Cứ "ế" thì phải là trụ cột kinh tế?

21/10/2022 - 11:20

PNO - Giá như các anh chị chịu đặt mình vào vị trí của tôi một chút, họ sẽ biết rằng để kiếm được một đồng tiền, tôi đã phải vất vả thức khuya, dậy sớm, luôn phải đúng giờ, luôn phải chịu đồng nghiệp ức hiếp, luôn phải đề phòng, luôn phải cố gắng...

Nửa đêm, chị gái gọi điện, gấp gáp yêu cầu tôi chuyển 3 triệu đồng về đóng viện phí cho bố.

Tôi cáu: “Bố mẹ có mỗi mình em là con hay sao? Ba triệu đâu lớn tới mức buộc em chuyển ngay. Chị có biết ngày nào cũng gần một giờ sáng em mới được buông việc để ngủ hay không?”.

Tôi lớn tiếng, vì đây không phải lần đầu, mà là rất nhiều lần rồi, hễ cứ ai ốm đau, dẫu bệnh nhẹ hay phải đi viện, thì việc đầu tiên các anh chị làm là gọi cho tôi để yêu cầu chuyển tiền.

Không phải tôi không lo lắng khi cha mẹ đau ốm, mà do lâu nay số tiền dù chỉ một - hai triệu, các chị cũng chờ tôi. Họ đâu có khó khăn hay thiếu tiền, mà chỉ vì một lẽ đơn giản: tôi có lương cao và chưa lấy chồng. Một cô em gái độc thân bỗng nhiên thành trụ cột kinh tế, hễ cứ có việc gì liên quan đến tiền là tôi bị... gõ đầu.

Tôi còn độc thân, nhưng không được thảnh thơi như mọi người vẫn nghĩ.
Tôi độc thân, nhưng kiếm tiền không dễ dàng, cũng chẳng thảnh thơi như mọi người vẫn nghĩ (Ảnh minh họa)

Tôi năm nay 32 tuổi, công việc ổn định. Thu nhập của tôi nếu so với số đông bạn bè cũng chỉ tạm ổn, nhưng với những người ở quê thì được coi là cao. Chuyện kết hôn, vì duyên muộn nên tôi chưa gặp được người chung lòng xây mái ấm. Nhưng chính điểm này khiến tôi bị gia đình lợi dụng.

Các chị gái tôi ở quê đều đã lấy chồng, con cái lớn rồi. Anh trai cũng đã lấy vợ, sinh con. Tôi không hiểu tại sao các anh chị cứ nghĩ tôi kiếm được tiền dễ dàng như... đi nhặt vậy.

Vừa rồi, cô cháu gái con chị Hai chuẩn bị lấy chồng. Cháu nhắn tin riêng cho tôi, xin tôi mừng cưới một cái “kiềng” vàng, loại kiềng mà các cô gái lấy chồng ở quê đều được mẹ chồng tặng. Điều này nằm ngoài dự kiến của tôi. Vì là đứa cháu đầu tiên trong nhà cưới, nếu tôi tặng cháu món quà như cháu đòi, thì sẽ thành tiền lệ. Tôi đâu chắc sau này mình đủ tiền để lo quà cưới lớn cho đám cháu tiếp theo.

Lại nữa, anh trai tôi đã lấy vợ, nhưng chẳng chí thú làm ăn, chỉ suốt ngày ngóng tôi gửi tiền về. Con anh đi viện, anh nhắn xin tôi. Hết tiền mua sữa, anh cũng gọi tôi. Thế nên khi bố mẹ ốm, anh ta chẳng thể đứng ra lo gì được, lại đùn đẩy các chị gái nhắn gọi cho tôi.

Lạ nhất là, không chỉ người thân trong gia đình, mà nhiều người bà con chòm xóm cũng hỏi vay tiền tôi để làm ăn hay xây nhà. Tôi từ chối thì họ nói: "Bao nhiêu năm đi làm, chồng con không có, tiền chẳng để dư ra hàng tỷ ấy chứ!”

Chưa dừng lại ở chuyện tiền nong, tôi còn phải đứng ra hòa giải những mâu thuẫn của các chị với nhau, rồi các chị với anh trai tôi. Có lần, dù bận rộn với các "deadline", tôi vẫn phải về quê một chuyến, đến từng nhà các chị để phân xử các tranh chấp, cãi cọ, vì nói qua điện thoại hay mạng xã hội là họ không nghe.

Vì họ luôn “dư cái tâm”, nên mỗi lần tôi kết nối điện thoại hay về nhà, việc thứ nhất họ hỏi tôi lương tăng được bao nhiêu, việc thứ nhì họ giục tôi “lấy chồng đi, phiên phiến lên, kỹ tính quá rồi ế dài ra rồi đấy”. Còn hễ cứ thấy một cuộc gọi đến nào từ các anh chị, tôi lại rùng mình nghĩ: "Lại có chuyện rắc rối và phải gửi tiền rồi đây!".

Cùng là phụ nữ, tôi ước gì các chị thấu hiểu và động viên tôi nhiều hơn.
Cùng là phụ nữ, tôi ước gì các chị thấu hiểu và động viên tôi nhiều hơn (Ảnh minh họa)

Giá như các anh chị chịu nghĩ cho người khác một chút, chịu đặt mình vào vị trí của tôi một chút, họ sẽ biết rằng để kiếm được một đồng tiền, tôi đã phải vất vả thức khuya, dậy sớm, luôn phải đúng giờ, luôn phải chịu đồng nghiệp ức hiếp, luôn phải đề phòng, luôn phải cố gắng...

Còn chuyện hôn nhân, tôi nào muốn cô đơn, mà vì duyên chưa tới. Tôi cũng muốn gặp một người để yêu và được yêu thương lắm chứ, nhưng anh chị không động viên tôi lấy một từ chân thành, mà chỉ giục giã như muốn hối để không mang tiếng nhà có gái ế. Có người còn so sánh: "Các cháu nó lấy chồng rồi đấy, dì không thấy quê độ à?"

Nhiều khi nghĩ đến các chị, tôi rơi nước mắt tủi thân. Cũng là phụ nữ, là chị em trong nhà, lẽ ra họ nên thấu hiểu, cảm thông, động viên đứa em gái muộn màng tình duyên, chứ không phải vừa coi thường vừa vòi vĩnh, đòi hỏi tiền bạc...

Ngân Giang

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
  • Trương Mỹ Hương 24-10-2022 05:12:45

    Bạn cứ thẳng thừng từ chối, thế là xong. Vì bạn dễ dãi, ôm đồm quá nên cả nhà xúm lại xem bạn như cây ATM, lúc cần là rút. Hãy tích lũy cho riêng mình để phòng thân, chỉ nên trợ giúp khi Bố Mẹ đau ốm thôi. Càng độc thân càng nên lo cho mình vì anh em ruột nhưng ai cũng lo cuộc đời riêng của họ thôi.

  • Nguyễn Hoàng Trâm 23-10-2022 11:17:05

    Hiện nay tôi cũng bị tình trạng như bạn, tất tần tật chuyện lớn chuyện nhỏ tôi đều phải ôm đồm hết, các chị em khác đều có tiền nhưng họ không chịu bỏ ra đồng nào khi có việc cần chi tiêu cho cái chung ví dụ như sửa nhà của cha mẹ, thuê người chăm sóc cha để có thể đi làm 1 mình tôi phải cán đáng hết, chưa kể, một cô em gái không chịu đi làm gì hết một tháng tui phải chuyển cho 10tr để lo cho con nó, nếu không nó sẽ bán nhà. Thà một tháng tôi mất cho nó 10tr chứ nó mà bán nhà rồi ăn hết tiền, xong kéo về nhà của ba mẹ tôi mà sống thì lại là đại họa cho tôi thêm vì lúc đó sự tốn kém không còn giới hạn nữa. Trong khi tôi còn 6 anh chị em khác, nhưng họ có gia đình rồi nên mặc kệ.

  • Nguyen huu duc 21-10-2022 20:38:50

    Bạn ơi, tui còn độc thân nè

  • trương thị minh hường 21-10-2022 13:42:19

    Qua câu chuyện của em ,tôi rất thông cảm và hiểu được,vì chính tôi cũng có hoàn cảnh tương tự. Thật ra cũng một phần do bản thân mình,sống tình cảm quá,cả nể quá.Mang tiếng là anh chị em ruột thịt đó nhưng họ sống ích kỷ,có thái độ ỷ lại. Thôi thì còn cha mẹ thì mình lo được gì thì lo cho cha mẹ thôi,cha mẹ mất rồi,lúc đó mà bạn không có khoản tiền phòng thân thì bạn sẽ hụt hẫng thật nhiều, anh chi còn chưa thương mình chứ đừng nói tới cháu!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI