Cư dân mạng phản ứng chuyện “Mang tiền về cho mẹ"

02/01/2022 - 15:59

PNO - Nhiều người cho rằng lời ca khúc mới của Đen Vâu làm gia tăng áp lực lên giới trẻ, đặc biệt sau 1 năm kinh tế kiệt quệ vì dịch.

Mang tiền về cho mẹ của Đen Vâu hiện đạt hơn 12 triệu lượt xem, đứng đầu bảng xếp hạng xu hướng tìm kiếm trên YouTube tại Việt Nam.

Ca khúc ra mắt trong thời điểm kết thúc năm cũ, chào đón năm mới, mang đến nhiều xúc cảm cho người nghe. Không phủ nhận đây là một sáng tác khiến người nghe nhớ nhà, nhớ mẹ cha cùng những trách nhiệm làm con.

Nhưng tên bài hát Mang tiền về cho mẹ, và ca từ được lặp lại đã gây ra phản ứng trái chiều trong dư luận. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng lời lẽ này biểu hiện cho tư tưởng sống thực dụng cũng như làm gia tăng áp lực lên người trẻ trong thời khắc lẽ ra họ nên được gia đình giang tay đón về để đoàn viên sum vầy.

Hình ảnh trong MV mới của Đen Vâu
Hình ảnh trong MV mới của nghệ sĩ Đen Vâu

Người dùng Facebook tên Nguyễn Trường Sơn nói việc người giàu có tiền tỷ trong tay thì việc mang tiền về cho mẹ tất nhiên sẽ dễ dàng, nhưng với một nhân viên văn phòng, công nhân, người đi xuất khẩu lao động sẽ khác. Tác giả vẫn nhớ đoạn tin nhắn cô gái người Việt chết trong xe đông lạnh khi đang vượt biên vào Anh quốc gửi cho mẹ của cô: “Con xin lỗi bố mẹ, đường đi nước ngoài không thành công”, khiến anh ám ảnh.

Anh cho rằng thói quen suy nghĩ sống bám vào nhau đã ăn sâu vào xã hội nhưng đã đến lúc cần thay đổi. “Người trẻ cần phải được cởi trói khỏi những lề thói và nghĩa vụ xưa cũ để còn được tự do phát triển, tự do khám phá trời đất. Đừng sợ bị gọi là thế này thế kia”, anh chia sẻ quan điểm.

Tài khoản Vũ Đình Nhất đặt vấn đề: “Phần lớn thế hệ ông bà cha mẹ chúng ta hiện tại sinh con ra, nuôi con ăn học để rồi mục đích là khi có tuổi thì con cái cho mình được bao nhiêu tiền mỗi tháng. Chỉ mang tiền cho mẹ thôi không có đủ chưa. Mang bình an về cho mẹ, mang niềm vui về cho mẹ, mang hạnh phúc, sự khoẻ mạnh về cho mẹ thôi có được không?”.

Trên diễn đàn Góc của Rư, một bà mẹ nói hai câu hát mở đầu của bài này không hẳn là điều một người mẹ thấy cần thiết. Chị hiện đã có hai con. Tác giả nói chị đã chuẩn bị kế hoạch cho việc nghỉ hưu trong 10 năm nữa, tự lo cho bản thân.

Chị nói những đêm ôm con, những ngày cho bú, nghe con khóc, nhìn con cười… thì đều muốn thấy con sống đời tự do, được đi đó đây mở mang tầm mắt, chứ không phải còng lưng làm lụng rồi lại ki cóp mang về cho mẹ, cũng đừng vì không có tiền mà không dám về gặp mẹ.

“Mình đang đọc gần hết cuốn Đại Dương Đen của TS Đặng Hoàng Giang, rất nhiều câu chuyện anh kể về các bạn trẻ, các bạn du học sinh, thậm chí con nhà giàu có tài phiệt… nhưng lại sống trong một gia đình “toxic” (độc hại - PV). Người lớn luôn áp đặt, luôn sĩ diện, xem con như trang sức để đem đi khoe, và kết quả là những bạn trẻ đều chịu áp lực khủng khiếp, dẫn tới trầm cảm, tự tử, và rồi ngày càng xa cách bố mẹ nhiều hơn. Một năm nặng nề đi qua, có những bạn vĩnh viễn không còn được thấy mẹ mình, có những bạn may mắn gia đình đủ đầy, nhưng vì kinh tế sụt giảm mà áp lực nặng nề chẳng dám về quê. Mình tự hỏi, tết năm nay, mọi người có nên nghĩ khác đi?”, chị bộc bạch.

Nhiều trang cá nhân, diễn đàn bày tỏ ý kiến về chuyện Mang tiền về cho mẹ
Nhiều trang cá nhân, diễn đàn bày tỏ ý kiến về chuyện "Mang tiền về cho mẹ"

Người tên Đức Nhân kể câu chuyện về T. một người bạn của anh đúng hình mẫu “con nhà người ta”: Ngoài 30 đã làm kế toán trưởng cho một công ty lớn, mua đất, xây nhà, gửi tiền về cho cha mẹ. Nhưng ít ai biết để có thể “mang tiền về cho mẹ”, anh T. đã phải uống thuốc chống trầm cảm thường xuyên, đi bác sĩ điều trị tâm lý.

Anh Nhân kể lại anh T. gặp nhiều áp lực trong công việc, không thấy hạnh phúc nhưng vừa phải lo cho gia đình nhỏ, vừa phải lo cho cha mẹ ở quê. "Sau buổi nói chuyện, T. kết luận rằng điều cậu ấy hối hận nhất là đã không quyết định đi theo tiếng gọi của trái tim mình trong việc lựa chọn ngành nghề.

“Có thể tớ không kiếm được nhiều tiền như bây giờ. Có thể tớ không giúp đỡ được bố mẹ, nhưng tớ có lý do và cảm hứng để sống cuộc đời của chính mình”, T. nói”, anh Nhân kể.

Anh Nhân cho rằng sự bất hạnh của một đứa trẻ với anh là cố trở thành đứa con ngoan dựa trên những giá trị phổ quát. Vì thế, anh mong rằng mỗi người hãy cố sống, tìm hạnh phúc theo lẽ riêng. Có thể, tết về không mang được tiền cho cha mẹ, nhưng hãy cho họ an tâm rằng chúng ta vẫn hạnh phúc, bình an.

Nickname Chef Long Châu viết: “Nếu không có tiền đem về cho mẹ thì bị áp lực hay sợ họ hàng hỏi han mắc cỡ. Thôi kệ nha. Ai có tiền đem không có tiền thì không đem. Về nhà giúp rửa chén nấu ăn xoa bóp cho ba mẹ là vui rồi. Cứ nghe vu vơ cứ hát vu vơ đừng coi đó là chân lý mà học theo hay là trào lưu gì đấy là được. Mà ai muốn lấy làm chân lý cũng không sao. Mình tới đâu hiểu tới ấy. Mai mốt ngộ đời sẽ hiểu khác”.

Nhiều người cho rằng quan điểm trên khiến gia tăng áp lực cho người xa quê
Nhiều người cho rằng quan điểm trên khiến gia tăng áp lực cho người xa quê

Chị Phạm Thuỳ Chi (một chuyên viên hướng nghiệp) cho biết chị rất thích nhạc của Đen Vâu, nhưng quan điểm trong ca khúc lần này chị không đồng cảm được. Chị tâm sự, thế hệ 7X của chị, các gia đình đều rất nghèo nên dồn hết mọi nguồn lực cho các con đi học. Sau này, những đứa con lớn lên, quay lại giúp đỡ gia đình là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, mỗi thời chuyện lại khác đi.

Chị Thuỳ Chi cho biết, gen Z (chỉ những người sinh năm 1997 trở về sau) chịu nhiều áp lực. Chị viết: "Khác với áp lực "cơm áo gạo tiền" của cha mẹ, gen Z có áp lực với sự so sánh thành công của người khác (con nhà người ta: học giỏi, du học, kiếm tiền, cuộc sống du ngoạn sang chảnh...). Thậm chí, một nghiên cứu gần đây còn chỉ ra, gen Z là thế hệ có tỷ lệ stress cao hơn hẳn các gen khác (tỷ lệ những người Mỹ đánh giá sức khỏe tâm thần của họ theo mức tốt dựa trên các thế hệ: Silent: 86%; Boomers: 76%; Gen X: 65%; Millennials: 59%; Gen Z: 42%.). Và nguyên nhất lớn nhất đến từ vấn đề tài chính.

Chị chia sẻ: “Vậy hà cớ gì gen Z phải mang tiền về cho mẹ? Tại sao cha mẹ không khuyến khích gen Z tự lập và chăm lo cho bản thân thật tốt, bản lĩnh đương đầu với một thế giới mơ hồ và bất định phía trước. Áp lực sống với kỳ vọng đã khiến cho các con mệt nhoài đi rồi, sao còn phải tăng thêm áp lực mang tiền về cho mẹ? Thay vì vậy, cha mẹ nên cho gen Z thấy mỗi khi về nhà là về với tổ ấm, với tình yêu thương vô điều kiện? 

Mình thuộc thế hệ 7x, nhưng mình thật may mắn khi mẹ luôn bảo mình: “con cứ sống cuộc sống của con. Mẹ không cần gì cả, chỉ cần con sống tốt là mẹ vui". Có thể mẹ mình thiệt thòi thật. Mình chưa nuôi mẹ được ngày nào, chưa từng gửi tiền hàng tháng... thậm chí lúc khó khăn nhất còn vác cuốn sổ đỏ duy nhất của mẹ đi cầm cố ngân hàng. Mẹ chưa trách mình ngày nào, còn bảo: “Con buồn quá đừng cố giấu, có gì cứ nói với mẹ, chia sẻ sẽ đỡ nặng nề hơn". Mình cũng nói như vậy với Khoai và Bẹp, nói ngắn hơn: “Sau này, con đừng mang tiền về cho mẹ, hãy chia sẻ nỗi buồn với mẹ!”.

Hiện câu chuyện “Mang tiền về cho mẹ” vẫn còn gây xôn xao, được rất nhiều người bàn tán trên mạng xã hội. 

Hà Anh (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI