"Cứ cầm đến máy quay là trong tôi tràn đầy cảm xúc!"

17/10/2015 - 07:59

PNO - Tùng Jà thu hút người đối thoại bằng lòng say mê nghề nghiệp chứ không phải bởi vẻ “hầm hố” của những người vốn vất vả phía sau ống kính...

Sở dĩ phải đặt cái tên Tùng Jà bên cạnh tên khai sinh là bởi nghệ danh này giúp giới nghề nghiệp và người yêu nghệ thuật thứ bảy xác định ngay được gương mặt một đạo diễn phim tài liệu, một tay máy có dấu ấn của điện ảnh Việt Nam hiện nay.

Đạo diễn, nhà quay phim Trịnh Quang Tùng (Tùng Jà) sinh năm 1975, đang thuộc quân số của Hãng phim Tài liệu khoa học trung ương, từng giành nhiều giải thưởng điện ảnh trong nước và quốc tế về phim tài liệu, phim truyện điện ảnh.

Bộ phim truyện nhựa Người trở về do anh quay vừa công chiếu ở Hà Nội đã gây xúc động mạnh. Ngày 16/10, phim ra mắt khán giả TP.HCM. Vóc người nhỏ nhắn, phong thái gần gũi, trẻ trung, Tùng Jà thu hút người đối thoại bằng lòng say mê nghề nghiệp chứ không phải bởi vẻ “hầm hố” của những người vốn vất vả phía sau ống kính...

“Tôi sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa - một dải đất đã gánh nhiều mưa bom, bão đạn. Cha tôi từng học điện tử Bách khoa, sau học ngành chiếu bóng, khóa II, Trường Điện ảnh Việt Nam.

Năm 1973, ông đạp xe ra tận Hà Nội để nhập học. Ra trường, ông về gắn với nghề chiếu bóng ở quê cho đến lúc nghỉ. Khi ông còn công tác, tôi đang là học sinh cấp II, thỉnh thoảng được theo chân ông đi chiếu bóng.

Tôi biết đến cái máy chiếu phim từ khi ấy - một thế giới thú vị, khác xa với thế giới khá bình lặng của tôi lúc đó. Tôi được chạm đến những thước phim nhờ công việc dán mép các phim bị đứt mà bố cho phép làm...”.

Đạo diễn, nhà quay phim Trịnh Quang Tùng (Tùng Jà) - Ảnh: Hanoimoi

* Và anh đã bước vào điện ảnh từ những ấn tượng mạnh mẽ thuở ấu thơ ấy?

- Phải nói thật là cái thế giới mà cha tôi mang về ấy nó xa xôi lắm. Tôi cứ nhớ mãi một cảnh trong bộ phim Nga được xem ngoài bãi chiếu bóng: một đoàn tàu chạy xình xịch qua màn ảnh, trên một toa tàu có anh chàng đang ăn nguyên một con gà...

Cảnh ăn uống no đủ ấy tác động mạnh đến đứa học sinh như tôi hồi ấy, trong bối cảnh một vùng quê còn nghèo khó. Những bộ phim mang đến một thế giới khác, nhưng không hẳn là cho tôi định hình gì về nghề nghiệp tương lai...

Khi cha tôi đạp xe ra Hà Nội nhập học trường Điện ảnh Việt Nam, ông cứ đi tìm mãi địa chỉ 73 của trường vì nghĩ nó phải... hoành tráng lắm, chứ không phải là những vách tre nứa giản dị như trước mắt.

Còn tôi, tôi cũng mang cái hình dung “hoành tráng” ấy khi vào trường Sân khấu - Điện ảnh để học khoa... sửa chữa camera (lúc đó đang sơ tán ở Cổ Loa). Nhưng, lần đầu ra Hà Nội, tôi thấy sao mà xa xôi, đường đất heo hút, lại khá vắng vẻ... Tôi đã buồn đến mức định vác va li về nhà.

* Vậy ai là người đã níu anh lại?

- Đó là mấy anh khóa trên và bà Phà - một người bán hàng ăn ở cổng trường. “Học nhanh ý mà, đừng về, phí!” - Tôi nhớ mãi câu nói ấy và nghĩ đến niềm ham thích làm chủ máy móc, nhất là những gì liên quan đến camera của mình (cười) nên cố gắng ở lại.

Sau này, tôi biết những người thực sự giúp tôi đi đến cùng với nghề chính là các thầy giáo. Trong đó, thầy Lê Mạnh Thích là người đầu tiên dạy tôi quay phim, do trường mở thêm khóa học quay phim ngắn hạn. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ những lớp lang quay phim mà ông nói từng khiến tôi mê mẩn lúc đó...

* Giờ đây, anh không chỉ là đạo diễn, quay phim mà còn là người thầy trên bục giảng, ngoài trường quay. Theo anh, người thầy ảnh hưởng đến học trò của mình như thế nào?

- Như tôi đã nói, thầy Lê Mạnh Thích, sau này là thầy Nguyễn Công Tú, thầy Trần Trung Nhàn và các đạo diễn, nhà quay phim đi trước như Lương Đức, Ngọc Quỳnh đã cho tôi niềm đam mê, động lực, cơ hội làm nghề. Tôi nhớ mãi năm 1996, học xong, tôi đã nghĩ bụng, có khi mình về quê làm dịch vụ quay phim đám cưới, đám ma...

Nhưng, nhớ đến lời thầy Lê Mạnh Thích (lúc đó đang là Phó giám đốc Hãng phim Tài liệu - khoa học trung ương): “Sau này, nếu có khó khăn gì về công việc thì gặp tôi”, tôi đánh bạo tìm gặp thầy và được nhận vào thử việc ở phòng dựng.

Công việc lúc đầu là... xem các cảnh phim tài liệu rồi ghi chép lại để phục vụ cho việc làm phim “40 năm điện ảnh tài liệu - Con người và năm tháng” mà NSND Ngọc Quỳnh đang thực hiện... Nhờ việc ấy mà tôi được biết đến hàng loạt gương mặt nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam, những con người thực sự lớn lao mà nhiều lúc tôi nghĩ, không hiểu vì sao họ có thể vượt qua mọi thử thách để cống hiến được như thế.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI