Cô Cao Thị Triết (quận Bình Thạnh, TPHCM) năm nay 78 tuổi và có thâm niên 23 năm du lịch một mình. Cô đã đi mọi miền Việt Nam, sang những nước lân cận và tiếp tục thực hiện đam mê du lịch.
Du lịch một mình đã thành thói quen
Cuối năm 2000, khi đang làm bảo vệ tại một ngân hàng, cô Triết được chọn vào đoàn văn nghệ để đi từ Nam ra Bắc biểu diễn. Cô đi theo để làm người phụ giúp các em đồng nghiệp và cũng có một màn minh họa nhỏ. Sau khi tham gia hội diễn văn nghệ, đoàn được ở lại thêm vài ngày tham quan thủ đô.
Đó là lần đầu tiên cô Triết được đi đến những địa điểm như Lăng Bác, Gò Đống Đa, Chùa Trấn Quốc, Văn miếu Quốc Tử Giám… Khi đoàn về lại TPHCM bằng máy bay và mặc dù được đài thọ chi phí, cô Triết vẫn có một quyết định khác: đi về Nam một mình bằng xe lửa.
|
Chuyến đi tàu xuyên Việt của cô Triết |
“Năm ấy, tôi được đi chuyến S1 hành trình 32 giờ vừa khai trương chuyến đầu tiên. Tàu mới nên mọi thứ đều sạch, đẹp, thoải mái. Tôi đã ngủ rất ít và dậy sớm để được nhìn những ga xép với các tên được biết trong sách của Tự Lực Văn Đoàn. Tàu chỉ ghé những ga lớn như Huế, Đà Nẵng… Rồi khi tàu qua đèo Hải Vân vào buổi trưa, tôi được thấy biển đang tung sóng rất gần mình”, cô Triết chia sẻ.
Chuyến phiêu lưu đó đã cho cô những cảm xúc hưng phấn và làm tiền đề cho hành trình khám phá dài hơi sau này.
Khi nghỉ hưu và có chút tiền dành dụm, cô bắt đầu niềm vui mới bằng những chuyến đi ngắn ngày theo tour. Sau khi chồng mất vào năm 2006, các con vì muốn mẹ vui, cũng ủng hộ và hỗ trợ mẹ những chuyến đi xa hơn. Vậy là, khi thì đi chùa, khi thì đi tour với bạn hay một mình, cô Triết dần dần có mặt ở nhiều vùng miền Tổ quốc.
|
Cô Triết tham gia Lễ hội bánh mì ở TPHCM |
3 lần lên đỉnh Fansipan, 3 lần lên núi Yên Tử, 3 lần lên Bà Nà, nhiều lần đến Sa Pa, 1 lần đến thác Bản Giốc, từng đi ra Cù Lao Chàm, Côn Đảo, Phú Quốc, Cà Mau… Đôi lần cô sang những nước lân cận như Thái Lan, Lào, Myanmar. Cô được tận mắt nhìn ngắm các danh thắng đã học trong môn địa lý. Cô cũng được nhắc nhớ những nhân vật anh hùng trong lịch sử.
Du lịch với cô Triết không chỉ nhìn ngắm, mà còn là tìm hiểu con người, phong tục, tập quán của dân bản địa, khi về nhà có nhiều chuyện để kể cùng con cái, bạn bè. Dần dần, du lịch với cô đã trở thành một nhu cầu, một thói quen.
|
Cô Triết tại Tà Đùng, Đăk Nông |
Cô Triết cho biết: “Vì là người Sài Gòn, tôi ưu ái những chuyến đi miền Bắc. Tôi thích núi non, thung lũng, đường đèo quanh co, mây trắng bồng bềnh, cuộc sống của người dân bản địa… Với miền Nam, tôi có nhiều chuyến du lịch tâm linh”.
Cô Triết tâm sự, cô không bị say xe, say sóng, nên đi phương tiện nào cũng được. Cô từng đi xe khách đời mới, từng thử đi xe giường nằm có 3 hàng giường, phải lót chiếu ra lối đi để ngủ vì quá đông khách. Cô từng đi máy bay, nhưng cũng từng đi ra côn Đảo với lộ trình 12 giờ bằng tàu chở hàng. Cô từng nửa đêm ngồi xe ôm lên núi để… cầu nguyện. Cô cũng đã từng vừa leo vừa bò (vì đau chân) trên núi...
Người cao tuổi ít tiền đi du lịch thế nào?
Đi nhiều và tự nhận mình là một người rất ít tiền, cô Triết đã viết bài trên mạng xã hội để chia sẻ kinh nghiệm đi du lịch của mình. Những bài học của cô bao quát từ việc chọn tour, giao tiếp với bạn cùng phòng và cả việc chăm sóc bản thân, chuẩn bị áo quần, chụp ảnh sao cho đẹp…
|
Có lúc cô Triết đi du lịch tâm linh cùng những người bạn (cô Triết đứng thứ 2 từ phải sang) |
Cô Triết chia sẻ: “Khi đi theo tour, bạn cần thận trọng để chọn những đơn vị uy tín. Phải tìm hiểu trước như công ty có nhiều năm hành nghề, có những tour hợp với sở thích của mình. Và nên chọn tour bao trọn gói để không phát sinh các chi phí tự túc. Với những công ty kỳ cựu có uy tín nhất định. Họ có lịch đi, có đoàn xe riêng, có liên kết với các khách sạn, các quán quen thuộc nên sự an toàn của khách được đảm bảo”.
Theo cô Triết, nhiều công ty không nhận khách trên 60 tuổi đi một mình mà phải có khách trẻ tuổi đi kèm. Vậy nên người cao tuổi nên chọn công ty phù hợp. Cô Triết nhiều năm nay thường đi với một công ty du lịch cao niên, chấp nhận khách đến 80 tuổi nếu đủ sức khỏe. Có bác sĩ đi theo chăm sóc đoàn khách tour. Chi phí trọn gói và vừa phải.
Trước mỗi chuyến đi, cô Triết thường sẽ lên kế hoạch tiết kiệm, để dành tiền. Bước đầu là những chuyến đi ngắn ngày, muốn đi xa hơn, lâu hơn thì cô sẽ tích cóp nhiều hơn. Bằng cách tạm dừng các chuyến đi ngắn, cô dồn tiền cho những chuyến đi xa.
|
Cô Triết cùng nhóm bạn tắm suối |
“Tuy được con hỗ trợ phần nào, nhưng không thể đòi hỏi hay “trấn lột” con. Nếu đi một mình và du lịch qua đêm, muốn không trả thêm phí thì tôi chấp nhận chờ người ở ghép. Khi có người ở cùng, nếu gặp sự khó chịu nào đó, tôi vẫn chấp nhận và nếu không thích thì chỉ dừng ở mức xã giao. Đừng khiến chuyến đi mất vui. Cứ lặng lẽ thưởng ngoạn thiên nhiên kỳ thú”, cô Triết bày tỏ quan điểm.
Cô cũng đưa lời khuyên về chuyện lựa chọn trang phục cho người cao tuổi. Yếu tố tiên quyết là phải mặc đẹp và phù hợp với nơi đến. Ngoài ra, người cao tuổi cũng nên sắm quần áo chất liệu mềm, nhẹ, ít nhăn, nhiều màu sắc để nổi bật khi chụp ảnh. Các phụ kiện cũng cần thiết để nhấn nhá cho bức ảnh thêm đẹp. Đừng ngại tạo dáng, với người cao tuổi, mỗi nơi đã đến đều sẽ khó quay lại, nên cần lưu dấu ấn thật đẹp.
“Hãy chuẩn bị kỹ các thiết bị cho việc “săn ảnh”, đừng để điện thoại hết pin hay hỏng hóc giữa chuyến, sẽ rất tiếc nuối. Cũng đừng ngại nhờ người khác chụp hình. Cùng thú vui nên người ta rộng lượng lắm, sẵn sàng giúp đỡ”, cô Triết cho biết.
|
Cụ bà U80 thường chuẩn bị phụ kiện để chụp ảnh đẹp và không ngại tạo dáng |
Với vấn đề sức khỏe, cô Triết cho rằng người cao tuổi khi đi du lịch nên cố gắng ăn uống và nghỉ ngơi trong chuyến đi. Hãy để bản thân "lại sức", rồi tiếp tục hành trình, vì người già không thể phiêu lưu mạo hiểm như giới trẻ.
Cô Triết đang mơ ước một chuyến đi mới. Cô muốn tìm tour có 1 ngày 1 đêm trên du thuyền 5 sao và ngược dòng sông Mã đến đất Lam Kinh (Thanh Hoá). Cô nói: “Có khao khát thì dù lớn tuổi vẫn đi được thôi!”.
Linh Nguyễn