Cứ nể con cho lành!

16/12/2022 - 16:59

PNO - Về già thường… bị mắng vì hay sai lầm, lắm khuyết điểm, nên người già phải… nể con. Khi xưa ông bà oanh liệt, hiểu biết, danh tiếng đủ cả, thì nay về già đừng tưởng mình vẫn là nhất.

Bạn già chúng tôi gặp nhau toàn kể chuyện… nể con, sợ con, ngay cả khi có kinh tế độc lập. Dù ở riêng, lâu lâu con qua thăm là cứ như có ông bà thanh tra: “Sao có mùi gì lạ lạ?”. “Ờ thì… mùi người già nó thế” - cha mẹ chống chế.

Rồi con sẽ lôi ra bao thứ thừa: “Bà giữ cái này làm gì? Vứt!”. 

Khổ, mẹ sống qua thời nghèo đói bao cấp, con cái nó đâu biết? Bây giờ sản phẩm nào cũng đóng gói kỹ càng bóng lộn đẹp đẽ, cái hộp ném đi cũng thấy tiếc. Chai lọ cũng vậy… Riết rồi nhà đầy lên lúc nào không biết, ném đi thì tiếc của, thấy mình hoang phí, có tội, bao người còn khổ…

Con cãi ngay: “Khổ thì khổ, bà cho họ tiền thì họ nhận, chứ đem thứ này cho ai thèm lấy. Bà giữ rác đó bà ơi!”.

Ảnh mang tính minh họa - Our-Team
Ảnh mang tính minh họa - Our-Team

Rác bây giờ cũng sang trọng hơn xưa. Có thứ đang dùng cũng có thể coi như rác. Nhiều bà nhiều cô có cả tủ quần áo, giày dép, nhiều chiếc chưa xỏ, chưa mặc đã thấy ngứa mắt lạc mốt, nên cho nó làm… rác. 

Một đứa con nói về cái tủ quần áo của mẹ, nghe phải bật cười: “Tủ quần áo không phải gấp mà… nhét, đạp vào rồi ấn mạnh cửa mới khóa nổi”. Có tiền là mẹ mua sắm linh tinh. Mẹ bảo con gái cũng thế chứ kém gì. Đồ bà mua toàn thứ rẻ, chứ các cô xài hàng hiệu khi ngứa mắt cũng vứt chứ còn tốn gấp nhiều lần.

Một chuyện khác, cũng đứa con kể tội mẹ già (không phải con bất hiếu, mà con… bình thường): “Bà lẩm cẩm hoang tưởng, nên nghi nhà bên câu trộm điện nhà mình, đòi làm lại hệ thống điện tốn 6 triệu bạc, cuối tháng hóa ra tiền điện số điện vẫn thế, có ai câu kéo gì đâu”.

Cậu con trai nhà kia bảo: “Chỉ cho mẹ cách tìm tài liệu trên mạng, có hai cái nhấp chuột mà mấy ngày vẫn quên”. 

Người nghe chuyện an ủi bà mẹ: “Già rồi không tiếp thu được nữa. Thì cũng như đám con ngày xưa thôi. Đi thì ai chả biết đi, dễ thế mà chúng mày đứng cái là ngã, bước vẹo bên này, bên kia rồi té ầm, có bước nổi đâu”.

Lý sự thì vô cùng. Chỉ biết rằng, càng già càng lắm khuyết điểm. Trên mạng, có bao nhiêu câu danh ngôn dạy người già nào là 3 cái nên tránh, 4 cái không nên, 5 điều khôn ngoan, 6 cái dại khi về già. Nào là già nên dựa vào tiền, vào sức khỏe, chớ dựa vào con. Bán nhà chia cho con là mất hết. Nào là người già đừng suy tính tiền bạc, đừng tiết kiệm thái quá. Rồi thì người già cần lười suy nghĩ, lười đưa chuyện, lười đi nhanh, lười ăn, lười dùng thiết bị điện tử.

Thực tế, nếu người già không dùng điện thoại (do nhét túi áo treo trong nhà tắm), con gọi không nghe máy là bị con cằn nhằn. Nói chung, già bị dạy nhiều lắm, không nhớ nổi, khó hơn cả sin, cos, tg, cotg xưa học toán…

Người già dễ sai và dại, mà bọn lừa đảo bây giờ tinh vi lắm. Bà kia vừa bước ra đang loay hoay khóa cổng thì có cô xinh gái trờ xe máy đến: “Bác ơi, chị My bảo đến thanh toán tiền nợ mua hàng”. 

Chị My là con dâu bà, đang đi làm. Thấy bà ngần ngừ, cô kia móc điện thoại: “Chị My à, em đang đứng với mẹ chị ở cổng… Vậy bảo mẹ chị ứng ra hả, tối về chị trả bà hả, thôi thế cũng được”.

Dễ tin nhất là sao nó biết cả tên chị My nhà bà. Mà con mình nó bận rộn, mình ứng tiền giải quyết giúp con, tối về lấy cũng tiện. Thế là bà già móc tiền đưa. Tối về cô My ngỡ ngàng: “Con có nợ nần gì đứa nào đâu!”.

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory

Tóm lại là về già hay… bị mắng vì hay sai lầm, lắm khuyết điểm, nên người già phải… nể con. Khi xưa ông bà oanh liệt chức vụ nọ kia, hiểu biết, danh tiếng đủ cả, thì nay về già đừng tưởng mình vẫn là nhất, đừng sai bảo con cái như khi mình làm quan chức, thủ trưởng. Làm ông bà, nhất là ông bà nội, thương cháu quá cũng đừng can thiệp quá mức, vừa hao tâm tổn sức tốn tiền, mà con dâu có khi không vui.

Có cả trăm lý do để người già nên hiểu thực tế, để mà ít nói lại, đừng cho mình là nhất. Nhưng như vậy, người già có tổn thương không? Nghĩ thoáng thì không. Vì tuổi già là đồng nghĩa với yếu ớt và dễ sai lầm, không còn ở vị trí người dẫn đường, người phân xử phán xét khó tính.

Già là quy luật ai cũng đuối dần và chắc chắn sẽ phải cậy nhờ vào con cháu, nên cần thôi cầm gậy chỉ huy. Người già nên biết lắng nghe, yêu thương con cháu. Nói đơn giản, tuổi già hạnh phúc là sau khi hoàn thành nhiệm vụ đầy gian truân, nay được nghỉ ngơi và được yêu thương nhiều hơn.

Nếu có những đứa con giỏi giang tử tế thì cha mẹ nên sớm… nể con, để con cái làm nhân vật chính. 

Quảng Yên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Nguyễn Thị Hương 17-12-2022 12:50:30

    Bài viết chỉ đúng một phần, không phải ai già cũng đều như thế cả!
    Tôi cũng đã thất thập và vẫn còn sáng suốt, giải quyết và góp ý kiến cho con khi con cần đến.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI