Cứ cãi nhau... cho vui!

11/06/2021 - 05:20

PNO - “Ba mẹ thấy không, còn được ở bên nhau, còn được đặt cho nhau những câu hỏi, còn thấy tầm quan trọng của nhau là còn hạnh phúc lắm!”

Chị em tôi vừa chứng kiến trận cãi nhau long trời lở đất của ba mẹ. Ba mẹ tôi rất hay cãi nhau, đa phần là những chuyện vặt vãnh, nhưng cứ lặp đi lặp lại hoài, thành ra chuyện cãi vã không còn là mâu thuẫn gia đình mà là một phần tính cách của ba mẹ. 

Ngày xưa, tôi rất phiền não khi gia đình ồn ào, nhưng bây giờ lớn hơn, trải nghiệm nhiều hơn, tôi biết rằng không phải ba mẹ tôi đang bài xích nhau mà chính là bố mẹ tôi đang bày tỏ sự mong muốn của mình về vai trò của các bên trong việc xây dựng gia đình. Chỉ có điều trong lúc bối rối, ông bà cũng không nhận ra tầm quan trọng của đối phương.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Mẹ tôi là người tháo vát, lanh lợi đạt được thành công ngoài xã hội. Ngược lại, ba tôi lại rất sợ giao tiếp với người lạ, mỗi khi có việc ra ngoài, ba tôi phải chuẩn bị “tư thế” cả tiếng đồng hồ. Hai tính cách đối lập, hai sự giao tiếp trái ngược nhau vì vậy mẹ tôi rất khó chịu với cách sống của ba tôi.

Bà thường lấy tính cách đó của ba tôi để đánh đồng rằng ba tôi lười biếng, không biết cố gắng trong cuộc sống, không lo vun vén cho gia đình.

Ba tôi cho rằng mẹ tôi ỷ thế làm càn. Mẹ tôi đi đâu cũng do ba lái xe chở đi, mỗi khi ông bà đau ốm cũng một tay ông chăm sóc. Vậy là mỗi khi ba mẹ cãi nhau, chị em tôi luôn được nghe những câu hỏi tương tự:

- Sao anh không dậy sớm hơn? Sao em phải đi làm tới trưa còn anh chỉ ở nhà?

- Vậy sao em không nghĩ em đi làm rồi ai quét nhà đổ rác? Nếu anh không ở nhà thì ông ngoại bị sốt ai đưa đi viện, em có ở nhà ngay lúc đó được đâu?

Cứ ngồi nghe những câu hỏi qua lại, thể nào tôi cũng hiểu được nguồn cơn sâu xa của những trận cãi vã. Đó là ba mẹ tôi mỗi người một việc nhưng luôn sợ người kia không nhìn thấy sự quan trọng của mình. Những câu hỏi được gửi đi liên tiếp để khẳng định rằng anh/em đều đã cố gắng hết sức ở vai trò của mình.

Trong thâm tâm, mẹ tôi vẫn “ngại” vì không làm tròn công việc nội trợ, còn ba tôi thì lại mang nỗi “ẩn ức” không kiếm ra tiền. Tuy nhiên, thật may, ông bà vẫn hiểu được đâu là thế mạnh và điểm yếu của bản thân để có thể bù trừ cho nhau.

Ba mẹ tôi có cố gắng làm hài lòng nhau hay không? Có! Nhưng mỗi người cố gắng theo cách của mình với khả năng của mình.

Mẹ tôi giỏi làm kinh tế nên luôn là trụ cột chi tiêu trong nhà, ngược lại ba tôi lại giỏi thu vén nên những mối quan hệ nhà nội nhà ngoại đều êm ả. Chính vì mỗi người mỗi việc nên tôi cùng các em vẫn lớn lên trong sự đầy đủ do ba và mẹ cùng mang lại.

Thực tế, những cuộc cãi vã của ba mẹ sẽ kết thúc bằng chiến tranh lạnh rồi 1-2 ngày sau đó lại đâu vào đấy. Bởi chỉ khi cãi nhau họ mới hoài nghi rằng đối phương không đủ tập trung và công nhận sự nỗ lực của mình. Còn trong cuộc sống hằng ngày, mọi thứ vẫn nhịp nhàng, mẹ tôi không thể yên tâm kiếm tiền khi không có ba tôi lo việc nhà.

Ngược lại ba tôi hoàn toàn ủng hộ sự giỏi giang của vợ, chấp nhận lui về hậu trường đưa đón chúng tôi đi học, lo chuyện nhà cửa. 

Nhưng cũng nhờ những câu hỏi mà sau mỗi lần cãi nhau, ba mẹ tôi biết cách quay về thực tế là người kia rõ ràng có sự đóng góp vào công việc chung.

Sự đóng góp ấy dù theo hình thức nào cũng đều vô cùng quan trọng trong việc tạo nên một gia đình đủ đầy. Vì vậy, mỗi khi chứng kiến ba mẹ cãi nhau chị em tôi lại… hạnh phúc, chúng tôi hiểu rằng ba mẹ mình rất cần nhau.

Có những người vợ một đời không dám hỏi chồng mình cái câu đơn giản: “Chiều nay anh có về sớm không? Cuối tuần anh chở em và con đi chơi được không?”. Bởi khi người kia không xem trọng mình, thì mọi câu hỏi đều gây ra sự phiền hà khó chịu.

Vì lẽ đó, hơn một lần sau những trận chiến tôi “nhắc nhở” hai người thân sinh rằng: “Ba mẹ thấy không, còn được ở bên nhau, còn được đặt cho nhau những câu hỏi, còn thấy tầm quan trọng của nhau là còn hạnh phúc lắm!”. 

Hà Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI