Cử nhân đi buôn đồng nát, bằng đỏ đi giúp quán cơm

07/04/2016 - 16:47

PNO - Những cử nhân cầm tấm bằng trên tay vẫn đi buôn đồng nát, phụ quán cơm, bán trà đá, làm bảo vệ... để kiếm sống qua ngày là thực trạng phổ biến.

Ngày nay, việc đào tạo đại học đang ngày càng được phổ cập hóa, kèm theo đó là những cử nhân, nhân tài của đất nước lũ lượt cất bằng đỏ để đi làm trái ngành trái nghề, người đi bán trà đá, kẻ đi hát rong...

Như báo Tiền phong đã đưa 2 trường hợp về việc các ông nghè bà cử cất bằng đại học đi buôn đồng nát và đi giúp quán cơm.

Cu nhan di buon dong nat, bang do di giup quan com
Cử nhân đi buôn đồng nát. (Ảnh minh họa)

Cử nhân Nguyễn Bảo Anh (quê tại Diễn Châu, Nghệ An), mặc dù tốt nghiệp ĐHQG Hà Nội với tấm bằng khá trên tay, nhưng lại cất vào hộc tủ để làm kỷ niệm và theo hàng xóm sang Lào buôn đồng nát.

Bảo Anh kể: “Hai năm ra trường chạy vạy khắp nơi không thể xin được một công việc ra hồn, nộp hồ sơ xong chỉ nhận được sự im lặng nên chán quá không muốn nộp nữa. Thôi cất bằng để làm kỷ niệm, đi buôn kiếm sống chứ hết hy vọng với tấm bằng đại học rồi”.

Hay như chị Trần Thị Nhung (quê ở Thanh Chương, Nghệ An), tốt nghiệp trường Đại học Vinh với tấm bằng giỏi. Đã ra trường gần 2 năm nhưng chị nhung vẫn chưa tìm được việc đúng ngành, thay vào đó, chị làm thêm, phục vụ quán ăn với số lương 3 triệu/tháng tại thành phố Vinh.

Nhung tâm sự: “Rất tiếc tấm bằng ĐH, để có tấm bằng ĐH bố mẹ đã phải vất vả làm thuê, làm mướn; thậm chí bán cả trâu bò để nộp học phí. Nay tốt nghiệp không xin được việc làm cũng chấp nhận đi làm thuê để tránh ở nhà làng xóm xa gần hỏi thăm, bố mẹ đỡ phiền lòng”.

Theo bản tin cập nhật thị trường lao động quý III/2015, hiện có tới 117.300 người có trình độ CĐ (chiếm 10,4%, tăng 24.100 người so với quý II) và 225.500 người có trình độ ĐH trở lên thất nghiệp (chiếm 20%, tăng 26.100 người so với quý II). Thực trạng tỉ lệ thất nghiệp của nhóm lao động trình độ cao ngày càng gia tăng, theo dự đoán quý IV/2015, 60% người trình độ ĐH có nhu cầu tìm việc.

Trong khi đó, lao động Việt lại không nhận được việc có mức lương cao. Ví dụ, các doanh nghiệp nước ngoài trả cho kỹ sư điện tử VN, đặc biệt là các vị trí quản lý trong lĩnh vực sản xuất và thương mại điện tử cũng được đánh giá là đang ở mức hấp dẫn nhất. Tuy nhiên, nhân lực của Việt Nam lại không thể đáp ứng được yêu cầu cao từ các doanh nghiệp.

Đó là do nền giáo dục của đất nước chưa phát triển kịp thời so với các công ty nước ngoài, trong nhà trường vẫn chỉ dạy những kiến thức cơ bản, không tiếp cận được những kiến thức mới... Và quan trọng là sự yếu kém của sinh viên về chuyên môn và thiếu kỹ năng mềm, rất thụ động, thiếu sáng tạo.

Chính vì sự thiếu và yếu như thế, nên khi ra trường các doanh nghiệp lại phải mất thời gian và tiền bạc để đào tạo lại. Ông Bùi Hữu Cư - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tin học viễn thông Hà Nội trao đổi với báo Đất Việt: "Hiện thực bây giờ sinh viên ra trường muốn đào tạo vào 1 DN nhanh nhất cũng mất 6 tháng, nếu không phải 1 năm mới đủ kỹ năng làm việc".

Trang Ngọc (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI