việt năm 2009 của Bộ Chính trị, Co.opmart và VinMart vẫn đang là chủ bài của ngành bán lẻ Việt, đứng khá vững và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Nhưng cũng trong 10 năm qua, khi hàng Trung Quốc mất dần cảm tình của người tiêu dùng, thì cơn sóng dùng hàng Thái, Nhật, Hàn cũng lớn mạnh không kém. 

Người tiêu dùng Việt đại đa số còn phải tính toán từng xu cho việc chi tiêu, liệu có ai có thể lắc đầu mãi với hàng “ngon - bổ - rẻ”, “bền - rẻ - đẹp”? Làn sóng nào rồi cũng qua nếu nó không thiết thực, vì ai rồi cũng phải sống, phải tiêu dùng và là tiêu dùng thông minh trong cuộc sống còn rất xa mới tới dư thừa sang chảnh này. 

Big C ký lại đơn hàng với 50/200 nhà cung cấp hàng dệt may Việt Nam
Sáng 4/7, Bộ Công thương đã tổ chức cuộc họp giữa Tổng giám đốc Central Group - đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Big C, cùng đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thái Lan tại Việt Nam.

Central Group đã cam kết ngay trong ngày 4/7 mở đơn hàng cho 50/200 nhà cung cấp Việt Nam. Trong 10-14 tuần tới, Big C tiếp tục làm việc với các đơn vị còn lại. Sẽ có 100 doanh nghiệp khác tiếp tục được mở đơn hàng. Với 50 nhà cung cấp còn lại, Big C cho hay sẽ tiếp tục làm kỹ hơn vì chưa đáp ứng được quy định và cam kết như đã ký. 

Được biết, tới thời điểm hiện tại, Central Group có 4.000 nhà cung cấp hàng, trong đó có 200 nhà sản xuất chuyên cung cấp hàng dệt may.

Hoàng Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI