Việc giới thiệu sách cho con hoàn toàn có thể bắt đầu ngay từ những ngày đầu sau sinh. Tuy vậy, việc đọc cùng con mỗi ngày được tôi thực hiện từ khi con được hai tháng. Theo tôi đây là mốc phù hợp để mẹ hồi sức sau sinh và thị giác của con cũng đã phát triển tốt hơn để có thể nhìn được nhiều hình ảnh và màu sắc.
|
Con trai tác giả rất thích đọc sách cùng mẹ |
CHỌN SÁCH CHO CON
Rất nhiều cha mẹ chọn truyện cổ tích, hay những câu chuyện dài khi bắt đầu đọc sách cùng con. Tuy nhiên, ở giai đoạn dưới một tuổi, khả năng tập trung theo dõi sách của con chỉ được một vài phút, thị giác của con cũng chưa hoàn thiện, mới chỉ nhìn được những hình ảnh to, rõ nét. Do đó, nếu bắt đầu với những câu chuyện dài, con sẽ rất nhanh chán và không muốn theo dõi. Cha mẹ cũng vì thế mà dễ nản khi đọc cùng con. Các dòng sách lý tưởng để bắt đầu đọc cùng con ngay từ khi con còn nằm ngửa là: sách vải, sách bìa cứng, sách ehon. Cả ba dòng sách này đều có điểm chung là ít chữ, hình ảnh to, bắt mắt tạo hứng thú cho con và cha mẹ khi đọc.
Sách vải là dòng sách được làm hoàn toàn bằng vải, rất nhẹ, và có thể giặt được. Đặc trưng của sách vải là ngoài các hình ảnh rõ nét giúp phát triển thị giác, sách còn có các chi tiết kích thích thính giác của con như: chút chít, chuông, và các trang sách cũng phát ra tiếng động khi con chạm vào, khi con lật giở hay chơi cùng sách. Với sách vải, con hoàn toàn có thể tự “chơi” ngay từ khi còn nằm ngửa.
Sách bìa cứng là sách với các trang được làm từ bìa cứng, dày dặn và khó rách. Với dòng sách này, ngoài việc đọc cùng con, cha mẹ cũng có thể dựng sách xung quanh để con tự xem. Sách bìa cứng cũng rất phù hợp để khuyến khích con học cách lật giở, luyện vận động tinh (vận động của đôi bàn tay) ở giai đoạn chín tháng.
Sách ehon đặc trưng với hình ảnh và màu sắc bắt mắt hơn so với sách vải và sách bìa cứng. Sách ehon có rất nhiều chủ đề khác nhau về hình khối, màu sắc, kích thước, tương phản… để cha mẹ lựa chọn. Ngoài ra, còn có những dòng sách ehon với các câu vần điệu, từ láy, các câu lặp đi lặp lại giúp phát triển ngôn ngữ và tạo hứng thú cho con.
|
Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto |
ĐỌC NHƯ THẾ NÀO?
Cách dễ nhất khi đọc sách cùng con là cứ đọc theo các câu chữ trong sách. Ngoài ra, cha mẹ có thể tạo âm thanh mô phỏng con vật, phương tiện khi đọc sách về các chủ đề này. Cha mẹ cũng có thể nhìn theo trang sách và mô tả về các hình ảnh, ví dụ: “Đây là con voi, con voi có cái tai rất to, cái vòi dài”, “Đây là một đoàn tàu dài với rất nhiều toa tàu”, “Đây là bông hoa màu đỏ”…
Khi đã chọn đúng sách, đọc đều đặn nhưng con vẫn chưa thích sách thì sao? Có rất nhiều cha mẹ đọc cùng con được một vài tuần, thậm chí một vài ngày thì nản và dừng đọc vì thấy con không nhìn sách, không tương tác nhiều. Tuy vậy, con vẫn đang “đọc” và học theo cách của riêng con. Cha mẹ đừng vội nản mà hãy cứ đọc tiếp.
Hôm nay con nhìn theo một trang sách, hôm nay con để ý mẹ đang đọc sách, hôm nay con đã chỉ vào một hình ảnh trong sách, tất cả đều là sự tiến bộ mỗi ngày của con. Tôi đọc hằng ngày cùng con từ khi con được hai tháng, nhưng đến bốn tháng sau, khi con được sáu tháng tuổi, con mới bắt đầu chủ động bò đến xem sách. Có một lưu ý là rất nhiều cha mẹ vì sợ con làm hỏng, rách sách mà cất sách lên cao để con không với được.
Tuy nhiên điều này vô tình làm cản trở sự tò mò của con với sách. Hãy cứ để sách thật thấp, thật gần xung quanh con, trên giường của con, để con có thể tự xem bất cứ khi nào con muốn. Đó là cách khơi gợi trí tò mò, tính hiếu kỳ của con, giúp con hứng thú với sách. Vì đôi tay còn vụng, sách bị rách là điều hoàn toàn bình thường khi con làm quen sách từ nhỏ.
|
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz |
Thay vì phàn nàn “con cứ xé thôi chẳng đọc”, “sao con xé sách vậy”, hãy cứ nói cho con biết “đây là sách, mình giở sách như thế này nhé” và cho con xem cách bố mẹ giở sách. Không phải con xé sách, không phải con cố tình đâu, chỉ là con đang tìm hiểu, con đang tò mò muốn xem sách mà thôi. Cha mẹ có thể đưa cho con những cuốn sách vải, sách bìa cứng để con tự chơi khi không có bố mẹ đọc cùng, như vậy sẽ vừa hạn chế việc rách sách, vừa giúp nuôi dưỡng tình yêu của con với sách.
Ngoài ra, với những bé vào thời kỳ nhạy cảm, con thích xé giấy, cha mẹ hãy đưa cho con những tờ giấy cũ để con thỏa mãn giai đoạn này.
Cứ đọc sách cùng, rồi con sẽ thích. Cứ để vừa tầm, con sẽ tự xem. Tôi luôn tin như thế. Khi hơn một tuổi, con có thể ghi nhớ và đọc theo cả cuốn sách.
Hiện tại, khi gần ba tuổi, con có thể tự cầm sách đọc một mình, rồi cười vui với bất kỳ chi tiết nào con thích. Nhìn con vui vẻ bên trang sách, tôi tin rằng con đã có một hoạt động giải trí lành mạnh thay vì ti vi, điện thoại. Và hơn hết, con tìm thấy niềm vui từ sách, sách sẽ là chỗ dựa, là nơi an trú cho con trên đường đời.
Nguyễn Huyền