Năm con trai lên 4 tuổi, dù đều là cử nhân, có việc làm ở cơ quan nhà nước hẳn hòi nhưng anh Vinh và chị Hằng quyết định đi hợp tác lao động với hy vọng “đổi đời”.
Họ gửi con cho ông bà nội chăm giúp. Ban đầu, anh Vinh và chị Hằng làm chung chỗ. Mỗi ngày, sau giờ tan làm là nỗi nhớ con, nhớ quê quặn thắt. Thời ấy chưa có điện thoại thông minh, nhưng nhà cũng kết nối được mạng viễn thông nên hầu như cứ cuối tuần, anh chị lại được “gặp con, gọi con” tại tiệm net gần nơi ở trọ. Nhìn con lớn lên từng ngày, vui vẻ nói cười, kể chuyện bà nội yêu thương, anh chị rất mừng.
Niềm vui thấy con lớn từng ngày, mẹ cha khỏe mạnh, nhà khi có thêm cái nồi cơm điện, lúc có thêm chiếc tủ lạnh nho nhỏ… là động lực để anh chị nỗ lực nhiều hơn ở công ty sản xuất hàng đông lạnh. Làm việc ngay khâu chế biến, dù khi nào cũng mang găng, bảo hộ, nhưng tay anh chị hầu như đều biến dạng vì nhiệt. Chưa kể đôi chân, sau một ngày 12-14 tiếng làm việc, về đến phòng trọ là mỏi nhừ cả người. Nhưng vì con, vì nhau, anh chị đã cố gắng vượt qua, để thích nghi cùng cuộc sống mới.
Dự tính của anh chị là sau 2 năm sẽ về. Nhưng rồi khi sắp hết hạn hợp đồng, ở quê lại bị lũ quét. Trận lũ làm sạt lở bờ sông Hậu, cuốn trôi ngôi nhà cũ nát của ông bà nội tụi nhỏ. Anh chị lại tìm cách bám víu nơi xứ người để kiếm tiền gửi cha mẹ xây lại nhà cửa.
Do tự tìm việc mới nên anh chị không thuận tiện công tác chung. Chị vẫn làm ở công ty sản xuất hàng đông lạnh, còn anh được một nữ đồng nghiệp người bản xứ giới thiệu việc ở cách đó gần 60km. Ở nước bạn, phương tiện đi lại thuận lợi, khoảng cách đó không xa. Lương của anh lại cao gần gấp đôi lương chị, phù hợp với trình độ và năng lực thực sự của anh. Chị nghe thế rất mừng nên hối chồng đi chỗ mới.
Anh bàn với vợ, vẫn đi đi về về mỗi ngày, để được ở chung ký túc xá với chị. Anh nói, vợ chồng thì phải sống cùng nhau, nhưng vì thương chồng cực khổ, chị lại nói anh nên ở trọ gần công ty anh, mỗi tuần về thăm chị là được. Chị tính rồi, tiền anh đóng cho ký túc xá của chị, rồi tiền tàu xe, gộp lại đã bằng tiền ở và tiền ăn của anh bên kia. Mãi 3 tháng sau khi nghe vợ khuyên, anh quyết định ra riêng. Chị và anh đều không ngờ cái sự ra riêng đó là mãi mãi.
Sau một bữa tiệc sinh nhật bạn đồng nghiệp ở công ty mới, anh nhậu say, không về nhà mình mà về nhà người nữ đồng nghiệp - người giúp anh tìm công việc này. Trong cơn say, cô ấy nói có tình cảm với anh, còn anh cũng mơ hồ nghĩ đó là vợ… Mọi chuyện xảy ra sau đó, anh không kiểm soát được.
Sau sự việc, áy náy với vợ nên mỗi ngày cứ tan làm là anh Vinh vội vã về với chị Hằng. Không ngờ về đến, lại bị vợ mắng tốn kém, bảo anh đi. Không thể giải thích lý do, anh Vinh không dám đường đột về với vợ nữa mà 2, 3 tuần anh mới trở về phòng ký túc xá bên này. Người nữ đồng nghiệp thấy anh bơ vơ, cô độc và buồn bã lại “tiện tay” chăm sóc - bữa hộp cơm, bữa cái khăn mát khi trời nóng nực… Lâu dần, sự dịu dàng, nhẫn nại ấy làm anh xiêu lòng và quên mất sự áy náy, có lỗi với vợ.
Khi chị Hằng phát hiện mọi chuyện là đã hơn 1 năm sau đó, cũng là lúc anh Vinh đã trả phòng trọ để dọn về ngôi nhà riêng của người phụ nữ kia cả tháng rồi. Chị đề nghị nói chuyện, anh dẫn theo người phụ nữ kia và 2 người thản nhiên nói lỗi đều do chị, rằng chính chị đã đẩy anh đi. Nước mắt tràn ra, chị không phản bác được lời nào trước người chồng phản bội và cô gái “khoét tường, cướp chồng” người khác. Đêm đó, chị Hằng bắt chuyến xe ngược về ký túc xá mà đi nhầm xe nên phải đến một thành phố xa lạ khác trong trời giá rét. Khi ngồi co ro ở trạm xe chờ chuyến trở về nơi mình sống, nước mắt chị cứ vậy tuôn rơi. Chị cứ lẩm bẩm: “Tại mình, tại mình mà anh như vậy”.
Rồi anh chị ly hôn. Mọi thủ tục anh lo, vì người phụ nữ kia là con gái duy nhất của một gia đình khá giả, đủ tiềm lực kinh tế và quan hệ để xoay xở mọi chuyện. Cô đi làm chỉ là để được trải nghiệm, sau này về quản lý công ty gia đình - cũng chính là công ty mới, nơi anh đang làm quản đốc xưởng sản xuất, nơi trả anh gấp 10 lần lương của tu nghiệp sinh như chị. Ngày trao giấy chứng nhận ly hôn cho chị, anh nói chị đừng nên giành bé Bin mà nên xây dựng gia đình mới. Anh nói: “Dù anh có lỗi, nhưng anh vẫn lo cho con rất chu toàn. Bin đã 11 tuổi, cũng quen sống cùng ông bà nội, con vẫn là con của em. Tháng Tư tới hết hạn hợp đồng, em về quê đi. Em đừng giành con mà tổn thương con cùng cha mẹ, rồi mất tiền bạc khi phải thuê luật sư, ra tòa”. Anh và vợ mới còn “lịch sự” bồi thường thanh xuân cho chị một khoản tiền khá lớn, tính ra đủ để chị có thể về lại quê mua đất, cất ngôi nhà be bé nơi phố chợ, có thể buôn bán nho nhỏ gì đó sống qua ngày.
Chị quay cho tôi xem cảnh tuyết đang bay lả tả. Chắc lòng chị cũng đang băng giá. 1 tuần sau, chị lại gọi video cho tôi. Trong bộ áo phông ấm áp, gương mặt chị hồng hào. Chị nói: “Chị không nhìn vào những gì đã mất, chẳng tiếc, cũng không quy ra lỗi của ai, vì chị bận tập trung vào những gì mình có, mình còn. Đó là con trai chị - thằng bé ngoan, khỏe mạnh và học giỏi. Đó là cha mẹ già vẫn còn khỏe. Đó là chị - vẫn còn sức làm việc, còn tâm trí để suy nghĩ, còn trái tim để yêu thương… Còn nhiều thứ khác: tiền, nhà, bạn bè, quê hương… Vậy thì sao phải buồn khổ? Cứ hạnh phúc đã rồi tính tiếp”.
Nguyễn Thụy