Củ đậu mẹ nấu, ăn hoài không ngán

26/11/2021 - 07:01

PNO - Củ đậu đã luôn gắn bó với chúng tôi suốt một thời thơ bé nghèo khó bởi đơn giản vì đó là một loại thực phẩm có sẵn và rất rẻ…

Củ đậu còn gọi là củ sắn hay sắn nước. Theo các nhà khoa học, đây là loại thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho cơ thể, rất tốt cho hệ tiêu hóa, hệ tim mạch, giúp xương chắc khỏe, giải nhiệt, giải độc, giải rượu, giảm cân… và còn có tác dụng làm đẹp da. 


Tuy vậy, từ rất lâu rồi, dù chẳng biết đến những lợi ích tuyệt vời này, củ đậu đã luôn gắn bó với chúng tôi suốt một thời thơ bé nghèo khó bởi đơn giản vì đó là một loại thực phẩm có sẵn và rất rẻ… 

Dạo ấy, mỗi khi đi công tác từ nông thôn về, mẹ thường mua cả chục ký củ đậu tươi rói, còn nguyên chùm lá xanh. Chúng tôi háo hức ngồi quanh, kiên nhẫn chờ mẹ lột từng miếng vỏ vàng nâu bên ngoài, để lộ ra lớp thịt trắng như sứ bên trong. Vừa làm, mẹ vừa bày cách chọn củ đậu ngon. Mẹ nói, đừng ham những củ to, già sẽ nhiều xơ. Nên chọn củ nhỏ hay vừa, vỏ có màu nâu sáng, nhẵn nhụi, không hư thối. Cầm củ đậu trong tay, nếu to mà nhẹ thì đó là củ xốp, do đã để khá lâu, mất nước, không ngon lành gì…

Mẹ rửa củ đậu qua nước sạch, cắt ra từng khoanh. Mỗi đứa cầm một miếng, chấm vào đĩa muối ớt, nhai rau ráu. Đây là món quà ưa thích của trẻ con thời đó vì củ đậu sống vừa ngọt thanh, lại giòn vừa mát. Số củ đậu còn lại, mẹ để dưới gầm giường, dành làm thức ăn cho những bữa cơm hằng ngày.

Củ đậu xào là món ăn mẹ hay nấu nhất, bởi cách chế biến đơn giản. Củ đậu lột vỏ, rửa sạch, xắt thành từng lát dài, mỏng. Đặt chảo mỡ lên bếp, phi hành cho thơm rồi cho củ đậu vào đảo nhanh chừng vài phút, nêm gia vị vừa ăn. Khi đó, chúng tôi sẽ có món “củ đậu xào tái”, ăn hơi sực sực. 

Lúc khác, mẹ để lửa vừa, xào thêm một thời gian nữa cho mềm để có món “củ đậu xào mềm”. Thỉnh thoảng, mẹ “chơi sang”, cho thêm vào chảo xào một quả trứng gà. Đến mùa ruốc, chúng tôi còn được ăn món củ đậu xào ruốc. Ngồi vào mâm, nhìn những miếng trứng vàng ươm hay những con ruốc hồng trộn lẫn với những lát củ đậu trắng trong, chưa ăn đã ứa nước miếng. Bây giờ, dù ăn món củ đậu xào thịt bò hay xào thịt nạc, tôm nõn… sao vẫn không thấy ngon như món xào của mẹ ngày ấy. 

Mùa củ đậu, mẹ hay cho cả nhà ăn món củ đậu kho. Hồi đó làm gì có thịt ba chỉ để kho như bây giờ, mẹ chỉ kho với mắm hay xì dầu và chút đường. Mẹ nấu củ đậu hơi lâu cho mềm, cho thấm gia vị. Trước khi nhấc xuống, mẹ rắc chút tiêu. Chỉ vậy mà khi đi học về, ngồi vào mâm, chúng tôi chén tì tì ba chén cơm một cách ngon lành. 

Cách vài ngày, mẹ nấu canh củ đậu. Có khi là từ món xào, mẹ cho thêm nước thành canh. Cũng có khi, mẹ cắt củ đậu thành hình vuông, lúc to như quả trứng cút, lúc nhỏ như quân cờ, rồi hầm nhừ… Thêm tí bột sắn, xíu cà ri… thế là chúng tôi có món “cà ri củ đậu” thơm lừng. 

Món gỏi củ đậu
Món gỏi củ đậu đơn sơ nhưng là bữa tiệc với chúng tôi ngày đó

Để đổi món cho đỡ ngán, ngày Chủ nhật, mẹ đãi cả nhà món “gỏi củ đậu”. Mẹ xắt củ đậu thành những lát mỏng rồi trộn với chút muối, chanh, đường và tỏi. Thêm ít đậu phụng rang giã nát. Hôm nào có món này ăn với bánh tráng nướng, với chúng tôi, đó là những bữa tiệc. 

Tiệc củ đậu còn là món bánh xèo mẹ làm vào những ngày mưa lạnh. Từ tối hôm trước, mẹ đã ngâm gạo để hôm sau đem đi xay. Nhân bánh xèo cũng là củ đậu xắt nhỏ, cùng với vài con tép sông thật tươi. Ngồi cạnh mẹ trong gian bếp nhỏ, lần lượt đưa chén, đón nhận những cái bánh xèo nóng hổi, giòn rụm mẹ vừa đúc, ăn với nước chấm chua chua ngọt ngọt mẹ làm, với chúng tôi ngày ấy, ngon không gì sánh bằng. Sau này, mỗi khi ăn các loại bánh xèo nhân tôm thịt, nhân mực… tôi lại nôn nao nhớ món bánh xèo củ đậu của mẹ ngày ấy… 

Giao Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI