“Tui gửi Mận tấm lòng của tui. Mận nhận hoặc chối cũng được. Nhưng tui thì không lấy lại được. Cái tánh tui kỳ! Dành cho ai thứ gì rồi, là để miết đó. Không có cách chi mà rút về lại được. Nhứt là với những điều của tui với Mận”.
Cái khúc thơ đó, là của Công viết cho cô từ bảy năm trước. Cô còn nhớ như in bốn bề hỗn loạn dưới bến xe tạm bợ bên dọc quốc lộ gần nhà lúc Công đưa cô lá thơ. Sau đó thì nguyên một nùi bối rối chui hết vô đầu óc khi cô đã yên vị trên chuyến xe đò Đà Nẵng đi Sài Gòn. Cô đọc hết lá thư thì chuyến xe cũng đã cuộn hết mấy chục cây số đường tỉnh lộ. Biết bao nhiêu thứ quen thuộc đã ở lại phía sau. Cả Công cũng đã như bay vào những vệt bụi đường mơ.
Tới Sài Gòn, con Tâm đón cô về nhà trọ của nó, ôm nhau ngủ một đêm để sáng hôm sau nó chở cô về xóm trọ gần công ty cô làm. Tâm nó nói đáng ra hai đứa ở chung, nhưng mà công ty ở xa nhau quá nên tội cô vì cô không có xe. Tâm đi làm từ chỗ công ty cô qua công ty nó cũng được. Nhưng chỗ trọ này Tâm ở quen rồi, chủ thương lắm, bỏ đi thì uổng.
Ráng vài ba bữa đi làm ngon lành, cô sắm được xe đạp thì hai đứa về chung. Sau này mới biết, hóa ra lúc đó Tâm đã có người yêu, hai tháng sau, khi cô chưa kịp mua chiếc xe thì Tâm đã để người ta dọn về sống chung. Cô lên chơi, Tâm cười lảng lảng kêu thì giờ thôi chớ, cô ở bên đó cũng quen rồi còn gì? Cô cũng ờ ờ như chừng cô đã quen với Sài Gòn, quen với xóm trọ ngay mé chân cầu vượt mỗi sáng dậy nghe xe gầm gầm chạy qua của mình lắm rồi.
Tối cô về nằm giở thơ Công gửi ra đọc và khóc. Cả tháng nay cô không lặp lại chuyện đọc thơ Công gửi nữa, vì cô muốn quên đi và muốn quen. Nhưng tới bây giờ, khi vừa chớm thấy mình không còn xa lạ nhiều với chỗ này nữa, cô run rẩy bới lại lá thư chỉ để nghe Công gọi “Mận ơi!”.
Mùa tết đầu tiên cô về nhà, gió hai bên sông tự nhiên rợp trời. Má cô nói ông trời mấy năm nay bỗng đâu hết nhân từ, tết tới nơi mà hành ngớp gió, háp hết bông thọ, bông mai. Cô đứng dưới gốc cây đã tơi bời nhan sắc bởi những đợt gió sông bạt ngàn, đọc một lần nữa lá thư của Công rồi đốt đi, thả trôi theo triền gió.
Nhà Công phía góc kia của cánh đồng, sau lưng là mé sông. Tết năm nay má Công nói Công đang ăn tết ở một miền nào đó đầy nắng gió của Lào hay Campuchia, bà cũng không rõ. Công vừa đi trước tết hai tháng. Trong cuộc gọi gần nhất về nhà mới đâu chừng ba bữa nay, Công ngập ngừng hỏi thăm bụi chuối, vườn cau rồi cúp máy.
- Bác cũng tưởng nó thương con, mà hình như hổng phải.
Mận cười im ru, len lén bước qua ngõ tắt về nhà.
Năm đó là tuổi mười chín đầy đẹp đẽ của Công và Mận. Mận chỉ mong ước được gặp Công để nói là Mận không hiểu hết những điều Công nói. Mận không nghĩ xa như vậy khi bước chân xa rời nơi chốn của họ. Những đứa con gái quê như Mận, đứng trước mép đường quốc lộ với chiếc ba lô nghèo nàn chứa vài bộ quần áo và 12 năm đi học, không biết trông đợi gì nhiều hơn ở quê nhà, cũng không biết điều gì ở phía trước. Nhưng khi người ta còn trẻ, có lúc người ta chỉ nghĩ rằng cứ đi thôi, dẫu không mang vác được hết những yêu thương của riêng mình.
Năm đó sông vẫn nhiều gió. Ngày Mận đi trở lại thành phố, nắng còn lóa trắng cả trời. Và gió!
Mãi mãi trong những ngày tháng lưu lạc hay đã an thơi sau này, Mận cũng chưa khi nào trả lời được câu hỏi của lòng mình rằng: Công là gì của cô?
- Công là gì của cô? - Cô gái đối diện cất tiếng hỏi bằng một âm điệu lơ lửng, không rõ bâng khuâng hay tò mò, nhưng đúng là kiểu chất vấn rõ ràng cần một câu trả lời.
- Tui... Chỉ là...
- Chắc cô không quen nói chuyện tình cảm với người lạ. Nhưng yên tâm, tui biết nhiều về cô mà!
- Trời ơi sao có thể yên tâm về một người mình không biết là ai mà lại nói biết rất rõ về mình chớ?
- Công kể tui nghe về cô. Một lần. Nhưng đủ nhiều...
Mận nín thinh. Nghe như có tiếng húng hắng rao lên trong gió. Ánh mắt cô liu xiu bấu víu vào thinh không, kiểu như lá thơ đã đốt tự nhiên ráp tro từ tứ bề rồi đồng loạt ụp vào trên gờ má.
- Chắc cô phải thân thiết lắm ảnh mới nói. Hồi giờ tui chưa nghe ai nói là Công có kể gì về tui hết á.
- Có những người, đâu phải dễ gì mà nói về người ta với thiên hạ đâu cô ơi! Mà cô là gì của Công?
- Tui? Có là gì đâu!
- Đúng như tui nghĩ. Gặp cô chỉ để biết mình đã nghĩ đúng. - Cô gái, tên là Ly - Trúc Ly, kết thúc cuộc trò chuyện mê man của họ bằng ngữ điệu lai lai miền ngoài pha chút lơ lớ kiêu sa. Mận cũng định giải thích gì đó, nhưng cô gái ấy có phong thái làm chủ mọi sự việc quanh mình. Cô ta quay sang ngoắt người phục vụ bàn kêu tính tiền để đi. Có lẽ đó là mẫu phụ nữ mà Công đã bị chinh phục chăng?
Hôm nay là lễ ăn hỏi của cô. Cô đã viết cho Công biết tin từ tháng trước nhưng anh không về. Chỉ có cô gái ấy mang về một chiếc vòng đeo tay bằng bạc chạm trổ nhiều họa tiết và khảm ngà voi. Cổ nói nó là quà bình an, dành cho cô. Còn Công thì có lẽ từ lâu anh đã tìm được điều đó rồi. Mận tự nhủ thầm là như vậy.
- Nên cô cứ mạnh dạn mà sống thiệt hạnh phúc!
Buổi chiều nay, tiếng Trúc Ly còn vang vang, nửa thương nửa nghẹn. Cô biết cô gái đó thương Công nhiều và khao khát được Công đối đãi như đã dành một phần lớn cho cô. Nhưng mà cô biết là không được. Bởi đáng ra cô phải nói với cô gái ấy rằng, cô đừng có day dứt với những điều Công kể - mà nay đã thành xa xưa - đến vậy. Quan trọng là giờ chúng ta đã trở thành ai và sống vui với con người của ai trong hiện tại.
Thì đúng ra cô phải nói với cô gái Trúc Ly những điều ấy, nhưng cuối cùng lại im lặng. Năm đó Mận hai mươi tư tuổi. Sáu tháng sau Mận làm đám cưới với chồng. Công vẫn không về dự. Anh chỉ gọi điện kêu cô sống một cuộc đời đàng hoàng. Buổi chiều hồi dâu, gió sông cuộn lên từng hồi thốc tim.
Mận sinh hai đứa con. Và cô vẫn ở lại Sài Gòn. Mỗi năm một bận vợ chồng con cái cô dắt díu nhau về thăm nhà. Thường đó là những ngày cuối tháng Chạp, trời sắp tết thường giăng mây lác đác và hiu hiu buồn.
Thỉnh thoảng Công cũng về cùng một dịp, mua cho con cô một ít quà bánh rồi lại đi. Má Công than thở Công cứ đi về không vậy hoài. Cô cười ướt mắt, kêu kệ chứ biết sao đây? Biết sao đây?
- Thì mầy nói nó đi lấy vợ đi. - Má cô dấm dẳng từ căn buồng nhà dưới vọng lên.
- Vợ con giỏi dữ hả má? Khiến được người ta luôn! - Chồng cô tự nhiên cắt ngang.
- Ai khiến! Mắc mớ gì con phải nói.
Cô lẫy giọng dài ra, nửa dửng dưng, nửa như nghẹn ngắt trong cổ. Rồi sau đó thể nào chồng cô cũng lò dò hỏi những thứ vu vơ mà réo rắt, cứ như ai đó đã từng là những điều gì đó vô cùng quan trọng trong cuộc đời của cô. Nhưng rõ ràng là cô không chọn để Công trở thành như vậy. Cô cũng không được chọn để là như vậy, ít nhất là với Công.
Là cô tự nhủ với lòng cô vậy thôi, chứ chắc gì chồng đã quan tâm thật. Cô vốn đơn giản và thuần tính đến mức không có gì để phải hoài nghi. Dẫu Công có thể là một câu chuyện, nhưng như chồng cô đã từng tự tin nói rằng, nếu buộc phải làm điều sai trái, cô còn đau lòng hơn tất thảy những người còn lại.
Cô nghĩ vậy và cười chau trước khi chìm vào một giấc ngủ mơ.
Cuộc đời, biết sao được khi luôn có những mối quan hệ không bao giờ được mở nắp, chưa từng có cơ hội để đau đớn hay đổ vỡ. Cứ như vậy nó vẫn còn y nguyên dọc dài năm tháng, không lợt lạt, chẳng phôi pha mà đâu thể đậm đà.
Cô quay lại Sài Gòn, với một cuộc sống vô cùng đơn giản và bình yên. Thỉnh thoảng Tâm lại ghé chơi, nằm dài mệt nhoài nhìn hai đứa con cô giỡn chơi nhau trên giường rồi nói trời ơi nhiều khi thèm tiếng con nít quá chừng. Cô vuốt tóc Tâm. Tâm mới nói, cũng may hồi xưa cô không đến với Công. Biết đâu chừng thắm thiết quá giờ cô còn lưu lạc đâu đó ở Lào ở Cam chứ chẳng ở đây ôm ấp hai đứa nhỏ này. Cô cười phiên phiến, hỏi lảng đi xem Tâm dạo này có gì vui?
- Sống tạm vậy thôi. Đời tao mấy khi được may mắn như mầy?
Rồi Tâm lại lao đi vào giữa luồng xe cộ nhập nhạy, nhập nhạy. Biết bao nhiêu dòng đẩy sẽ đưa Tâm lạc trôi đi, rồi cuối cùng lại dạt về căn phòng trọ của nhiều năm trước, nơi mối tình đầu của Tâm đã nhàu nhĩ nhiều đi, nhưng không ai có đủ dũng cảm để rời xa, hoặc bước tiếp một quãng mới.
Nên đôi khi, vì cơ duyên nào đó mà một mối lòng chỉ mãi mãi dừng lại như cô và Công. Biết đâu đã là hạnh phúc?
Như gió dọc sông đã qua bao miền lỡ, rồi vẫn cứ xuôi về miên miết bờ bến thôi. Thỉnh thoảng, lơ thơ như tiếng lòng ai đó dạt dào riu theo gió: Mận hỡi, Mận ơi...
Mà mài mại bờ mắt.
Lê Bảo Chi