LTS: Họ là người đã gầy dựng nên những thương hiệu, sản phẩm gắn bó một thời với người dân Việt Nam, đến nỗi mà giờ đây mỗi khi nhắc đến xà bông cô Ba, kem đánh răng Hynos, dầu khuynh diệp bác sĩ Tín, dầu gió Nhị Thiên Đường, dầu cù là Mac Phsu, bia BGI hay ngân hàng Tín Nghĩa rất nhiều người vẫn còn nhớ...
Thành công đó có được không hề dễ dàng, càng không chỉ dựa vào may mắn, mà chính từ ý chí, nghị lực, cùng tư duy kinh doanh nhạy bén biết nắm bắt cơ hội làm giàu của những con người dám nghĩ, dám làm.
Nói như ông Nguyễn Tấn Đời trong hồi ký của mình, rằng muốn có sự thành công, chúng ta phải tự thân vận động, lao động bằng chính bàn tay khối óc của mình. Và phải biết tận dụng mọi cơ hội nhưng phải có tâm, phải ngay thẳng. Còn sự may mắn là một cơn mưa cho tất cả mọi người, nếu ai biết chuẩn bị kịp thời được đồ chứa tốt và lớn thì hứng được nhiều nước trời cho…
Bài 1: Chuyện chưa nói hết về huyền thoại xà bông Cô Ba
Bài 2: Sự trở lại của Dạ Lan
Bài 3: Thorakao - Một thời vàng son
Bài 4: Bột ngọt Vị Hương Tố - Ly kỳ chuyện 'châu chấu đá xe'
Bài 5: 'Vua ngân hàng' Nguyễn Tấn Đời - Bài 1: Tay trắng thành tỷ phú
Bài 6: 'Vua ngân hàng" Nguyễn Tấn Đời - Bài 2: Tỷ phú bỗng chốc thành tay trắng
Bài 7: Bác sĩ Bùi Kiến Tín và chai dầu khuynh diệp
|
Đủ khách, xe khởi hành. Vượt qua những đoạn đường chật hẹp đầy ắp xe cộ trong nội thành, xe đi vào cao tốc. Trên xe, nhiều hành khách đã chìm vào giấc ngủ. Bỗng, tiếng khóc ré lên. Thằng bé ngồi ghế trước tôi ràn rụa nước mắt, tay nắm chặt cổ chân. Người mẹ nhìn con, cuống lên không biết làm sao. Chân thằng bé bị 2 nốt đỏ dường như bị con gì cắn...
Cao xoa Con Công và những phụ nữ đơn thân
Người mẹ ôm con vào lòng, vỗ về. Người đàn ông đứng tuổi, mái tóc hoa râm ngồi chung hàng ghế với tôi đứng dậy. Ông móc trong túi lấy một hộp tròn nhỏ bằng kim loại, rồi nói: "Cháu xức cho con trai đi".
Hộp được mở nắp, bên trong chứa lớp cao màu xanh tỏa mùi thơm phức. Người mẹ dùng ngón tay trỏ xoa trên mặt lớp cao rồi bôi nhẹ nhàng vào 2 nốt đỏ ở chân thằng bé. Nó ngưng khóc, đôi mắt ướt nhắm lại. Nó ngủ...
Hai nốt đỏ không bao lâu đã dịu xuống. Người mẹ cám ơn và gởi trả ông hộp cao. Không cầm được tò mò, tôi hỏi ông, thuốc gì mà hay thế anh?. Ông cười vui, hỏi lại tôi: "Những người ở vào lứa tuổi như anh và tôi chắc không quên dầu cù là Mac Phsu chứ?".
|
Trước 1975 ở miền Nam, dầu cù là Mac Phsu danh tiếng vô cùng, ai ai cũng dùng |
Không đợi tôi trả lời, ông nói tiếp: "Tình cờ có lần tôi vào khu phố 2 phường An Lạc, quận Bình Tân thì thấy tấm biển đề trước một căn nhà quảng cáo có bán cao xoa (dầu cù là gốc gia đình Mac Phsu) hiệu Con Công nên mua mấy hộp. Lúc đó Cao Con Công thì tôi chưa biết nhưng dầu cù là Mac Phsu thì không thể nào quên được".
Đúng là vậy. Trước 1975 ở miền Nam, cù là Mac Phsu danh tiếng vô cùng, ai ai cũng dùng. Mac Phsu là một thương hiệu lớn, xuất hiện trên thị trường từ những năm đầu của thập niên 1930, sau đã trở nên quen thuộc với người dân.
Đây là sản phẩm do người Miến Điện (nay là Myanmar) sản xuất, có công dụng trị được bá bệnh, từ chóng mặt, nhức đầu, ho, cảm, sổ mũi đến nhức mỏi chân tay, bị thương tích chảy máu, bị côn trùng cắn hay bị muỗi đốt… Trong dầu cù là Mac Phsu có nhiều dược liệu như menthol và methyl salicylate, hai chất này có trong tinh dầu Bạc hà Á.
Ngoài ra còn có khuynh diệp, quế, tràm, long não, hương nhu, thông, camphor, cineol và những tá dược đặc biệt mà chỉ người trong cuộc mới có thể biết được. Chính nhờ những chất... bí mật này đã tạo nên thương hiệu cù là Mac Phsu. Nổi tiếng là thế, doanh số cao ngất là thế nhưng trên thị trường hàng nhái, giả không hề thấy xuất hiện. Chỉ có thể lý giải nguyên do là bởi loại tá dược đặc biệt có trong cù là Mac Phsu không ai biết để nhái theo. Vị trí độc tôn của dầu cao vì thế hơn 40 năm vẫn chỉ thuộc về Mac Phsu.
Sau hàng chục năm có mặt trên thị trường, sau năm 1975 cũng như bao thương hiệu khác tại miền Nam, dầu cù là Mac Phsu không còn hoạt động. Gần đây trên thị trường xuất hiện cao xoa hiệu Con Công với dòng chú thích có nguồn gốc từ gia đình Mac Phsu đã làm nhiều người lưu ý.
Thì ra, con cháu những người làm ra cù là Mac Phsu vẫn còn sống tại Sài Gòn. 5 người con gái (người lớn nhất 73 tuổi, nhỏ nhất ngoài 50) đều là phụ nữ đơn thân đã cùng nhau hồi sinh sản phẩm của cha ông.
Hỏi địa chỉ từ người đàn ông trên cùng chuyến xe, chúng tôi đến được nơi sản xuất sản xuất cao xoa hiệu Con Công. Tiếp chúng tôi là một phụ nữ đứng tuổi, bà Lê Kim Nga kể lại rằng vào năm 1930 gia đình bà ở sinh sống ở Phnom Penh (Campuchia). Ông ngoại bà là ông Thong Ong Zan mặc dù đã nắm được căn bản nấu dầu của hoàng gia Myanmar vẫn sang Singapore tầm sư, thọ giáo một bác sĩ người Anh.
Cùng học với ông còn có một người Sing lai Miến. Cả hai đều lãnh hội được tinh hoa nấu dầu từ vị bác sĩ này rồi cùng quyết định: ở Singapore sẽ cho ra dầu Tiger Balm có màu nâu và ở Việt Nam sẽ là dầu cù là (cù là có nghĩa là Miến Điện) lấy màu xanh làm màu đặc trưng. Để tạo ấn tượng cho sản phẩm, ông ngoại bà lấy tên của vợ là Mac Phsu đặt kèm với cù là để từ đó, dầu cù là Mac Phsu trở thành một thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam.
Bà Nga cho biết thêm, hiện nay bà và các chị em sản xuất dầu cao Con Công là cháu ngoại của bà Mac Phsu.
Lịch sử một thương hiệu
Xuất hiện từ đầu thập niên 1930, cù là Mac Phsu luôn có mặt trong mọi sinh hoạt của người dân. Những lúc trái gió trở trời, thoa một chút vào thái dương sẽ thấy tỉnh người ngay. Chóng mặt, nhức đầu hay ho cảm sổ mũi, hơi nóng Mac Phsu sẽ chận đứng cơn bệnh. Nhờ vậy, cù là Mac Phsu được người tiêu dùng "chiếu cố" đặc biệt.
|
Dầu cù là Mac Phsu một thời vang bóng |
Nhiều người Sài Gòn lớn tuổi vẫn chưa quên được cảnh nhộn nhịp người đến mua hàng tại tổng đại lý cù là trên đường Võ Tánh (nay là Nguyễn Trãi) cạnh nhà thờ Huyện Sĩ. Kẻ đứng, người ngồi ngóng chờ được giao hàng.
Trong khi đó, tại cơ sở sản xuất ở số 205 Lê Thánh Tôn, công nhân làm việc ra vào tấp nập. Nguyên liệu được đưa tới, thành phẩm được chuyển đi, mỗi ngày nơi này có thể sản xuất không dưới 10.000 lọ, hộp dầu các loại.
Thuở huy hoàng của cù là Mac Phsu kéo dài khá lâu. Tại các tụ điểm, biển quảng cáo giăng đầy thu hút, lôi cuốn người tiêu dùng. Ai cũng biết đây là một loại dầu cao của người Miến nhưng cơ duyên nào để có mặt ở Việt Nam thì ít người biết đươc.
Cũng rất ít người biết được, hiện nay cách thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) 13km ở làng Vĩnh Hòa Hiệp, có một xóm mang tên Cù Là. Đa số người dân ở xóm này có quan hệ huyết thống với một nhóm người từ một nước khác - sau này mới biết là Miến Điện - đến buôn bán rồi định cư luôn vào cuối thế kỷ 19.
Cũng trong thời gian này, vào năm 1885 tại Sài gòn có sự xuất hiện của một người Miến. Ông tên là Myingun được chính quyền Pháp cho cư trú như một người tị nạn chính trị. Ông từng cư ngụ ở đường Paul Blanchy và đường Le Grand de la Liraye, tức đường Hai Bà Trưng và đường Điện Biên Phủ ngày nay.
|
Tái sinh cù là Mac Phsu với sản phẩm Con Công |
Ông có 3 người vợ, trong đó có một người vợ Việt. Đất Sài Gòn đã cưu mang ông trong suốt 32 năm. Bà Mac Phsu là con gái của ông. Khá bất ngờ khi được biết ông chính là hoàng thái tử Myingun Min của Miến Điện.
Như đã nói, bà Mac Phsu là con gái của Myingun. Bà kết hôn với ông Thong Ong Zan - người đã làm nên thương hiệu cù là Mac Phsu. Ông bà sinh được 4 người con. Người con út kết hôn với KTS Lê Văn Tươi cho ra đời 5 cô con gái và 1 trai. Năm 2013, hai cô gái lớn bây giờ là bà Lê Kim Nga và Lê Kim Phụng đã hợp cùng các em gầy dựng lại thương hiệu dưới nhãn hàng cao xoa hiệu Con Công.
Là người nắm tất cả bí quyết xây dựng nên cù là Mac Phsu, ông Thong Ong Zan quyết định chỉ truyền lại bí kíp này cho con gái bởi theo ông, truyền cho con trai sẽ bị con dâu chi phối.
Hai cô con gái, Kim Nga (73 tuổi) và Kim Phụng (71 tuổi) được tiếp thu chân truyền từ ông ngoại đã cùng các em quyết tâm khôi phục lại nhãn hiệu một thời bằng đúng công thức và kỹ thuật nấu của ông ngoại mình năm xưa. Tâm huyết này đã cho ra đời loại dầu cao Con Công hiện nay. Những người lớn tuổi tình cờ biết đến cao xoa Con Công nhận xét, họ đã tìm lại được cù là Mac Phsu trên chính sản phẩm dầu cù là Con Công.
Mặc dù trên thị trường hiện nay, người tiêu dùng có nhiều chọn lựa nhưng với những ai đã từng quen thuộc và tin tưởng công dụng của Mac Phsu thì sự hồi sinh của Mac Phsu với thương hiệu Con Công là một điều vui mừng.
Trần Chánh Nghĩa