PNO - Không chịu nổi sự ô nhiễm do bãi rác An Hiệp gây ra, mới đây, người dân 2 xã An Hiệp và An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đã kéo nhau ra đường chặn xe chở rác vào bãi. Ở các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, rác được chất thành núi trong bãi rác lộ thiên khiến mỗi bữa ăn, cư dân phải giăng mùng ngăn ruồi.
Bà Trương Thị Sáu - 76 tuổi, ở ấp 9, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre - bức xúc: “Nhà tôi cách bãi rác mấy trăm mét, mỗi khi có luồng gió thổi qua là hứng trọn mùi hôi thối của bãi rác An Hiệp. Mùi hôi càng ngày dữ dội bởi lượng rác đổ về đây ngày càng nhiều nhưng không được xử lý chu đáo”.
Bà Trương Thị Sáu - nhà cạnh bãi rác An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre luôn khốn khổ với nạn ruồi bu thức ăn - Ảnh: Huỳnh Lợi
Đưa chúng tôi đi một vòng xung quanh bãi rác An Hiệp, anh Tần Tấn Đạt - ở xã An Hiệp, huyện Ba Tri - chỉ các mương nước đen ngòm từ bãi rác chảy ra khiến các ao nuôi tôm sú, tôm thẻ nằm cạnh đó phải bỏ hoang do ô nhiễm: “Nhà tôi có 4 công rưỡi ao tôm nhưng 2 năm nay phải treo ao. Mấy năm nay, nhiều gia đình không ăn chung được bữa cơm bởi vừa dọn lên là ruồi bu đen kịt. Người lớn, trẻ nhỏ phải bưng tô ăn riêng để chạy ruồi, muốn ăn chung mâm thì phải giăng mùng. Khổ nhất là mỗi lần có đám giỗ, chưa kịp cúng thì ruồi đã kéo đến đậu kín thức ăn, không cách gì đuổi được”.
Anh Trần Văn Phú (xã An Đức) kể, cách nay 13 năm, ngành chức năng về đây mua khoảng 3ha đất để làm bãi rác. Lúc đó, các xe lấy rác trong huyện Ba Tri chở rác về đổ tràn lan mà không chôn lấp, không đốt, không xây tường rào nên mùi hôi bốc lên nồng nặc. Bà con đã nhiều lần phản ánh lên các cấp chính quyền nhưng không ăn thua. Mãi đến gần đây, ban quản lý nhà máy rác An Hiệp mới chịu làm tường rào nhưng vẫn để rác chất thành núi mà không đốt hay có cách xử lý nào.
Khoảng 8 tháng nay, khi nhà máy rác Bến Tre tạm ngưng hoạt động để sửa chữa, mỗi ngày, có thêm 150 tấn rác thải từ TP Bến Tre và huyện Châu Thành dồn về bãi rác An Hiệp, cộng với 50 tấn rác của huyện Ba Tri khiến bãi rác An Hiệp càng ô nhiễm trầm trọng hơn. Mùi hôi, nước bẩn, ruồi muỗi thi nhau tra tấn cư dân 2 xã An Hiệp và An Đức, làm đảo lộn cuộc sống, gây tổn hại cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con. Anh Phú bức xúc: “Giữa tháng 7/2023, bà con ở 2 xã này buộc lòng phải đứng ra chặn đường, không cho các xe rác từ TP Bến Tre và huyện Châu Thành vô đây đổ rác. Chúng tôi không còn cách nào khác để bảo vệ môi trường sống của mình”.
Thất thu lúa do ô nhiễm
Ở tỉnh Trà Vinh, rác ở các bãi rác xã Long Hiệp (huyện Trà Cú), xã Phương Thạnh (huyện Càng Long) được chất thành núi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ruồi xanh mặc sức sinh sôi. Người dân ở các xã này phải mua keo dán quanh nhà để diệt ruồi, giăng mùng khi ăn cơm. Ngành môi trường đã phun khử mùi ở các bãi rác nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn rất nghiêm trọng.
Bãi rác Long Hiệp có diện tích 1ha, là nơi tập kết rác cho cả huyện nhưng rác không được xử lý kịp thời. Bãi rác Phương Thạnh có diện tích 1,4ha, chia làm 2 bãi đổ, hoạt động từ năm 2013 đến nay. Rác ở 2 bãi này đã gần đầy, cao trên dưới 10m, nước rỉ ra đen ngòm, mùi hôi thối nồng nặc. Đã vậy, nhiều người sống bằng nghề nhặt phế liệu vẫn ngày ngày đào bới, khiến mùi hôi càng bị phát tán.
Có nhà nằm cạnh bãi rác Phương Thạnh, ông Thạch Ngọc Giang Sơn cho biết, bãi rác này có từ hơn 10 năm trước. Từ đó đến nay, người lớn, trẻ nhỏ trong xã phải hít thở không khí ô nhiễm. “Gia đình tôi có 4 công ruộng trồng lúa cạnh bãi rác nhưng toàn thất mùa, năng suất chỉ đạt khoảng 50% so với lúc chưa có bãi rác” - ông Sơn than.
Ông Từ Quốc Chiếm - có nhà gần bãi rác Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ - cho hay, những lúc mưa dầm, nguồn nước ô nhiễm từ bãi rác rỉ ra bên ngoài khiến các ruộng lúa xung quanh thường xuyên thất thu. Mỗi khi có gió mạnh thì mùi hôi xộc ra chịu không nổi.
Hôm chúng tôi đến khu chứa rác Hòa Phú (xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), mùi hôi thối nồng nặc bao trùm cả khu vực. Đặc biệt, do đang mùa mưa, nước thải rỉ ra xung quanh đen ngòm, gớm ghiếc. Khu chứa rác này có diện tích 47ha, với 4 bãi rác và các công trình phụ trợ như đường dẫn, đê bao, hồ chứa nước rỉ, đi vào hoạt động từ năm 1997.
Năm 2013, Công ty cổ phần Xây dựng Phương Thảo vận hành nhà máy xử lý rác Phương Thảo trong khu này với vốn đầu tư trên 200 tỉ đồng, công suất xử lý 200-300 tấn rác/ngày theo công nghệ châu Âu nhưng chỉ cầm cự được khoảng nửa năm rồi đóng cửa. Đến tháng 9/2016, nhà máy tái hoạt động và chuyển sang phương án đốt, nhưng cũng chỉ cầm cự được một thời gian rồi “trùm mền” do tiền thu từ xử lý rác không bù đắp nổi chi phí vận hành.
Từ khi nhà máy xử lý rác Phương Thảo đóng cửa, mỗi ngày, khu chứa rác Hòa Phú tiếp nhận khoảng 350 tấn rác thải nhưng chủ yếu được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, hễ rác đầy là đào ô, phủ bạt chống thấm rồi chôn lấp tiếp. Hiện, bãi rác số 1 và số 2 đã phủ đỉnh, trùm bạt để đó khoảng 10 năm nay. Riêng bãi rác số 3 (với sức chứa theo thiết kế là 200.000 tấn) bắt đầu tiếp nhận rác từ tháng 5/2020 và dự kiến đến tháng 6/2024 sẽ đầy, rác sẽ được đưa sang bãi số 4 liền kề.
Chưa có giải pháp xử lý rác căn cơ
Theo ông Ngô Thành Thía - Giám đốc Công ty cổ phần Công trình công cộng tỉnh Vĩnh Long - mỗi ngày, ngành môi trường tỉnh này tiếp nhận khoảng 350 tấn rác, trong khi công suất thiết kế của khu chứa rác chỉ khoảng 260.000 tấn/ngày. Dự kiến, trong quý I/2024, sau khi xây xong bờ bao đất xung quanh bãi rác chôn lấp hợp vệ sinh số 4, công ty sẽ khảo sát và xin chủ trương làm kè bê tông để ngăn tình trạng rỉ nước thải ra xung quanh.
Theo cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long, khoảng 3 năm nữa, tỉnh này sẽ không còn chỗ chôn rác - Ảnh: An Lâm
Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, rác thải ở huyện này đang bị ùn ứ, quá tải. Phòng này phải mượn bãi rác xã Long Hiệp để tập kết tạm rác của các xã lân cận và chờ giải pháp. Cũng do tình trạng ô nhiễm nên UBND tỉnh đã có chủ trương đóng cửa bãi rác này.
Toàn tỉnh Trà Vinh hiện có 18 bãi rác, bãi trung chuyển ở các huyện, cụm xã. Mỗi ngày, toàn tỉnh có khoảng 450 tấn rác thải sinh hoạt nhưng nhà máy xử lý chỉ đạt công suất chưa tới 50 tấn/ngày. Để giải quyết tình trạng ùn ứ rác thải, UBND tỉnh kêu gọi đầu tư dự án xây nhà máy xử lý chất thải rắn Trà Vinh, có diện tích hơn 10ha, nằm ở ấp Sâm Bua, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, công suất dự kiến 500 tấn/ngày, vốn đầu tư 1.896 tỉ đồng.
Ông Bùi Minh Tuấn - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre nhìn nhận, đang gặp khó khăn trong việc xử lý rác thải kể từ khi nhà máy xử lý rác thải Bến Tre đóng cửa để tái cơ cấu, khắc phục ô nhiễm môi trường. Dự kiến, phải đến đầu năm 2025, nhà máy này mới hoạt động trở lại. UBND tỉnh chủ trương tạm thời vận chuyển rác về bãi rác An Hiệp, nhưng bãi rác này chưa đáp ứng điều kiện môi trường khiến người dân bức xúc.
Trước phản ứng của người dân ở huyện Ba Tri, ngày 23/7, ông Nguyễn Minh Cảnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - đã ký văn bản công bố tình huống khẩn cấp về sự cố môi trường tại bãi rác An Hiệp. UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành liên quan áp dụng biện pháp khẩn cấp để khắc phục sự cố môi trường, phủ bạt các ô đã chôn lấp đầy rác để hạn chế nước rỉ rác, hạn chế mùi hôi, gia cố các vị trí nước rỉ, tăng cường phun xịt và vệ sinh môi trường, vận động người dân cùng chia sẻ khó khăn với chính quyền, tiếp tục ủng hộ phương án tiếp nhận, xử lý rác thải trong thời gian chờ thực hiện phương án tái cơ cấu và đầu tư nhà máy xử lý rác thải Bến Tre.
Người dân 2 xã An Hiệp và An Đức (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) lập chốt ngăn xe rác chạy vào bãi An Hiệp - Ảnh: Huỳnh Lợi
Vĩnh Long xây nhà máy xử lý rác 500 tỉ đồng
UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt với tổng vốn khoảng 500 tỉ đồng. Theo đó, địa điểm thực hiện dự án là khu liên hợp xử lý chất thải rắn Hòa Phú (xã Hòa Phú, huyện Long Hồ), thời hạn thực hiện dự án là 50 năm, quy mô nhà máy 7,63ha, công suất xử lý 500 tấn rác/ngày bằng công nghệ đốt, đảm bảo tỉ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%.
Cần Thơ xem xét mở rộng các bãi rác
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ cho biết, tổng lượng chất thải rắn toàn thành phố khoảng 700 tấn/ngày. TP Cần Thơ có nhà máy xử lý rác EB của Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB, đặt ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, xử lý hơn 550 tấn/ngày; có lò đốt rác ở xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, xử lý hơn 103 tấn/ngày.
Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác còn chậm khiến rác ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho người dân, nhất là ở nội ô quận Ninh Kiều. Ngoài ra, mỗi khi nhà máy xử lý rác EB bảo trì theo định kỳ thì công suất xử lý rác giảm còn 400 tấn/ngày khiến lượng rác dư ra hơn 150 tấn/ngày. Phương án giải quyết là chuyển số rác dôi dư này đến tạm trữ ở bãi rác xã Đông Thắng. Tuy nhiên, bãi rác này chưa được đầu tư đồng bộ, các lò đốt có nguy cơ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Do đó, UBND TP Cần Thơ giao UBND huyện Cờ Đỏ khẩn trương nâng cấp, mở rộng, cải tạo hạ tầng khu xử lý rác xã Đông Thắng, đồng thời kêu gọi đầu tư xây thêm khu xử lý rác thải.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre cũng đang nghiên cứu việc mở rộng bãi rác An Hiệp thêm 3ha nhằm tăng khả năng tiếp nhận, xử lý rác thải trong thời gian tái cơ cấu nhà máy xử lý rác thải Bến Tre (tới đầu năm 2025).
Chủ nhà máy xử lý rác thải ở Cà Mau than lỗ
Trong phiên giải trình với Thường trực HĐND tỉnh giữa tháng 4/2023 về giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, ông Huỳnh Quốc Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết, lượng rác thải toàn tỉnh trong năm 2022 khoảng 628 tấn/ngày. Tỉnh có 8 đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt ở 79/101 xã, phường, thị trấn. Tổng lượng rác đã tiếp nhận, xử lý hơn 80.890 tấn. Trong đó, hơn 7.300 tấn được chôn lấp tại bãi rác huyện Ngọc Hiển, số còn lại do nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau giải quyết.
Từ năm 2012 đến 2022, UBND tỉnh duyệt kinh phí từ ngân sách 280 tỉ đồng để các địa phương trả chi phí vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt. Đối với nhà máy xử lý rác TP Cà Mau, UBND tỉnh giao UBND TP Cà Mau kiểm soát khối lượng rác nhằm làm cơ sở thanh toán. Trong thời gian nêu trên, hơn 609.000 tấn rác thải được vận chuyển về nhà máy này, kinh phí thực hiện hơn 204 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đại diện nhà máy này cho rằng, mức giá 350.000 đồng/tấn được áp dụng từ năm 2015 đến nay, trong khi các chi phí đầu vào đều tăng nên trong 10 năm qua, nhà máy lỗ hơn 184 tỉ đồng. UBND tỉnh Cà Mau ghi nhận ý kiến trên và giao cho các sở, ngành chức năng tham mưu xây dựng định mức, giá dịch vụ xử lý rác thải tại nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau và chờ ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.
Cầu Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân thông xe giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và từng bước hoàn thiện phát triển mạng lưới giao thông khu vực.