Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố lệnh giới hạn đi lại nghiêm ngặt trên toàn quốc, và cho biết quân đội cũng được điều động để đưa người bệnh tới bệnh viện. Chính phủ Pháp triển khai 100.000 cảnh sát để thực hiện lệnh phong tỏa trên toàn quốc từ trưa 17/3. Trong bài phát biểu với người dân Pháp, tổng thống cho biết từ trưa 17/3 (giờ Pháp), mọi người cần ở nhà trừ khi đi mua đồ ăn, đi làm, ra tập thể dục cá nhân hoặc đi khám bệnh. Bất cứ ai kháng lệnh sẽ bị phạt.
Bộ trưởng Nội vụ nước này cho biết, các điểm kiểm tra sẽ được thiết lập trên toàn quốc để thực hiện lệnh phong tỏa. Những ai di chuyển sẽ phải nêu rõ lý do trên giấy tờ, kể cả người đi bộ (người dân tự tải tờ khai trên mạng về và tự khai trước khi ra đường, đảm bảo khi bị kiểm tra, lịch trình bạn đang đi chính xác với những gì bạn đã điền vào tờ khai).
|
Sáng 17/3, trước thời điểm siết chặt đi lại, tại khu vực tác giả sinh sống, người dân kéo nhau đi nhà thuốc và siêu thị. Để bảo đảm khoảng cách an toàn, siêu thị quy định cùng lúc chỉ phục vụ 15 khách ở bên trong. Mọi người đều giữ khoảng cách tối thiểu 1m |
Bởi trước đó, trong khi cộng đồng người châu Á, trong đó có người Việt đã “sốt vó” vì vi-rút Corona thì người Pháp vẫn đủng đỉnh. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: mạng người là vô giá, nhà nước sẽ dùng mọi phương tiện để hỗ trợ người bệnh bằng bất cứ giá nào. Khẳng định việc sụt giảm chỉ số tăng trưởng kinh tế là thấy rõ, nhưng nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động kể cả khi không có nhiều việc làm mà không phải cắt hợp đồng lao động.
Trước đó, ông Macron cho rằng, “tôi vẫn thấy mọi người tiếp tục tập hợp trong các công viên, tràn ngập các chợ, nhà hàng, quán bar… không tôn trọng những hướng dẫn đóng cửa. Như thể là, từ đáy cuộc sống, mọi việc không có gì thay đổi. Các bạn không tự bảo vệ mình dù tiến hóa của dịch chỉ rõ không ai bất khả tổn thương, kể cả thanh niên. Các bạn có thể không có triệu chứng nhưng không có nghĩa là các bạn không truyền vi-rút cho bạn bè, cha mẹ, ông bà các bạn, đặt họ vô vòng nguy hiểm…”.
Các quyết sách phòng, chống dịch cùng số ca nhiễm tại Pháp tiếp tục thay đổi từng ngày, từng giờ…
Cũng như tại Việt Nam, việc học sinh, sinh viên nghỉ học đã gây không ít xáo trộn trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của phần đông gia đình Pháp. Tuy vậy, có thể thấy người Pháp vẫn tương đối bình tĩnh trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Người ta tuân thủ nghiêm túc hơn các hướng dẫn của nhà nước về việc rửa tay thường xuyên, ngừng hôn xã giao, giữ khoảng cách 1m khi giao tiếp…
Tại một số siêu thị ở các thành phố lớn có nhiều dân nhập cư như Paris, Lyon… người ta đổ xô mua hàng. Ở các vùng nông thôn, nơi thiên nhiên rộng mở, trước khi có lệnh phong tỏa, người dân vẫn đi dạo và đạp xe trong rừng, ven bờ suối và hạn chế tập trung đến các điểm vui chơi ngoài trời như chưa có chuyện gì xảy ra. Vẫn không một ai đeo khẩu trang (vì tất cả đều dành cho bệnh viện). Nước rửa tay và các nhu yếu phẩm hoàn toàn vắng bóng tại các hệ thống siêu thị và nhà thuốc trên toàn quốc.
Diễn biến mới, nhanh và dồn dập của dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người Việt, đặc biệt là du học sinh. Trên các diễn đàn người Việt và sinh viên Việt, dường như thông tin trao đổi bây giờ chỉ tập trung vào tình hình dịch bệnh, liệu có nên về Việt Nam hay ở lại.
|
Một khu phố vắng khách vì COVID-19 tại Nice, miền Nam nước Pháp |
Có những tình huống dở khóc dở cười như một số du học sinh vừa qua đã gặp ngay mùa dịch, trường học đóng cửa, về cũng dở mà ở chẳng xong. Lại có một số khác vừa xin được visa và vé máy bay đã sẵn sàng nhưng lại không thể qua vì mùa dịch. Số khác muốn về Việt Nam nhưng thẻ lưu trú sắp hết hạn, sợ rằng sẽ không thể quay lại Pháp khi hết dịch… Nhiều gia đình du học sinh như ngồi trên đống lửa. Không ít người lựa chọn quay về Việt Nam và chấp nhận cách ly hai tuần theo quy định của Nhà nước.
Tuy vậy, đại bộ phận trong khoảng 6.500 du học sinh Việt Nam tại Pháp chọn cách ở lại, tuân thủ hướng dẫn và chiến lược phòng bệnh của Pháp. Họ liên tục cập nhật, chia sẻ thông tin giúp các sinh viên mới qua, còn chưa giỏi tiếng có thể nắm bắt các diễn tiến của trận dịch và tình hình xã hội. Các sinh viên bắt đầu kêu gọi thành lập nhóm nhỏ hỗ trợ lẫn nhau thay vì từng cá nhân ôm nỗi hoang và đối diện với khó khăn một mình.
Không giống du học sinh, các gia đình Việt hoặc có nhân tố Việt trên đất Pháp đa phần có cuộc sống ổn định hơn giới du học sinh. Công việc và con cái đã gắn kết họ với quê hương thứ hai nên trong dòng người chạy dịch, hầu như không có Việt kiều. Phần đông người Việt đều sốt ruột về việc người bản địa không đeo khẩu trang và động thái phản ứng chậm chạp của nhà nước Pháp trước bệnh dịch ở giai đoạn đầu.
Tuy vậy, với bản tính lo xa của đại đa số dân Việt, bà con Việt kiều đã sớm tích trữ lương thực và nhu yếu phẩm trước khi nước Pháp báo động đỏ đến cả tháng. Chị Lan Anh, một người đã sống ở Pháp trên 20 năm ở tỉnh Haute Savoie cho biết, nhà chị chẳng thiếu thứ gì, vì từ khi dịch bùng phát ở Trung Quốc và Việt Nam có những ca nhiễm đầu tiên, chị đã bắt đầu mua dần những thứ thiết yếu.
“Nếu cơn dịch không đáng ngại, tình hình khan hiếm nhu yếu phẩm không xảy ra thì mình vẫn có thể dùng dần, không mất đi đâu, không có gì là lãng phí”. Thanh Thủy, một cô gái trẻ mới qua Pháp được 3 năm cũng cho rằng “cẩn tắc vô ưu”, từ 3 tuần trước khi lệnh giới nghiêm được ban hành, nhà cô đã đầy đủ nhu yếu phẩm, khẩu trang và nước rửa tay…
|
Các quyết sách phòng, chống dịch cùng số ca nhiễm tại Pháp tiếp tục thay đổi từng ngày, từng giờ… |
Việc thận trọng, đi trước đón đầu dịch bệnh, tích trữ nhu yếu phẩm từ sớm của người Việt là có, tuy vậy, không gây ra xáo trộn và hoang mang cho xã hội. Bởi khi người bản địa bắt đầu đổ xô đi mua sắm, thì phần đông người Việt đã đủng đỉnh ở nhà ngồi quan sát thiên hạ.
Trong khi đó, một bộ phận người Việt khác vẫn tin tưởng vào nguồn dự trữ thực phẩm quốc gia cũng như chiến lược phòng chống bệnh của nước Pháp nên vẫn không nao núng. Cô Mẫn, một Việt kiều sống ở Pháp hơn 30 năm cho biết mình vẫn đi chợ đủ dùng cho một tuần như từ trước đến nay. “Nếu có bệnh, nhà nước sẽ điều trị miễn phí. Bảo hiểm sẽ chi trả. 80% người bệnh sẽ không gặp nguy kịch khi bị bệnh. Nhưng nếu mình nằm trong số 15% nguy kịch, 5% tử vong, âu cũng là số phận. Ai mà chẳng có ngày phải về với đất. Cứ sẵn sàng đón nhận vẫn hay hơn”.
Riêng người viết bài này, (đang ở giữa vùng dịch tỉnh Haute Savoie) nhà đã có 6kg gạo, xà bông rửa tay, nước khử trùng nhà cửa và giấy vệ sinh nên khá yên tâm. Chỉ có điều, sẽ không còn thú vui đi chợ làng vào thứ Hai hằng tuần và làm ly bia, ngồi tắm nắng, tám chuyện với mấy bà bạn già người Pháp khi xuân đang về, nắng ấm đang lên thì cũng hơi buồn.
Những cuộc hẹn công việc được chuyển sang đường điện thoại, cũng là một tin vui… Không mất thời gian di chuyển, không ngại lây nhiễm, bớt gây ô nhiễm, có thêm thời gian ngắm hoa xuân và đọc sách. Âu cũng là mặt tích cực trong mùa dịch vậy.
Mình làm tốt nhất những gì có thể, tuân thủ đúng các chỉ dẫn của nhà nước. Cứ bình tĩnh mà sống!
Kim Toàn (từ Haute Savoie, Pháp)