Tang lễ của nhân sĩ, cư sĩ Tống Hồ Cầm diễn ra tại chùa Hải Quang (số 71/13 đường Nguyễn Bặc, phường 3, quận Tân Bình) từ ngày 12 đến 14/3. Lễ truy niệm lúc 5g30 ngày 14/3. Sau đó là lễ di quan và đưa linh cữu đến hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa.
|
Di ảnh cư sĩ Tống Hồ Cầm - Ảnh: GNO. |
Cư sĩ Tống Hồ Cầm, pháp danh Tâm Bửu, sinh năm 1918 trong một gia đình có truyền thống tin theo đạo Phật tại làng Hương Cần, Phú Xuân (nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ông là một trong những cư sĩ tiêu biểu của thời chấn hưng Phật giáo Việt Nam tại miền Trung và cả miền Nam sau này; là thành viên cốt cán đóng vai trò quan trọng trong cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981), củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cư sĩ còn là tác giả của nhiều bài nghiên cứu, sáng tác văn chương, thi ca với các bút hiệu Tống Hồ Cầm, Tống Anh Nghị và nhiều bút hiệu khác. Từ giữa thập niên 1940, ông đã có nhiều tác phẩm đăng tải trên các báo, tạp chí Phật giáo uy tín như: Viên Âm, Giác Ngộ, Phật giáo Vân tập, Hào quang Đức Phật (Đà Lạt), Phương tiện (Hà Nội), Phật giáo Việt Nam, Từ Quang...
Là một nhân sĩ yêu nước, cư sĩ Tống Hồ Cầm đã tham gia phong trào Phật giáo cứu quốc và hoạt động bí mật tại Huế vào năm 1946. Khi bị thực dân Pháp bắt bớ giam cầm và tra tấn, ông vẫn giữ vững tinh thần, khí tiết kiên trung.
Trong giai đoạn Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo ở miền Nam, cư sĩ Tống Hồ Cầm đã tích cực tham gia các cuộc xuống đường, tuyệt thực phản đối chế độ độc tài, đàn áp, bắt bớ… Ông cũng viết bài cho nhiều báo chí, văn tập, lan tỏa tư tưởng của Phật giáo về đoàn kết dân tộc gắn với truyền thống yêu nước, động viên các tăng ni, phật tử, các tầng lớp nhân dân tham gia tranh đấu cho nền độc lập nước nhà, đóng góp quý báu cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.
|
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu thăm nhân sĩ, cư sĩ Tống Hồ Cầm nhân dịp thượng thọ của ông vào tháng 2/2022. |
Cư sĩ Tống Hồ Cầm còn là tấm gương học tập và làm việc suốt đời. Đến năm 2012, ở tuổi 94, ông vẫn là Phó Tổng biên tập Báo Giác Ngộ, được xem là nhà báo cao tuổi nhất tại Việt Nam và vẫn giữ kỷ lục ấy đến nay.
Trong cuộc đời hoạt động của mình, cư sĩ Tống Hồ Cầm từng đảm nhận các vị trí: nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Giác Ngộ, nguyên Ủy viên Hướng dẫn Cư sĩ Phật tử Thành hội Phật giáo TPHCM…; từng được tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc cùng nhiều huy chương, bằng khen khác.
Tam Bình