Cứ cuối năm, lại nghe đề nghị bỏ tết ta, quá chán!

18/01/2020 - 15:53

PNO - "Còn giữ tết ta, đất nước còn nghèo" - phát biểu của giáo sư Võ Tòng Xuân mấy hôm nay lại khiến dân tình râm ran chuyện giữ tết, bỏ tết. Nhưng gần như chỉ toàn là ý kiến phản bác lại nhận định trên.

 

25 tháng Chạp, đi qua hàng lang chung cư nhà mình, tôi nghe trong gió thoảng mùi thơm lựng của nồi chè bánh trôi nước nhà ai đang nấu. Nhà ai mở những bài hát mừng xuân truyền năng lượng. Tôi hít hà cái mùi tết thanh tao, an lành ấy. Nhành hoa ly trên tay tôi cũng ra sức tỏa hương. Mùi của xôi nếp, của trà, bánh, hương trầm....Tất cả quyện vào nhau thành một mùi nao nao trong dạ. 

Hàng trái cây xôn xao người mua kẻ bán
Hàng trái cây xôn xao người mua kẻ bán

Từ đầu tháng Chạp, khi những lễ hội hướng về tết Việt được tổ chức trong thành phố, tôi đã thấy cái không khí "trẩy hội" nô nức đến xốn xang. Những trò chơi dân gian được tái dựng, hoa mai hoa đào khoe sắc, phố ông đồ trở thành điểm hẹn...

Mọi người cùng hòa vào niềm vui chung thì không khí của những này cuối năm cũng thật tích cực, tràn đầy hy vọng. Cả năm làm việc, ai cũng mong chờ những ngày cuối năm như thế này thôi. Được nghỉ ngơi, vui chơi. Trên hết là được về nhà sum vầy với gia đình. 

Triệu triệu người con xa quê, những kiều bào bất chấp dòng người đông nghịt ở sân bay, bến xe, đường xa chỉ để được hồi hương, về nhà. Để được những ngày đoàn viên ấm áp. Chỉ có tết mới cho bao người được những ngày sống chậm lại, cảm nhận những giá trị, những nét đẹp của văn hóa truyền thống. Chỉ có tết mới khiến con người ta háo hức tổng kết thành tựu một năm và để bắt đầu một năm mới thật nhiều năng lượng.

Tết còn là dịp để trẻ con thành phố được về thăm quê nội, quê ngoại; biết thế nào là đêm Giao thừa trông nồi bánh chưng bánh tét; được cha mẹ dẫn đi tảo mộ, được nghe những câu chuyện có từ thời ông cố, ông sơ... để còn được thấy sợi dây gắn kết yêu thương kỳ diệu nối dài đến thế hệ mình.

Tết là để trở về
Tết là để trở về

Còn giữ tết ta, đất nước còn nghèo ư? Sao lại có thể đổ lỗi cái nghèo cho tết? 

Chúng ta đã bắt chước văn minh phương Tây từ lễ Halloween đến Giáng sinh, tết Tây, Valentine rồi Valentine trắng, Ngày của ba, Ngày của mẹ, Thanks Giving - Lễ tạ ơn... Vậy mà, lại có những ý tưởng kiểu như bỏ tết cổ truyền - cái tết mà từ đó rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã được khơi lại, gìn giữ, trao truyền qua từng thế hệ. Lẽ ra, phải là những ý tưởng làm sao để tái hiện tích cực nhất, ý nghĩa nhất những giá trị truyền thống của tết xưa, những lễ hội, những phong tục tập quán lâu đời của người Việt. 

Tết Việt - còn là giá trị tốt đẹp giữ gìn cho những thế hệ sau.

Những ngày cuối năm, nghe chuyện có người đề nghị muốn bỏ tết ta, nói thật là, nghe thật chán! Cứ thử tưởng tượng, đến một lúc nào đó dân ta không còn ăn tết cổ truyền, thì sẽ mất mát những gì?

Từ Phong

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(7)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI