Cụ ông mất 120 triệu tiền tiết kiệm vì tin tờ lệnh tạm giam được gửi qua Zalo

10/07/2020 - 16:26

PNO - Nhận được lệnh bắt tạm giam qua Zalo, cụ ông 63 tuổi hoảng sợ, chuyển 120 triệu đồng từ sổ tiết kiệm để “chứng minh mình trong sạch”.

Ngày 10/7, thông tin từ Đội cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đang xác minh, làm rõ thông tin trình báo của một cán bộ hưu trí về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt 120 triệu đồng.

Theo trình bày của ông Nguyễn V.A. (63 tuổi, trú tại thành phố Vinh, Nghệ An) ngày 8/7, ông nhận được cuộc điện thoại từ người đàn ông tự xưng là nhân viên Bưu điện Hà Nội thông báo ông có một bưu phẩm đang bị giữ lại tại bưu điện. Khi thắc mắc về bưu phẩm thì người xưng là nhân viên bưu điện nói sẽ nối máy cho ông A. gặp cán bộ Công an TP. Hà Nội để được giải quyết.

Lệnh bắt tạm giam ông A. nhận được qua Zalo
Lệnh bắt tạm giam ông A. nhận được qua Zalo

Sau đó, người xưng là điều tra viên Công an TP. Hà Nội thông báo cơ quan này xác định ông A. có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy và rửa tiền. Đồng thời yêu cầu ông A. chuyển hết tiền tiết kiệm đang có vào tài khoản ngân hàng của công an để phục vụ xác minh, điều tra.

Nếu quá trình xác minh số tiền trên không liên quan đến tội phạm thì sẽ được hoàn trả lại. Người xưng “công an” này cũng yêu cầu ông lão 63 tuổi này giữ bí mật để “tránh bị lộ, ảnh hưởng đến kết quả điều tra”.

Nghe vậy, ông A. khẳng định thông tin liên quan đến việc mua bán ma túy và rửa tiền là vu khống. Sau đó, ông được người xưng là điều tra viên gửi cho một lệnh bắt tạm giam qua Zalo.

Khi thấy thông tin cá nhân trên tờ “lệnh bắt tạm giam” trùng khớp với thông tin của mình, ông A. bắt đầu hoảng sợ. “Khi tôi nhận được "Lệnh bắt tạm giam" qua Zalo thì tâm trí hoảng loạn không nghĩ được gì nữa mà cứ thế đi chuyển tiền cho chúng” - ông A. nhớ lại.

Chỉ khi đến ngân hàng chuyển 120 triệu theo yêu cầu của “điều tra viên”, ông A. không liên lạc được với số điện thoại kia, Zalo cũng bị khóa mới biết mình bị lừa. 

Theo Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An, phương thức thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản này không mới, đã được tuyên truyền nhiều, song vẫn có nhiều người dính bẫy thời gian gần đây. Nạn nhân bị lừa chủ yếu là phụ nữ, người già, hưu trí... những người ít tiếp cận thông tin trên Internet.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI