Cụ ông suýt tử vong vì vết trầy nhỏ ở chân

25/04/2022 - 21:03

PNO - Từ một vết trầy xước nhỏ, chỉ vài ngày cẳng chân của ông S. sưng to, nổi “bong bóng đen”, hoại tử, tiên lượng cắt chân, tử vong cao.

Trong một lần canh vuông tôm, ông L.H.S. (81 tuổi, ở Cà Mau) bị một vết trầy xước nhỏ ở cẳng chân trái. Do không thấy đau, ông cũng không biết mình đã đụng trúng ở đâu. Tuy nhiên, 3 ngày sau, vết thương “nhỏ” ấy bỗng sưng to, gây đau nhức.

Khi chịu không nổi, ông S. nhờ gia đình đưa đến bác sĩ khám bệnh. Lúc này, từ cẳng chân đến gót chân của ông S. sưng căng, đỏ ửng, hoại tử. Bác sĩ khuyên người nhà chuyển gấp ông đến bệnh viện tại TPHCM để được điều trị.

1g sáng, ê-kíp bác sĩ trực cấp cứu của Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) tiếp nhận ông S. với tiên lượng nặng, phần chân trái phù nề, nổi “bong bóng đen”, ông đau dữ dội, thở mệt, khó chịu… Bác sĩ nghi ngờ ông S. bị viêm cân mạc hoại tử nặng – một bệnh lý ít gặp nhưng một khi mắc bệnh, sẽ gây hoại tử lan rộng nhanh.

Ngay lập tức, bác sĩ cấp cứu mổ khẩn cấp để xử lý nhiễm trùng, vệ sinh vết thương, cắt lọc mô hoại tử cho ông.

Bác sĩ kiểm tra vết thương ở chân ông S. sau khi phẫu thuật ghép da
Bác sĩ kiểm tra vết thương ở chân ông S. sau khi phẫu thuật ghép da

Bác sĩ Nguyễn Duy Thái – khoa Ngoại Chấn thương, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết: “Khi vào bệnh viện, các tiên lượng về sức khỏe của cụ ông rất xấu, bạch cầu tăng cao, có dấu hiệu suy thận. Trong đó, khả năng phải đoạn chi bởi nhiễm trùng quá nặng, chưa kể đến chỉ cần vào trễ một chút nữa, ông S. có nguy cơ tử vong. Mổ thám sát nhận thấy gần như toàn bộ phần cân mạc, mô dưới da ở chân đã hoại tử gần hết.

Do không biết ông S. bị tai nạn gì, nhưng rất có thể ông bị vi khuẩn hiếm gặp tấn công vào vết thương hở khi lội xuống vuông tôm làm việc. Chúng tôi bắt buộc phải để vết thương hở sau mổ, sử dụng kháng sinh mạnh… mới có hy vọng cứu được ông”.

Một tuần sau mổ, bác sĩ tiếp tục dùng kỹ thuật áp lực âm để dẫn lưu dịch vết thương, kết hợp cắt lọc da hoại tử, truyền kháng sinh cho ông S. suốt 2 tuần liên tiếp. Đồng thời, ê-kíp cũng cấy tìm vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh, tuy nhiên khó xác định được nguyên nhân.

Trước những nỗ lực của bác sĩ, may mắn vết thương của ông S. đáp ứng điều trị. Qua cơn nguy kịch, ông được ghép da sau đó. 3 ca phẫu thuật đều diễn tiến thuận lợi, sức khỏe ông S. dần hồi phục. Hiện tại, cẳng chân của ông đã hồng hào, có cảm giác trở lại.

Anh Hồng Văn Rơi – con trai ông S. chia sẻ, do cha con anh làm lao động chân tay nên có nhiều vết thương nhẹ là điều bình thường. Cả anh và ông S. đều không nghĩ ông mắc phải vấn đề trầm trọng như vậy.

“Trước đó khi nghe cha than đau chân, cả nhà cũng đưa ông đi bác sĩ. Tại đây, ông được bác sĩ tiêm thuốc và về nhà. Tuy nhiên, hôm sau thì bệnh nặng hơn, may là bác sĩ kêu phải đi bệnh viện liền. Lúc khám tại phòng mạch của bác sĩ, chân cha tôi chỉ sưng phù, trên đường đến TPHCM chân nổi rất nhiều bong bóng đen và thở mệt”, anh Rơi nói.

Bác sĩ Thái cho biết, có thể do gia đình làm vuông tôm nên nước tồn đọng, nhiều vi sinh vật cư ngụ. Vết thương hở chỉ là điều kiện để vi khuẩn tấn công gây nên các tổn thương nghiêm trọng. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI