Cứ chọn trường cho con là vợ chồng cãi nhau

14/10/2020 - 14:43

PNO - Nghề gì con tôi cũng chê, chỉ thích làm ca sĩ với MC, hoặc sân khấu nghệ thuật. Vợ chồng tôi cãi nhau liên miên...

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Đứa con gái lớn của chúng tôi năm nay thi cuối cấp và đứng trước việc phải chọn học trường nào. Đó là thời điểm cả nhà… không yên với bà xã tôi.

Con gái tôi thì vẫn cứ lửng lơ, tôi chả rõ nó hợp với nghề gì. Nghề gì nó cũng chê, chỉ thích làm ca sĩ với MC hoặc sân khấu nghệ thuật, mà chẳng thấy nó có tài năng gì đặc biệt. Rồi nó bảo, thích… nấu ăn. Thế là mẹ nó nổi điên: “Nấu ăn thì mở quán mà làm, chứ học chi cho mất một đống tiền, ra trường cũng đi mở quán thôi chứ gì”.

Xin lỗi chị, lúc nó nói hay là đi học làm nhà báo thì vợ tôi mắng té tát, bảo là “báo cô”, “báo đời”. Cô ấy bảo phải tham khảo những trường… người ta vào nhiều như công an, quân đội, y dược… cứ trường nào có tiếng thì vào, sau này đỡ thất nghiệp. Tôi nói: “Nó mê nấu ăn thì cho nó học trung cấp nghề”. Thế là cô nổi giận.

Tôi đành… đứng sang một bên không ý kiến cho khỏi cãi nhau, thì cô lại than, cái gì cũng chỉ có mình cô lo, mình cô khổ.

Thật chẳng biết làm sao chị ạ…

Phạm Thành Đức (TP.HCM)

Ảnh minh họa
Con tôi chỉ mơ mộng viển vông chứ có năng khiếu nghệ thuật gì đâu! Ảnh minh họa


Gửi anh Thành Đức,

Các chuyên gia giáo dục đã từng cho biết thực tế là, nên chọn nghề phù hợp chứ không nên chọn trường có tên mà vào những khoa “mơ hồ”, xa với khả năng của con mình - dù là có khi con nó thích một cách cảm tính. Cũng nên cùng con nhìn nhận thực tế khả năng và năng khiếu của con.

Thực tế ở nhiều trường đại học, có không ít em học đến năm thứ hai, thứ ba rồi vẫn không biết mình có hợp với nghề đã chọn không. Trước nghe thấy hấp dẫn, học sâu vào thấy không hợp rồi không theo nổi. Con bỏ bê học hành trong khi bố mẹ ở quê cứ yên chí sắp được hái quả đến nơi. Nhiều người còn bảo con muốn gì thì gì, cứ phải đưa cái bằng đại học về đã.

Anh cứ mạnh dạn bàn với con gái, “xúi” nó kiên trì nói rõ việc thích nấu ăn và vào học một trường trung cấp nghề. Bởi vì thực tế, con có một nghề giỏi phù hợp, tự nuôi sống mình còn hơn học cao mà lơ lửng chẳng ra thầy ra thợ, như vậy còn khổ hơn. Ngày nay nếu có tay nghề vững rồi, cơ chế liên thông học lên (nếu muốn) không khó khăn gì.

Anh đừng “khiếp sợ đứng ra một bên”, thái độ đó như một kiểu đầu hàng bỏ mặc vợ lo một mình khiến chị ấy càng tức giận. Mà quan trọng nhất là chị sẽ rối trí lao theo các khuynh hướng “rối mù” của xã hội, rất dễ phạm sai lầm. Lúc đó chị lại một mình lãnh trách nhiệm, gia đình càng xào xáo tranh cãi không đi đến đâu, mà còn làm tổn thương nhau nặng nề.

Điều quan trọng anh nên nói với vợ, là cha mẹ không nên định hướng thay con, bắt con theo ý muốn của mình. Phải gần gũi trao đổi và tôn trọng suy nghĩ của con, lắng nghe nó, thì mới thấu hiểu và giúp nó những gì, tạo điều kiện cho nó tự quyết đúng đắn, phù hợp chứ không ỷ lại.

Tôi nghĩ những điều ấy vợ anh sẽ hiểu được khi bình tĩnh lại, nhận ra sức mạnh gia đình, đoàn kết, nương tựa nhau thì mới giải quyết tốt mọi việc.

Thân chúc anh thành công.

HẠNH DUNG

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI