PNO - Lựa chọn đó, quyết định đó, phản xạ đó đã có từ trước, trong hành trình sống của người tài xế, có trong quan điểm sống và ngấm ngầm quy định chuỗi lựa chọn trong anh. Để trong tình huống ngặt nghèo này, nó phát huy mạnh mẽ.
Chuyện xảy ra chiều 29/3, tại tuyến đường 359C qua xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Cùng di chuyển trên một làn đường, hai nữ sinh đột ngột ngã ra tim đường ngay trước đầu xe tải. Anh Đỗ Văn Tiến đánh lái sang trái. Chỉ trong một giây, chiếc xe tải lao lên lề trái, va quẹt hai chiếc ô tô đậu trên đường rồi ngã nhào giữa đường. Còn lại ở phần đường vừa được tránh một cách ngoạn mục, hai cô gái bình an vô sự đứng dậy, tiếp tục hành trình. Anh Tiến tỉnh lại trong chiếc xe tải đã ngã nhào, đứng trước nguy cơ bồi thường hàng trăm triệu cho chủ nhân hai chiếc ô tô, và trở thành "anh hùng cứu hai nữ sinh" khi đoạn clip về cú đánh lái lan truyền trên mạng.
Hình ảnh cắt từ đoạn clip về cú đánh lái của tài xế Đỗ Văn Tiến
Có rất nhiều bàn luận trái chiều. Với số đông, đó là một cú đánh lái xuất thần, một hành động cứu người quên mình, và một pha xử lý hoàn hảo. Nhưng không ít người cho rằng, đó chỉ là một phản xạ - bất kỳ một tài xế nào cũng sẽ xử lý như thế khi bất ngờ gặp chướng ngại vật. Có người còn không xem xét cú đánh lái như một pha xử lý mà kiên quyết cho rằng đó đích thực là một hậu quả ghê gớm - hậu quả của việc không làm chủ tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn. Và hậu quả nối tiếp là hai ô tô hư hỏng nặng, còn xe tải thì ngã nhào giữa đường. Bàn sâu về kỹ năng xử lý tình huống của một tài xế, có người thậm chí còn cho rằng đó là lựa chọn phản tự nhiên, vì nó sẽ cứu người sai luật và rất có thể giết chết người vô tội ở hướng bị chọn để đánh tay lái sang.
Khi phía biết ơn cụ thể hoá quan điểm của mình bằng cách kêu gọi quyên góp giúp anh tài xế bồi thường thiệt hại của cú đánh lái, cuộc tranh luận tiếp tục nổ ra gay gắt hơn trên những diễn đàn ô tô, và các trang mạng chia sẻ kinh nghiệm đi đường của các tài xế. Hành động biết ơn của phần đông người dân bị cho là cổ suý cho việc mất kiểm soát tốc độ dẫn đến đánh lái vô tội vạ, rằng việc không thiệt hại về người chỉ là ăn may...
Xem đi xem lại clip, tôi hoàn toàn choáng ngợp trước tích tắc tạo nên tình huống đó. Hầu như chỉ có một giây cho toàn bộ các diễn biến: xe máy ngã, xe tải tiến sát và đánh lái, leo lên đường, va quẹt vào ô tô… Suýt chết và thoát chết. Đâm thẳng và đánh lái. Cứu người và gây tai nạn. Chỉ trong một khoảnh khắc. Trước đó, chiếc xe máy không hề có một tín hiệu là… sẽ ngã. Trong vỏn vẹn một khoảnh khắc đó, mọi hành động của tài xế xe tải đều chỉ có thể là một phản xạ. Tôi nghiêng về phía cho rằng quyết định của anh tài xế là một phản xạ. (Dĩ nhiên, khi quyết định đó được thực hiện thì nó đã diễn ra với một kỹ thuật ngoạn mục.)
Người ta có căn cứ để gọi đó là một hành động liều lĩnh và bất chấp khi tài xế đã không thể nắm hết tình hình phía anh đánh lái sang. Trong khi, việc đâm thẳng vào hai cô gái là "thuận tự nhiên", là do lỗi đã diễn ra trước đó của hai cô gái. Và không ai trách hay buộc tội anh được, nếu cú đâm thẳng và đạp thắng không cứu được hai cô gái.
Có điều, như tôi đã nói bên trên, hình như suy nghĩ của con người không thể kịp phân vân thiệt hơn trong tích tắc kinh hoàng đó. Cú đánh lái hay pha đâm thẳng + đạp thắng lúc này không thể bị điều kiện hoá bởi những thiệt hơn, những phân tích đúng sai, "đáng chết hay không đáng chết". Người ta có thể cho rằng anh Tiến mù quáng khi anh đánh lái mà chưa biết hết bên trái có gì, mà họ quên mất rằng, anh đã rất rõ phía mình tránh đi đang có gì. Đó là hai mạng người. Đánh lái không biết sẽ ra sao, nhưng đâm thẳng chắc chắn sẽ lấy đi hai con người.
Bánh xe tải sượt qua đầu hai cô gái ngã ra đường
Và quả thực, (dù cú đánh lái có gây hậu quả tệ hơn), thì phản xạ của anh Tiến cũng đã cứu mạng hai cô gái. Tôi vẫn chưa quên rằng tình huống đó quá gấp để anh Tiến có thể phân vân giữa cái anh biết (hai cô gái) và chưa biết (tình hình giao thông bên trái). Vậy nên, nó chính xác là một phản xạ. Nhưng là một phản xạ có điều kiện. Lựa chọn đó, quyết định đó, phản xạ đó - đã có từ trước, trong hành trình sống của người tài xế, nó có trong quan điểm sống và ngấm ngầm quy định chuỗi lựa chọn trong anh. Để trong tình huống ngặt nghèo này, nó phát huy mạnh mẽ. Đó là phản xạ trước tai hoạ mà mình giữ vai trò quyết định.
Bạn sẽ thấy tình huống này rất quen, nếu gọi tên chúng như một sự lựa chọn giữa một bên là cứu mình và chắc chắn thiệt hại cho người một-cách-hợp-lẽ, một bên là giúp người và rất có thể sẽ thiệt hại cho mình. Và khi tình huống diễn ra trong điều kiện ngặt nghèo như của anh Tiến - nó thách thức một cách tuyệt đối bản năng cứu người. Tình huống anh tài xế Tiến gặp phải làm tôi liên tưởng đến một chuỗi những tình huống mà người ta phải lựa chọn trong ngày, nhất là những người giữ vai trò quyết định vận mệnh người khác. Nó giống như những bác sĩ lao vào cứu người bất chấp những rủi ro về thủ tục, quy trình, quy định nghề nghiệp và cả… tính mạng của người bệnh. Chỉ vì, vị bác sĩ ấy biết chắc nếu không làm vậy, thì bệnh nhân sẽ chết.
Nó giống như một vị thầy giáo kiên quyết "dung túng" cho một học sinh sa ngã lên lớp, bất chấp những quy định nghiêm ngặt của nhà trường, và cả nguy cơ em học sinh ấy tiếp tục sa ngã. Chỉ vì, người thầy đó biết, nếu không làm vậy, đứa học trò sẽ vĩnh viễn mất cơ hội được lớn lên một cách bình thường.
Nó giống như việc bạn chọn ở cạnh một người thân đầy rủi ro do mắc rối loạn tâm thần. Chỉ vì bạn biết rằng, nếu không làm thế, cái xui rủi nọ chắc chắn sẽ đến với con người ấy.
Sau cú tránh hai cô gái đi xe máy, chiếc xe tải bị lật ngang
Mà, nếu vị bác sĩ không lao vào cứu người, người thầy không "dung túng" cho học trò, và một người không ở cạnh người thân mắc rối loạn tâm thần - thì cũng không ai trách được họ cả, vì việc ấy đã hợp lẽ, và đúng quy trình.
Tình huống của anh Tiến cũng vậy. Chỉ khác ở chỗ, anh Tiến không được lựa chọn ngay thời điểm đó. Anh đã lựa chọn từ trước trong những "điều kiện" lương tri đã làm nên phản xạ có điều kiện đó.
Trong khi, sự vô cảm hầu như đã thống trị thế giới này. Tài xế gây tai nạn rồi bỏ chạy thoát thân, từ bỏ cơ hội cứu sống nạn nhân. Tài xế gây tai nạn rồi thậm chí còn lùi xe tông thêm lần nữa đoạt mạng nạn nhân, để giảm bớt gánh nặng đền bù cho mình. Đó là những tình huống hoàn toàn khác tình huống của anh tài xế Tiến. Nhưng họ cũng đã đối diện những phạm trù như nhau: sự yên ổn của mình và bình yên của người khác.
Tôi cũng từng được chứng kiến nhiều lựa chọn như thế. Những quan chức làm ngơ với bi kịch trong phạm vi quản lý của mình dù biết chắc hậu quả của nó, chỉ để giữ một nhiệm kỳ yên ổn. Thầy hiệu trưởng bỏ rơi giáo viên của mình trước sức ép của phụ huynh, dù biết chắc lựa chọn ấy sẽ đẩy nhân sự của mình vào tình huống ngặt nghèo hơn. Rồi cả những người cũng từng ở vai trò nạn nhân của cùng một "thế lực", đến khi khắc phục được tình trạng của riêng mình, lại thẳng thừng từ chối cuộc đòi công bằng của những người đồng nạn, vì… không muốn phiền phức.
Và từng con người trong xã hội này, ai chẳng từng đứng trong một ngã ba mà rẽ trái thì mờ mịt, mà rẽ phải thì chắc chắn sẽ sát thương người khác.
Tránh làm điều mà mình biết chắc là sẽ gây hại cho người tưởng là một lẽ đương nhiên, giống như hành động đánh lái của anh Tiến được nhiều người cho rằng là phản xạ, ai trong tình huống đó cũng sẽ làm vậy - nhưng dường như đã trở thành một nghĩa cử cao quý, và xa xỉ. Nó trở nên đáng quý, có khả năng làm ấm lòng bao người, thậm chí trở nên khó tin giữa thời cuộc.
Chính dòng suy nghĩ này đã đưa một người ở phía tin rằng cú đánh lái là một phản xạ như tôi trở nên đồng cảm lạ lùng với những người xem anh Tiến như một anh hùng. Sự đồng cảm này xuất hiện ngay cả khi tôi chưa kịp hiểu ra cái "lẽ anh hùng" trong một hành động có tính phản xạ này. Và sự đồng cảm vẫn mạnh mẽ ngay cả khi tôi rùng mình nghĩ đến giả thiết bên trái cũng có người. Phản xạ của anh Tiến có thể rất đúng (như hiện tại) hoặc rất sai (nếu bên trái cũng có người).
Cũng giống như hành động "dung túng" của thầy giáo có thể rất đúng nếu người học trò ấy nên người, hoặc rất sai nếu cậu ấy tiếp tục gây hoạ. Hay vị bác sĩ có thể được tung hô nếu bệnh nhân được cứu sống, hoặc bị chỉ trích và loại bỏ khỏi môi trường y khoa vì những vô quy tắc, sai quy trình nếu hành động đó không cứu được mạng người. Nhưng, về mặt tâm lý và tư tưởng, phản xạ ấy của anh Tiến, cũng như những quyết định của người thầy, vị bác sĩ nọ - lại có tính cứu rỗi vô cùng trong xã hội nhiều lý lẽ và ít lương tri này.
Những người đã chia sẻ rằng họ thấy ấm lòng trước cú đánh lái mà ngợi ca anh Tiến, có thể họ cũng chưa hiểu hết những diễn biến đã làm nên niềm ngưỡng mộ nọ. Có thể, họ cũng đuối lý trước những phân tích thiệt hơn, những nguyên tắc xử lý tình huống của một tài xế mẫu mực đang được trình bày chặt chẽ trên các diễn đàn. Có điều, giữa những diễn biến ngày càng đi xa niềm tin nguyên thuỷ của con người về lòng nhân, thì người ta có quyền nhìn vào phản xạ tức thì và ngoạn mục này như một biểu hiện hồn nhiên của nó (lòng nhân), giữa xã hội này.