Cư dân mạng Trung Quốc “cam kết không tự tử”

11/05/2013 - 19:35

PNO - PNO – Những ngày gần đây, hàng triệu người sử dụng Internet ở Trung Quốc đã đăng lên cam kết trực tuyến “không tự tử”.

Cu dan mang Trung Quoc “cam ket khong tu tu”

Cái chết của một nhân viên cửa hàng quần áo ở Bắc Kinh đã làm bùng lên sự phẫn nộ
trong giới trẻ Trung Quốc - Ảnh: AFP

"Tôi sẽ không bao giờ tự tử", các bài đăng nói. "Nếu tôi chết bất ngờ, thì tức là có ai đó đã giết tôi và cảnh sát phải điều tra tội ác này".

Các cam kết là một phản ứng trước cái chết của một phụ nữ mà cảnh sát kết luận là tự tử, bất chấp những tin đồn cô ta bị giết.

Một số người hy vọng họ sẽ ngăn được kết luận sai trái về một vụ tự tử nếu không may chết trong hoàn cảnh đáng ngờ.

Với hơn 20 triệu tin đăng "cam kết chống tự tử", vấn đề này giờ đã trở thành chủ đề phổ biến thứ hai trên Weibo, phiên bản Twitter của Trung Quốc.

Sự việc này bắt nguồn từ sau cái chết đáng ngờ của Yuan Liya, một nhân viên cửa hàng quần áo thanh thiếu niên ở Bắc Kinh tuần trước.

Cảnh sát nhanh chóng kết luận cái chết của phụ nữ này là một vụ tự sát, nhưng tin đồn dai dẳng trong cộng đồng cho rằng cô gái đã bị chính các nhân viên bảo vệ trung tâm mua sắm nơi cô làm việc hãm hiếp tập thể, sau đó chúng ném cô từ ban công xuống đất.

Những người biểu tình giận dữ đòi nhà chức trách điều tra vụ này, nhưng vụ án đã đã nhanh chóng rơi vào sự im lặng của cảnh sát địa phương.

Để đáp lại, cư dân mạng Trung Quốc bèn tự bảo vệ mình khỏi hoàn cảnh tương tự bằng việc cam kết “không tự tử” trên Internet.

"Nếu tôi chết do tai nạn, cái chết của tôi được thiết kế bởi những người khác. Bạn bè Internet của tôi, xin vui lòng theo đuổi đến tận cùng trường hợp của tôi”, một người viết.

"Tôi không có xe hơi, không nhà, không người yêu, không có tiền mua thực phẩm, và ngay cả khi tôi bị AIDS, tôi sẽ không tự sát hoặc tự nguyện nhảy ra khỏi một tòa nhà cao tầng”, một người dùng có tên D viết.

"Nếu tôi chết bất ngờ, cảnh sát không thể đổ lỗi là do tôi tự tử”, một người khác tuyên bố trên Weibo.

Xu hướng “cam kết trực tuyến” như trên nhấn mạnh tâm trạng thiếu niềm tin và không được bảo vệ của một bộ phận giới trẻ ở Trung Quốc.

VIỆT HƯNG (Theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI