Cú lừa giữa tang thương

11/09/2024 - 22:25

PNO - Hàng triệu người nghẹn ngào với hình ảnh người chồng đẩy vợ con trong chiếc thau, cùng vượt lũ. Nhưng hóa ra đây là ảnh được dựng để câu view.

Bức ảnh dàn dựng lan truyền trên một tờ báo điện tử và mạng xã hội, đã lấy nước mắt nhiều người (Ảnh Internet)
Bức ảnh dàn dựng lan truyền trên một tờ báo điện tử và mạng xã hội, đã lấy nước mắt nhiều người (Ảnh Internet)

Sáng nay (11/9), bức ảnh người chồng dầm mình trong làn nước lũ để đẩy chiếc thau nhựa có người vợ và con nhỏ ngồi trong đã khiến hàng triệu người nghẹn ngào, xót xa.

Nhiều hội nhóm, diễn đàn đăng lại bức ảnh, coi đó như một bằng chứng sinh động cho thấy sự khắc nghiệt của lũ lụt, tình yêu gia đình cùng những khó khăn mà người dân vùng lũ phải đối mặt. Bức ảnh được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.

Nhiều tài khoản tin đây là câu chuyện thật nên đã lan tỏa trên mạng xã hội. Ảnh chụp từ Facebook
Nhiều tài khoản tin đây là câu chuyện thật nên đã lan tỏa trên mạng xã hội. Ảnh chụp từ Facebook

Tôi cho con gái học lớp 2 xem ảnh. Con đã khóc và quyết định đập ống heo với 3,4 triệu đồng để giúp gia đình trong ảnh và người dân vùng lũ. Con liên tục hỏi: “Mẹ ơi, cả nhà chú đến nơi an toàn chưa mẹ? Em bé có bị sao không, chú có bị sao không mẹ? Cô đang khóc chắc là cô hoảng sợ lắm. Mẹ nhớ gửi tiền giúp nhà cô nha mẹ!”.

Tôi trấn an, vỗ về con và tiếp tục lướt “Phây” để cho con xem nhiều hình ảnh khác về lũ lụt. Và đến chiều, tôi sốc nặng khi biết bức ảnh xúc động trên là một sản phẩm dàn dựng của một cặp vợ chồng làm YouTube. Mục đích của họ không phải là để chia sẻ những khó khăn của người dân vùng lũ, mà là để câu view, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.

Trang Facebook của UBND xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đính chính bức ảnh trên được dàn dựng
Trang Facebook của UBND xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đính chính bức ảnh trên được dàn dựng

Mạng xã hội chiều và tối nay diễn ra làn sóng phẫn nộ. Hàng ngàn bình luận bày tỏ sự thất vọng, tức giận với cả những nơi đã hồn nhiên đăng ảnh mà không kiểm chứng.

Tôi không hiểu sao giữa tang thương lũ dữ, giữa hàng triệu trái tim đang của miền Nam, miền Trung, của đồng bào ở hải ngoại… đang hướng về vùng lũ thì họ lại lấy thảm họa để câu like, câu view.

Tôi không biết phải nói với con thế nào sự thật về bức ảnh trên mà không khiến con tổn thương vì cú lừa đảo. Không muốn niềm tin của một đứa trẻ về sự thiện lương, tình yêu thương bị đầu độc, tôi đã phải tìm nhiều clip, hình ảnh về sự tàn phá, giận dữ của mẹ thiên nhiên và nỗi khốn cùng của người dân cho con xem để thay thế bức ảnh trên (nói thật khi tìm hình tôi luôn trong tâm thế dè chừng, không biết đâu là thật giả).

Rồi tôi phát hiện: nhiều hình ảnh xúc động khác như trẻ em được những con vật (chó, trâu) cứu mạng giữa dòng nước là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo (AI). Điều này khiến tôi hoài nghi nhiều bức ảnh lay động khác từ vùng lũ. Tôi đâm giận mình và giận những ai đã đùa giỡn trên sự mất mát của đồng bào.

Việc lợi dụng hình ảnh đau thương, khổ đau của con người để câu view, câu like lâu nay không hiếm, và đang trở thành vấn nạn nhức nhối trên mạng xã hội. Nếu trót lọt, họ có thể tăng follow, tăng view, tăng like, nhưng khi sự thật về "nội dung bẩn" được phơi bày, bản thân người gây ra chịu ảnh hưởng đã đành, cộng đồng cũng vạ lây. Lòng tin, lòng trắc ẩn của con người trước khổ đau, tai ương dễ bị thay thế bằng sự hoài nghi.

Những bức ảnh làm lay động lòng người, nhưng do AI dựng. Ảnh chụp màn hình FB
Những bức ảnh làm lay động lòng người, nhưng được phát hiện là do AI dựng (ảnh chụp từ màn hình Facebook)

Tới nay, nhiều Facebooker nổi tiếng đã gỡ bài và xin lỗi cộng đồng vì đã vô tình lan truyền hình ảnh "fake" - vô tình tạo nên cú lừa giữa tang thương.

Sự việc này thêm lần nữa cho thấy rằng, trong thời đại thông tin phát triển hiện nay, việc phân biệt đâu là thật, đâu là giả là vô cùng quan trọng. Chúng ta cần chung tay xây dựng một cộng đồng mạng lành mạnh, nơi mà thông tin được chia sẻ một cách chính xác, trung thực và có trách nhiệm.

Ngọc Khánh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI