“Cú hích” mạnh từ những khóa đào tạo kỹ năng khởi nghiệp

15/12/2021 - 05:59

PNO - Những khóa học kỹ năng khởi nghiệp vừa cung cấp kiến thức hữu ích về kinh doanh, vừa giúp chị em thêm sự tự tin, mạnh dạn hiện thực hóa ước mơ.

Hành trình của trà sữa thuần Việt

Thời COVID, trong khi phần lớn cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đang chật vật xoay xở, tìm cách vượt qua khó khăn thì Phạm Thị Thùy Trang - chủ quán trà sữa Béo - lại bận rộn với mặt bằng kinh doanh mới rộng hơn 200m2 tại số 444 Nguyễn Bình (xã Phú Xuân, H.Nhà Bè, TP.HCM). Trang tự tin: “Là thương hiệu mới, nhưng qua mùa dịch vẫn nhận được sự tin yêu, đón nhận của khách hàng, chứng tỏ sản phẩm của tôi đi đúng hướng”. 

Phạm Thị Thùy Trang giới thiệu trà sữa đóng lon tại buổi lễ phát động chương trình Phụ nữ tự tin làm kinh tế giỏi
Phạm Thị Thùy Trang giới thiệu trà sữa đóng lon tại buổi lễ phát động chương trình Phụ nữ tự tin làm kinh tế giỏi

Phạm Thị Thùy Trang - cô cử nhân kinh tế, đã có hơn một năm trải nghiệm với mô hình kinh doanh dịch vụ ăn uống từ sản phẩm chủ đạo là trà. Tuy nhiên, ý tưởng về một thương hiệu trà Việt nhen nhóm trong cô từ khi cô đến thăm đồi chè Cầu Đất ở Đà Lạt. Nhận thấy trà sữa là món uống khoái khẩu của giới trẻ, từ xe đẩy bình dân vỉa hè đến các trung tâm thương mại đâu đâu cũng bán trà sữa, nên sau chuyến đi ấy, cô nghĩ: một thứ thức uống được ưa chuộng như vậy, tại sao cứ phải sử dụng nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, trong khi Việt Nam đang sở hữu một nguồn nguyên liệu hết sức dồi dào. 

Nhưng ý tưởng ấy đã nhiều lần bị khỏa lấp bởi không có một “cú hích” đủ mạnh để đẩy nó đi xa, cho đến đầu năm 2020, Trang được Hội LHPN H.Nhà Bè cử đi học lớp kỹ năng khởi nghiệp do Hội LHPN TP.HCM tổ chức. Tự tin với những kiến thức tích lũy từ khóa học, Trang mạnh dạn trình bày ý tưởng mở một quán trà sữa có thương hiệu, trong đó nguyên liệu chủ yếu là trà Việt kết hợp với sữa và các loại thảo mộc như cỏ ngọt và la hán quả. Không ngờ, ý tưởng của chị được trao giải nhất trong cuộc thi tìm kiếm những ý tưởng khởi nghiệp.

Không chần chừ, Trang bắt đầu mày mò, tìm hiểu các công thức pha chế. “Vì muốn xây dựng một thương hiệu trà sữa của người Việt cho người Việt với nguồn nguyên liệu thuần Việt, tôi từ chối tham gia các khóa học pha chế mà tự tìm ra công thức của riêng mình để không phụ thuộc nguyên liệu từ người hướng dẫn” - Trang tâm sự. Cô kết nối với một số vườn trà tại Lâm Đồng, các trang trại tại Đà Lạt để có nguồn trà và rau củ quả đạt chất lượng; kết nối với các trang trại bò sữa ở Mộc Châu để có nguồn sữa tốt nhất. Cô quyết tâm, từ trà, sữa, đến đường… phải là nguyên liệu của Việt Nam, và phải đảm bảo tốt cho sức khỏe. “Không biết bao nhiêu lần, người thân, bạn bè bị tôi “ép” dùng thử các sản phẩm của mình để góp ý và chỉnh sửa dần” - Trang cho biết.

Mấy tháng sau, Phòng Kinh tế H.Nhà Bè phối hợp với một số đơn vị tổ chức cuộc thi tìm kiếm những ý tưởng khởi nghiệp. Trang lại mang ý tưởng của mình đến với cuộc thi. Lần thi này, cô đoạt giải nhì đồng thời được nhiều nhà đầu tư đề nghị hợp tác. Kết quả ấy khiến cô có thêm niềm tin để hiện thực hóa ý tưởng của mình.

Đến tháng 11/2020, nhận thấy sản phẩm của mình đã ở độ hoàn hảo nhất, cô bắt đầu cho “chạy” thử với hình thức kinh doanh online. Nhận được những phản hồi tích cực nên tháng 4/2021, cô mở quán Béo Tea Coffee tại xã Phú Xuân và đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm. Với sản phẩm chủ đạo là trà có sữa và trà không sữa, Béo Tea Coffee đã đưa hơn 40 món vào menu phục vụ khách hàng với mức giá từ 10.000 - 40.000 đồng. Đặc biệt hơn, tất cả các sản phẩm của cô đều có thể đóng lon với dung tích từ 500ml đến 700ml để phục vụ khách hàng một cách chuyên nghiệp cũng như bảo quản được chất lượng sản phẩm một cách tốt nhất với tiêu chí “ngon mắt, ngon miệng, thuận tiện di chuyển”. 

Đối tượng sản phẩm hướng đến là người trẻ. Mặc dù trong mùa dịch, học sinh, sinh viên không đến trường, doanh thu sụt giảm, nhưng với hình thức kinh doanh online và các chương trình khuyến mãi như miễn phí giao hàng trong phạm vi 3km, tích điểm đổi thưởng trên từng hóa đơn… doanh thu của cửa hàng vẫn đạt 80 - 120 triệu đồng/tháng. 

Thâm nhập để hiểu hơn sản phẩm mình kinh doanh

Cũng có niềm đam mê kinh doanh thức uống, nhưng chị Đào Thanh Loan (Q.10, TP.HCM) lại dành sự quan tâm đến sản phẩm cà phê. Chị kinh doanh cà phê nhỏ lẻ tại nhà từ năm 2006. Nhưng với nhu cầu thưởng thức ngày càng cao cũng như ngày càng có nhiều thương hiệu cạnh tranh, chị Loan nhận thấy nếu không có kiến thức và sự đầu tư thì việc kinh doanh sẽ không thể phát triển. Từ suy nghĩ đó, chị quyết định sẽ thâm nhập để hiểu sâu hơn về sản phẩm mình kinh doanh. Thế là những chuyến đi lên Buôn Ma Thuột - thủ phủ cà phê - của chị ngày càng dày. Có thời gian, chị ở đó đến vài tháng để trải nghiệm, để hiểu sâu hơn về cách trồng và chế biến cà phê sạch. 

Năm 2010, chị Loan quyết định mua 4ha đất để tự trồng cà phê, với dự tính: sản lượng thu hoạch đủ bán cho cả năm. Nhưng đam mê chưa dừng lại ở đó. Năm 2019, chị được Hội LHPN Q.10 giới thiệu tham gia các khóa đào tạo kỹ năng khởi nghiệp. Những kiến thức nắm bắt nhu cầu khách hàng, quản lý kinh doanh… mới mẻ từ khóa học khiến chị vô cùng hứng thú. “Tôi chỉ nghĩ đi học để về thực hiện một vài thay đổi cần thiết trong việc kinh doanh của mình. Không ngờ, các khóa học cùng với biến cố gia đình lại là tiền đề đẩy việc kinh doanh của tôi đi xa hơn” - chị nhớ lại. 

Chị Đào Thanh Loan tại cửa hàng thứ hai chuyên về bột ngũ cốc đóng gói và các loại trà
Chị Đào Thanh Loan tại cửa hàng thứ hai chuyên về bột ngũ cốc đóng gói và các loại trà

Năm 2019, mẹ chồng chị bị bệnh nặng, phải tiếp dưỡng bằng đường ống. Có người mách chị nên bổ sung cho bà các loại đậu hạt xay nhuyễn để thêm dưỡng chất. Tuy nhiên, thời điểm đó, thị trường không có nhiều sản phẩm để lựa chọn. Từ đó, chị nuôi ý tưởng kinh doanh thêm sản phẩm bột ngũ cốc nguyên chất rang xay dành cho mọi lứa tuổi, mọi đối tượng. Thế là chị lại bôn ba khắp nơi để tìm nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng. Chị “đặt hàng” cho một số cơ sở trồng trọt sản xuất theo hướng hạn chế phân, thuốc. “Khi nhập hàng về, tôi phải vo nước muối, phơi cho khô ráo một lần nữa rồi mới rang xay. Việc tìm mua máy rang, xay sao cho bột đủ mịn để có thể hòa tan trong nước cũng là một vấn đề không dễ” - chị Loan cho biết. Và mất một năm thì sản phẩm bột ngũ cốc của chị ra đời. 

Hiện tại, ngoài cửa hàng chuyên phục vụ cà phê tại chỗ, chị mở thêm cửa hàng thứ hai tại Q.10 để bán cà phê, bột ngũ cốc đóng gói. Sau một năm kinh doanh, chị mở rộng bán thêm nhiều mặt hàng như mật ong, các loại trà ngũ cốc, trà hoa hồng, hoa lài, hoa đậu biếc… Có những đơn hàng đi nước ngoài lên đến 2 tấn, chị phải thuê thêm nhân công để phụ mình chế biến, đóng gói, bán hàng. Ngoài ra, sản phẩm còn được nhiều người biết đến khi chị có cơ hội tham gia những hội chợ giới thiệu và trưng bày sản phẩm do Hội LHPN thành phố tổ chức.
“Người tiêu dùng bây giờ rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe, do đó, tôi lựa chọn kinh doanh sản phẩm với suy nghĩ làm sao vừa phục vụ cho người thân, vừa phục vụ khách hàng” - chị Loan tâm sự. 

Thu Lê

Để sản phẩm chất lượng đến tay khách hàng, chị Đào Thanh Loan tự mình tìm kiếm nguyên liệu cũng như phụ trách khâu chế biến
Để sản phẩm chất lượng đến tay khách hàng, chị Đào Thanh Loan tự mình tìm kiếm nguyên liệu cũng như phụ trách khâu chế biến

Trong nhiệm kỳ qua, Hội LHPN các cấp tại TP.HCM đã tổ chức cho hơn 1.500 lượt chị tham dự các chuyên đề như: Xây dựng và bảo vệ thương hiệu - tài sản quý giá của doanh nghiệp, hướng dẫn thủ tục và kỹ năng xây dựng một thương hiệu dễ nhớ, tập huấn các kiến thức nâng cao về kỹ năng marketing trong kinh doanh… để các chị cập nhật thêm kiến thức về thị trường, về lao động, tiềm năng của ngành và sở trường của chính mình.
Các chương trình trên nằm trong chuỗi hoạt động truyền thông hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế và thời gian qua đã tư vấn, hỗ trợ cho hơn 2.000 hội viên phụ nữ đang sinh sống, lao động và kinh doanh trên địa bàn thành phố. Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng ra nhiều quận, huyện, thu hút nhiều chị em tham gia.

(Trích dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM lần thứ XI)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI