Đây là cảnh báo của ông Nguyễn Văn Bắc- Phó trưởng Công an huyện Củ Chi tại buổi làm việc cùng đoàn giám sát về tình hình triển khai thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện Củ Chi sáng ngày 7/5.
|
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi phát biểu tại buổi giám sát. |
Báo cáo của Phòng Lao động TB&XH huyện cho biết từ năm 2017 đến nay, toàn huyện Củ Chi đã xảy ra 31 vụ xâm hại trẻ em. Trong đó, năm 2017 xảy ra 18 vụ, năm 2018 có 9 vụ, từ đầu năm 2019 đến nay xảy ra 4 vụ, trong đó, vụ mới nhất xảy ra ngày 1/5/2019 tại xã An Nhơn Tây. Ba trẻ bị xâm hại dẫn đến mang thai và sinh con.
Đoàn giám sát cho biết khá bất ngờ với số liệu mà Củ Chi công bố. Theo bà Trần Thị Hải Yến – Phó Ban Văn Hóa xã hội Hội đồng nhân dân TP.HCM thì con số 31 vụ xâm hại trẻ em xảy ra trong ngần ấy thời gian là quá cao. Trong khi ở 5 quận huyện mà HĐNDTP tham gia giám sát trong tháng qua, mỗi nơi xảy ra chỉ xấp xỉ 10 vụ việc.
|
Bà Thi Thị Tuyết Nhung cho rằng bên cạnh tuân thủ quy trình can thiệp, công tác tuyên truyền thì việc chăm lo, quan tâm đến nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và nhóm trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn như khi cha mẹ ly hôn... cũng vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em trước vấn nạn xâm hại, bạo lực. |
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi - cho biết: “Tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp. Nếu nhìn về con số, thì trong ba năm qua, lượng vụ việc xảy ra trên địa bàn huyện có giảm, nhưng chúng tôi không hề chủ quan. Bởi thực chất, nhiều vụ việc khi phát hiện thì đã muộn, đứa bé bị xâm hại trong thời gian dài, thậm chí bị mang thai. Có những địa bàn xã tưởng bình yên nhưng bây giờ cũng đã xảy ra. Vì vậy, chúng tôi quyết liệt phải đấu tranh với loại tội phạm này”.
Chính từ quan điểm đó, các ban ngành, đoàn thể ở địa phương đã rất tích cực trong công tác tuyên truyền.
Từ năm 2018, với sự chỉ đạo của huyện ủy, Công an, Viện kiểm sát của huyện đã thống nhất quy trình can thiệp và giải quyết các vụ xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn huyện theo hướng các xã khi nhận được tin báo của dân phải lập tức báo cáo cùng lãnh đạo công an huyện.
Và bất kể ngày hay đêm, khi nhận tin báo này, công an huyện sẽ cử đội nghiệp vụ có thể là cảnh sát hình sự hoặc đội điều tra tổng hợp xuống hỗ trợ xã lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường, thu thập chứng cứ và ra quyết định trưng cầu giám định pháp y trong thời gian nhanh nhất.
Tuy nhiên, trong 31 vụ việc xảy ra, có đến 8 vụ việc không khởi tố vụ án do không có sự việc phạm tội.
Ông Nguyễn Văn Bắc trăn trở: “Các vụ không khởi tố đều là các vụ dâm ô trẻ em, không có chứng cứ chứng minh tội phạm nên khi 3/8 vụ việc người thân của bé sau khi cân nhắc, rút đơn kiện, thì coi như phải khép lại vụ án. Các vụ việc còn lại, do gia đình tố giác quá chậm trễ, nghi phạm lại chối tội”.
|
Bà Trần Thị Phương Hoa- Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM đặt vấn đề về quy trình can thiệp các vụ xâm hại trẻ em |
Bên cạnh những khó khăn của công tác điều tra, thì với một địa bàn quá rộng, có hơn 95 ngàn trẻ em cùng 19.400 hộ kinh doanh phòng trọ/116.311 hộ dân, nếu so lại với việc tuyên truyền thì khả năng tác động chưa thể đến với cả cộng đồng.
Bà Lê Thị Phương Hồ - Chủ tịch Hội LHPN huyện Củ Chi bức xúc: “Chúng tôi tuyên truyền rất nhiều. Hội đã làm nhiều cuộc, nhiều đối tượng, chia theo từng nhóm nhỏ, từ giới thiệu kiến thức, hướng dẫn kỹ năng cho đến tư vấn chuyên sâu… Thế nhưng chúng tôi vẫn chưa chạm đến được đối tượng là thanh niên hay các quý ông chồng, những người có khả năng trực tiếp gây hại với trẻ”.
Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM đặt vấn đề về quy trình can thiệp các vụ xâm hại trẻ em: Huyện đã đề ra rất chi tiết, Hội LHPN TP.HCM cũng có hướng dẫn, nhưng khi xảy ra vụ việc, phụ huynh có mang trẻ đến đúng chỗ chưa hay cứ đi lòng vòng, làm mất thời gian tính? Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM đặt vấn đề về quy trình can thiệp các vụ xâm hại trẻ em: Huyện đã đề ra rất chi tiết, Thành Hội cũng có hướng dẫn 5 bước giám sát, nhưng khi xảy ra vụ việc, phụ huynh đã biết mang trẻ đến đúng chỗ chưa hay vẫn còn quanh quẩn vì lúng túng, thiếu thông tin? |
Ghi nhận thực trạng công tác thực thi việc bảo vệ trẻ em trước vấn nạn xâm hại tình dục, bà Thi Thị Tuyết Nhung – Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM cho rằng sự thẳng thắn và quyết liệt của chính quyền cùng các Ban ngành tại huyện Củ Chi với vấn đề xâm hại trẻ em là vô cùng đáng quý.
Thế nhưng cần nhìn ra vấn đề: đối tượng bị xâm hại là ai và đối tượng chúng ta đang bảo vệ, đang giúp phòng ngừa, đấu tranh và tác động bằng tuyên truyền là ai để từ đó đi đúng hướng. Bà Nhung nhắc nhở chính quyền đừng quên bài học về việc từng xảy ra sai sót trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, lời khai ban đầu ở vụ xâm hại bé gái ở xã Bình Mỹ xảy ra năm 2017 để rồi mãi chưa truy tố được kẻ thủ ác với trẻ.
Theo bà Nhung huyện rất cần đổi mới công tác truyền thông, trực quan hơn, rõ ràng hơn về những hành vi dâm ô, xâm hại trẻ em sẽ bị pháp luật xử lý thế nào. Và thông tin này phải đến được với tất cả các khu nhà trọ - nơi đã xảy ra hàng loạt vụ xâm hại trẻ em trong thời gian qua.
Tiếp thu ý kiến của đoàn, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú đã có chỉ đạo nhanh. Về công tác tuyên truyền, ông yêu cầu các ban ngành ở huyện đều phải có kế hoạch các cuộc truyền thông sắp đến.
Ông cũng yêu cầu soạn những tờ rơi, gửi đến từng phòng trọ, tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em. Trong đó, từ nay về sau các cuộc truyền thông do Hội LHPN và Đoàn thanh niên huyện phối hợp tổ chức, phải thu hút ít nhất 70% nam giới tham gia.
Nghi Anh