Cứ gần tết vợ lại đập nhà ra sửa

22/01/2021 - 05:26

PNO - Đã 2 tuần nay, anh và các con sang nhà nội “ở ké”. Nguyên nhân vẫn như mọi năm: Vợ anh sửa nhà đón tết.

Lẽ thường, chuyện nhà cửa, nội thất là do cánh đàn ông đảm nhiệm. Nhưng từ ngày vợ anh đổi cái bộ sofa được bạn bè khen, cô ấy bắt đầu yêu thích việc trang trí, lên đời cho nhà cửa.

Năm đầu lấy nhau, sau khi có khoản thưởng tết, vợ anh quyết định sửa lại cái trần nhà bị thấm. Anh đồng ý ngay vì những lần mưa to, nước thấm qua vách tường chảy xuống, để lâu ngày sẽ mốc hết tường.

Năm nào vợ anh cũng sửa sang nhà để đón Tết - Ảnh minh họa

Năm nào vợ anh cũng sửa sang nhà để đón tết - Ảnh minh họa

Anh nói để anh kiếm người tới coi rồi báo giá, sửa chữa. Vợ là phụ nữ, làm mấy việc này không có kinh nghiệm. Ngờ đâu vợ xông xáo nói "để em lo". Thế rồi tối tối, nàng lần mò lên mạng tìm thợ chống thấm, tìm được rồi thì lo đủ các khâu. Sửa cái trần vách đó cũng mất mấy bữa. Ban ngày thợ gõ ầm ầm, sơn sơn trét trét. Vợ thì bỏ cả việc ở cơ quan, việc nhà để đốc thúc cho “kịp tiến độ”.

Sau đợt chống thấm ấy, đúng là nước không ngấm vào nhà nữa. Anh hí hửng khen vợ giỏi. Đâu có ngờ đó là cột mốc để năm nào vợ cũng đập nhà ra sửa.

Mỗi năm, vợ anh gom góp sửa từng phần ngôi nhà. Năm ngoái là sửa phòng khách, bàn ghế rinh ra rinh vào, bụi bặm đầy nhà. Tối 30, hai vợ chồng còn quét dọn phờ người.

Cả nhà lớn bé hùa nhau vào mà làm, cơm nước còn chẳng kịp ăn. Mà cứ ngơi tay ngồi thở thì vợ lại quát tháo om sòm. Anh không nghĩ ngày cuối năm lại mệt đến vậy. Còn vợ thì cằn nhằn tới tận Mùng 1, chỉ vì cái bàn trà anh kê chưa đúng vị trí chuẩn.

Tết năm ấy, không chỉ anh mà các con cũng mất vui vì trải qua trận chiến dọn nhà. Riêng vợ, cô ấy tủi thân vì bỏ công bỏ sức ra làm mà không được công nhận. Ngày đầu năm, anh nhìn nhà cửa sáng trưng mà lòng thì như ngọn đèn rụi, vừa phải dỗ vợ, vừa phải nghĩ đến số tiền lố sau khi phòng khách được tân trang.

Năm nay, cô ấy chuyển sang tu sửa phòng ngủ và bếp ăn. Thế là mấy thành viên trong gia đình lâm vào cảnh “ngủ ké”. Cứ 6 giờ sáng, anh phải chở con từ nhà nội về nhà mình để lấy thêm đồ đi học, rồi tối lại qua nhà nội ngủ. Chạy đi chạy lại cả tuần rồi mà mới chỉ xong một phần, vôi vữa còn đầy ra.

Mà đâu chỉ mỗi chuyện xây sửa. Vợ anh còn càu nhàu chuyện thợ thuyền, chuyện giá vật liệu tăng, chuyện cái bếp gas đã cũ, muốn tống khứ để thay bộ bếp điện từ. Công việc sửa nhà vốn nặng nề, mệt mỏi, anh can dự vào thì vợ không cho. Cô ấy cứ đòi phải sơn màu này, trét chỗ kia, gắn thêm cái kệ, dỡ bớt cái bàn… Anh có góp ý thì vợ gạt đi thẳng thừng nói anh không có khiếu thẩm mỹ.

Đỉnh điểm là một lần anh có nhắn vợ tranh thủ hoàn thiện cho xong, để con cái về nhà, chứ ở bên ông bà nội cũng bất tiện nhiều thứ. Thế mà vợ giận, cho thợ nghỉ làm luôn mấy ngày, còn nhắn anh thích thì về tự làm, tự sửa.

Anh muốn than trời, chuyện đặt thợ do vợ quyết, chuyện thi công cũng do vợ quyết, giờ bỏ dang dở thì anh biết xử lý sao. Cuối cùng anh xuống nước năn nỉ làm cho xong, để các con về sớm sớm.

Cứ mỗi lần tân trang lại nhà, anh lại phải mấy lần dỗ dành vợ - Ảnh minh họa

Cứ mỗi lần tân trang nhà, anh lại phải mấy lần dỗ dành vợ - Ảnh minh họa

Ngày hoàn tất, vợ anh tự hào khoe với anh "mọi thứ đã long lanh". Anh nhìn qua nhìn lại, thấy cái kệ sách đã bị dỡ, dời vào tít góc nhà, cái bàn làm việc của anh trong phòng ngủ, nay xếp xó, cái ghế dựa bằng da êm êm nay bị đổi thành loại ghế mây tre rất cầu kỳ, nhưng đã không còn khiến anh thoải mái.

Chưa kịp nói gì, thì vợ đã ghé vào tai anh thủ thỉ: “Sang năm có tiền, em quyết cải tạo cái sân thượng. Mình làm bàn trà trên đó, trồng hoa với cây ăn trái nhé”. Anh gật gật mà mặt méo xệch. Anh tưởng tượng ra cảnh phải vác từng bao đất lên để trồng cây, trồng cỏ. 

Cứ gần tết là như thế, vợ anh sẽ “đập đi xây lại”. Biết là vợ vất vả, vun vén cho tổ ấm, cửa nhà. Nhưng không phải lúc nào thay mới cũng là tốt, mỗi năm nghe đến kế hoạch sửa nhà của vợ là anh và các con lại ngán ngẩm lắc đầu...

B.Trọng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI