Củ hũ ăn hoài không cũ

02/03/2017 - 08:15

PNO - Gắp miếng gỏi củ hũ giòn tan, thấm vị chua ngọt đậm đà của nước mắm, hòa lẫn vị béo bùi của tôm thịt, mùi thơm của hành phi, đậu phộng rang và rau răm khiến thực khách không thể buông đũa.

Củ hũ là lõi non nhất trên một cây hoặc khóm cây, được xem là phần tinh túy nhất, giòn ngon nhất. Đề lấy được củ hũ, người ta phải đốn bỏ hết nguyên cả cây, nên củ hũ được xem là đặc sản xa xỉ nhất.   

Ngọt béo củ hũ dừa

Miền Tây sông nước mênh mông, cây trái trĩu cành không chỉ hấp dẫn bởi vẻ đẹp bình dị mà còn níu chân du khách bằng những món ăn dân dã miệt vườn, trong đó phải kể đến củ hũ dừa. Cây dừa trồng vài năm mới có củ hũ, muốn lấy củ hũ, người ta phải đốn hạ cây dừa, chặt lấy phần ngọn rồi lột bỏ lớp mo xơ xù xì bên ngoài, lộ ra lớp non trắng mềm là củ hũ. Để lấy củ hũ, phải “hy sinh” cả cây dừa nên người ta thường chọn chặt bỏ những cây đã già cỗi, cho năng suất kém. 

Cu hu an hoai khong cu
 

Củ hũ dừa có vị ngọt beo béo, giòn mềm, là loại thực phẩm giàu dưỡng chất, tốt cho sức khỏe. Từ củ hũ dừa, có thể chế biến thành nhiều món ngon. Món xào thì có củ hũ dừa xào lòng gà hay xào tôm. Món kho có củ hũ dừa kho nấm, kho thịt. Muốn thay đổi khẩu vị thì đem củ hũ dừa nấu canh với thịt viên hay bóp xổi ăn với thịt kho, cá kho. Nhưng món được nhiều người ưa chuộng nhất là gỏi củ hũ dừa tôm thịt.

Món này dùng đãi khách khi nhà có tiệc, hay lai rai vào những ngày rảnh rỗi đều ngon tuyệt. Củ hũ dừa cắt khúc rồi đem ngâm trong nước đá hòa nước cốt chanh để giữ được độ giòn và trắng, sau đó vớt ra để ráo nước. Gắp miếng gỏi củ hũ giòn tan, thấm vị chua ngọt đậm đà của nước mắm, hòa lẫn vị béo bùi của tôm thịt, mùi thơm của hành phi, đậu phộng rang và rau răm khiến thực khách không thể buông đũa.

Đặc biệt nhất là bánh xèo nhân củ hũ dừa. Nhân bánh phải chuẩn bị trước, củ hũ dừa cắt sợi đem xào sơ với thịt ức vịt xiêm tơ băm nhuyễn, nêm nếm gia vị vừa ăn. Bánh đổ vừa chín vàng thì thả nhân và ít đậu xanh hấp chín vào, chờ bánh giòn mới xếp ra mâm, ăn với rau vườn như cải bẹ xanh, rau thơm, đọt xoài, đọt cóc, lá cách, lá sung… chấm cùng nước mắm chua ngọt, hương vị dân dã nhưng rất khó quên, bởi nguyên liệu đều tươi và ngon ngọt, khó tìm ở chốn thị thành.

Độc lạ củ hũ khóm

Khi củ hũ dừa đã trở nên quá quen thuộc thì dạo gần đây, người dân miền sông nước phát hiện thêm món mới: củ hũ khóm. Cũng như củ hũ dừa, củ hũ khóm là phần lõi non của bụi khóm, được tách ra từ những bụi khóm còn nhỏ hoặc chồi nách (chồi non mọc gần gốc) bị quá lứa, không nhân giống được, hoặc ở những vườn khóm cũ bị phá bỏ để trồng mới.

Cu hu an hoai khong cu
 

Món đơn giản nhất là củ hũ khóm xào với tép. Củ hũ cắt lát ngâm nước đá cho giòn, đem trụng sơ qua nước sôi, cà rốt cắt sợi. Tôm làm sạch cho vào phi thơm với tỏi, rồi thả cà rốt, củ hũ vào, nêm gia vị vừa ăn, nhấc xuống, trộn thêm ít cần tàu cho thơm. Món này ăn với cơm trắng chấm nước tương, rất ngon.Củ hũ khóm có vị ngọt dịu, đăng đắng, giòn thơm và cũng hiếm hơn củ hũ dừa; khi tách ra, củ hũ khóm chỉ là phần nhỏ cỡ nắm tay nên người miệt vườn chỉ dùng để đãi khách. Ở các nhà hàng, muốn ăn món này, phải đặt trước mới có.

Nhưng món ăn làm nên “thương hiệu” cho củ hũ khóm là trộn gỏi với cá khô. Củ hũ khóm bào mỏng, ướp lạnh cho giòn rồi ngâm với giấm, đường. Cá khô thì có thể dùng cá lóc hay cá sặc bổi đem nướng chín, xé nhỏ trộn với củ hũ, ớt cắt sợi, rưới thêm ít nước mắm tỏi ớt cho vừa miệng. Vị ngọt hơi nhẩn của củ hũ khóm hòa với vị mặn của cá khô và chua cay của gia vị khiến càng ăn, càng ngon miệng.

Chỉ là những món ăn dân dã nhưng củ hũ là tinh túy của ẩm thực Nam bộ. Nếu có dịp về miền Tây, đừng quên thưởng thức các món ăn từ củ hũ.   

Dương Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI