Cụ bà trăm tuổi sống để học và yêu thương

19/03/2023 - 06:20

PNO - Cụ bà tròn 100 tuổi tâm sự: “Ở tuổi này, tôi không mong cầu gì nữa, chỉ cố giữ không để mình thụt lùi".

Căn hộ ở khu đô thị KVG The Capella, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đón chào người khách phương xa bằng tiếng đàn dìu dặt với giai điệu bài Đêm tàn bến Ngự.

Cung bậc nỉ non quyện ánh đèn mờ ảo hắt xuống khiến không gian, thời gian như lắng đọng. Ngay từ bước chân đầu tiên, khách đã chìm đắm trong câu chuyện “trần ai cũng lắm, mộng mơ cũng nhiều” của người phụ nữ vừa lướt qua 1 thế kỷ đời người.

Bà Mộng Túy thả hồn cùng tiếng nhạc  du dương bên cây đàn cổ trên 300 tuổi
Bà Mộng Túy thả hồn cùng tiếng nhạc du dương bên cây đàn cổ trên 300 tuổi

Chắt lọc hạnh phúc

Vào tuổi trăm, sống quanh quẩn một mình trên lầu 3 đã nhiều tháng từ khi bị té, đau chân, bà Mộng Túy (tên thật Trần Thị Túy, sinh năm 1923, từng là ca sĩ nổi danh trên làn sóng của Đài Pháp Á vào thập niên 1950) vẫn hồn nhiên, lạc quan. “Có ai đó đang nghĩ đến mình là vui rồi, huống chi cô nhà báo từ TPHCM xa xôi…” - những giọt long lanh ứa ra từ mắt bà như điền vào câu nói còn bỏ lửng.

Chỉ là ai đó nghĩ và nhớ đến cũng đủ làm bà xao xuyến, bồi hồi. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao anh Nhựt Dũng - con trai bà - vào quán ăn sáng mà không lo gọi món, lại mải ngắm nghía, săm soi, chụp hình một… củ khoai lang. “Khoai lang trồng thủy sinh trong ly thủy tinh lên mầm lạ quá, đẹp quá. Anh chụp về cho má coi, chắc má thích lắm” - anh Nhựt Dũng hí hửng khoe tấm hình ưng ý vừa chụp. 

Khi nhắc đến con cháu, bà lặp đi lặp lại 4 chữ “thương lắm, tội lắm”. Bộ hồi ký 2 tập với gần 700 trang mang tên bà có nhiều sự góp sức của con cháu. Nhất là chị Túy Tâm - con gái thứ tư của bà - đảm trách từ việc đôn đốc, chỉnh lỗi chính tả đến thiết kế, in ấn. Trong lời mở đầu bộ hồi ký, chị Túy Tâm đã nắn nót những dòng chữ chân thành, tràn trề cảm xúc: “Bà sống năm tháng cuối đời với đức tin phi thường về chính bản thân mình, qua một đời dài trải nghiệm đầy yêu thương và say đắm mộng mơ ngay cả với những phần không đẹp của cuộc đời”.

Sống ở Việt Nam hay nước ngoài, khoảng cách địa lý hay múi giờ lệch nhau không làm chị xao lãng tình yêu và sự quan tâm với “cội mai già” ở một góc phố biển Nha Trang. Chị hỏi han, nhắc nhở, chăm chút từng món vui chơi giải trí của bà như dàn karaoke, giá nhạc, quyển sách hay mỹ phẩm dưỡng nhan… Ngoài là tình má con; trong còn có tình tri âm dịu ngọt, thâm sâu.

“Thương lắm, tội lắm” là khi bà kể đến chuyện anh Nhựt Dũng nghỉ hẳn công việc lương rất cao, tình nguyện ở nhà chăm má, ngày ngày chu tất 4 bữa cơm với thực đơn thanh đạm mà đầy đủ dinh dưỡng để o bế “châu thân” má. 

Nhất cử nhất động của bà trên Facebook, con cháu, bạn bè thân của con cháu đều dõi theo và tương tác nhiệt tình. Nhiều khi họ còn gửi cho bà những clip vui, kỷ niệm để bà đỡ quạnh hiu. Năm 2012, cả nhà đã dậy sóng Đài Truyền hình TPHCM khi tham gia chương trình Tiếng hát mãi xanh. Tuy kết quả chưa được như ý vì bà bị cảm nặng, tắt tiếng nhưng đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng khán giả về một cụ bà “chịu chơi”. Bà dí dỏm tự trào: “Già rồi mà chưa chừa tật xấu - ham hát”. 

Ở tuổi bách niên giai lão, bà vẫn “đắt sô”. Người hâm mộ rất mê những bản nhạc Pháp lai láng tình cảm mà bà thể hiện qua chất giọng trầm ấm, sang trọng. Do chân đau, muốn đi lại nhờ con bồng xuống cầu thang và sợ gặp sự cố lại khổ thân, khổ con cháu nên bà đành khất hẹn. Dù tạm xa ánh đèn sân khấu, ngày đêm bà vẫn ôm cây đàn Antonius có tuổi đời trên 300 năm để luyện.

“Lớn tuổi rồi, bắt tông bắt nhịp dễ sai nên bà già này phải tập đi tập lại cho chuẩn” - ca sĩ Mộng Túy nói rồi ngất ngây đắm mình trong suối nhạc du dương.

Bà Mộng Túy cùng anh Nhựt Dũng cùng đọc lại văn thơ bà viết và gõ máy tính lưu lại
Bà Mộng Túy và anh Nhựt Dũng cùng đọc lại văn thơ bà viết và gõ máy tính lưu lại

Học để cứu mình, cứu người 

Là “tỉ phú thời gian”, bà vẫn nghiêm khắc với bản thân, giữ nếp sinh hoạt điều độ. Đúng 5g sáng bà dậy tập dưỡng sinh, tập thở cho khỏe và luyện hơi rồi bà quét lau phòng, xếp quần áo, không cho phép mình nằm nướng vì “nằm hoài sẽ liệt lúc nào không hay”.

Với chiếc máy tính, bà gõ tới gõ lui những dòng thơ cũ của mình, cũng có khi viết trên giấy không dòng kẻ. Bà cố nhắm chừng canh dòng sao cho những con chữ đều đặn, xếp hàng thẳng tắp. Tờ giấy trắng đơn sơ, giản dị nhưng gói trọn triết lý sống thâm thúy của bà: “Nếu có kẻ hàng sẵn thì dễ rồi. Nhưng nếu gặp tờ giấy không kẻ hàng thì cũng phải viết được. Giống như ở đời phải thích ứng với mọi hoàn cảnh, vượt lên trên mọi nghịch cảnh để tồn tại và vững vàng đi lên”. 

Vậy mà có lúc tưởng chừng người phụ nữ can trường ấy đổ gục khi người bạn đời đã vĩnh viễn ra đi năm 1997 trong vòng tay bất lực của bà. Chết điếng, tức tưởi, bà ngẩn ngơ mất trí. Suốt ngày, bà chơi với hình của ông, chờ gặp ông trong giấc mộng, rồi bà tất tả chạy đi tìm. Đến bữa ăn, bà vẫn ngâm nga để… ông dễ nuốt (do ông bị tai biến, mỗi bữa ăn, bà phải hát mấy chục bài; nếu ngưng hát là ông sẽ bị sặc tím tái). Cuộc hôn nhân 44 năm nồng thắm, ngọt ngào như mới ngày đầu khiến bà không tin được đã mất người ấy. 

Các con tìm mọi cách chạy chữa cho bà vẫn không được. Đến khi các con rủ rê bà qua Mỹ chơi đổi gió, bà học được cách đánh máy 10 ngón và quay về Việt Nam hướng dẫn cho nhiều người, bà mới tạm nguôi ngoai. 

Từng có bao cuộc sinh ly tử biệt giáng xuống đời bà. Khi con trai lớn qua đời năm 1974, bà bấn loạn đi tìm suốt 6 tháng ròng. Những lần đưa tiễn người thân, những đợt tai ương mất trộm, hỏa hoạn… gia sản mất sạch, bà lại đổ rạp, trái tim “chết khô”, tưởng như không thể trở dậy được nữa. May thay, âm nhạc màu nhiệm đã cho bà lối thoát. Nhờ học dưỡng sinh từ bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng vào năm 1983, bà đã tự cứu mình, căn bệnh tim thuyên giảm rõ rệt.

Đó cũng là cơ duyên để bà mở lớp hướng dẫn bà con tập luyện dưỡng sinh miễn phí trên bãi biển, công viên… giúp nhiều người cải thiện sức khỏe và sống an vui với hoạt động đội nhóm, cộng đồng. Qua Mỹ chơi, không ngờ bà được nhiều người theo học và tự nguyện trả học phí. Nhờ vậy, bà có số tiền rủng rỉnh khi về nước.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của COVID-19, tuổi bà thêm cao và anh Nhựt Dũng rước bà về nhà anh chăm sóc nên lớp học tập trung không còn duy trì. Tuy vậy, bà vẫn giúp đỡ bà con thông qua mạng xã hội.

Vì quá ham học, bà quên tuổi tác, quên già, quên buồn. Nhờ ham học và học nhanh, ngoài đi hát, bà còn trải qua rất nhiều nghề, từ thư ký, làm tóc, trang điểm (năm 1955 bà học ở Mỹ, về Nha Trang mở mỹ viện Bích - Kiều), bốc thuốc nam, thầu trại rác đến làm rẫy, làm khô - mắm… Từ vốn hiểu biết rộng và sâu, bà chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều người. Mê trồng cây thuốc nam, bà nấu hà thủ ô để vừa bán vừa cho. Bà như vắt kiệt sức, có lần bị té nằm liệt. Con cháu bàn nhau quyết liệt ngăn cản, dùng biện pháp mạnh giấu dụng cụ khiến bà cứ nhớ nghề, tiếc ngẩn ngơ. 

Nhìn bà lão tóc bạc phơ nhanh nhẹn mở laptop rồi những dòng chữ tiếng nước ngoài nối đuôi nhau chạy trên màn hình, trước mắt tôi bỗng hiện ra hình ảnh cô gái đôi mươi với quyển sách tiếng Nhật nhỏ xíu giấu trong túi áo, len lén giở ra liếc vài chữ mỗi khi vào nhà vệ sinh.

Năm 1944, nạn đói tràn lan, bà từ Huế ra Đà Nẵng làm thuê cho Bồng Lai quán. Bị chủ đánh đập, hành hạ, bóc lột, ép bắt bồ với các vị khách giàu có và cấm học bài, đọc sách nhưng bà vẫn tranh thủ tự học và nói được nhiều ngoại ngữ, ca được nhạc Pháp, Mỹ.

Khi được hỏi về kế hoạch tương lai, bà tâm sự: “Ở tuổi này, tôi không mong cầu gì nữa, chỉ cố giữ không để mình thụt lùi. Một kiếp đa đoan, phong trần, tôi cảm ơn cuộc đời với tất cả cay đắng ngọt bùi làm tôi say đắm. Làm gì tôi cũng thích, nghe nhạc gì tôi cũng thấy hay, nhìn ai tôi cũng thấy mến thương, ở nhà nào tôi cũng thấy vui, hoài niệm đoạn đời nào cũng làm tôi lâng lâng, thổn thức. Trông giữ trẻ hay xâu kim, may vá, thêu thùa, trồng một cái cây và đợi nó vươn cành xanh lá, tôi đều mê mẩn, không bao giờ chán. Có lẽ ông trời thấy tôi quá yêu cuộc đời này nên mủi lòng rồi cứ cho thêm tuổi và tôi lại có thêm những tháng ngày để học và yêu thương”. 

Bài: Tô Diệu Hiền

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    20-12-2024 06:34

    Mấy chục năm qua, chị em tôi đã quen thuộc với hình ảnh ba vào bếp. Ba tình nguyện làm "người đam mê rửa chén" vì ba yêu gia đình.

  • 70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    19-12-2024 17:54

    Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh cha già cặm cụi đi cắt cành, bón phân, kéo ống nước tưới cây, tôi thấy lòng đau như ai cắt từng khúc ruột.

  • Xuân… nhặt

    Xuân… nhặt

    19-12-2024 06:46

    Nhà không rộng, chỉ có khoảng ban công là có thể nuôi cây. Vậy là ba cứ đem cây về chăm sóc, tưới tắm, nâng niu.

  • Tôi đi thuê người yêu

    Tôi đi thuê người yêu

    18-12-2024 17:05

    Tại TPHCM, có một dịch vụ được chào mời vừa công khai lại vừa kín đáo: dịch vụ của những người yêu thuê giờ.

  • Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    18-12-2024 10:30

    Tôi nhận ra, ở độ tuổi ngấp nghé 50 của mình, tôi đi viếng đám tang nhiều hơn những đám, tiệc khác.

  • “Tạm ứng” gối chăn

    “Tạm ứng” gối chăn

    18-12-2024 06:17

    Trong công việc, cuộc sống, người ta có thể tạm ứng nhiều thứ, nhưng tạm ứng gối chăn sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.

  • Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    17-12-2024 18:37

    Lòng con canh cánh về mối tình ngang trái của mình. Mỗi khi nghe ai đó nói “phi công trẻ”, “hồng hài nhi”… là con lại chộn rộn, mắc cỡ.

  • Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    17-12-2024 12:48

    Bạn thuyết phục ròng rã mấy tháng trời. Bạn bảo sẽ cùng tôi đi bộ về đích để tôi không thấy ngại.

  • Chữ hiếu trong kinh doanh

    Chữ hiếu trong kinh doanh

    17-12-2024 08:51

    Tôi thích được ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa, được ăn cơm với mẹ, được cùng mẹ đi thăm bà con… Mấy món mẹ nấu là ngon nhất thế giới.

  • Trăm năm trong cái nắm tay

    Trăm năm trong cái nắm tay

    17-12-2024 06:03

    Người ta có thể dễ dàng đến bên nhau, nhưng liệu có bao nhiêu người đi được cùng nhau tới tuổi xế chiều?

  • “Siêu xe” của ông nội

    “Siêu xe” của ông nội

    16-12-2024 16:19

    Chiếc “siêu xe” của ông nội đã theo chủ nhân được gần 15 năm. Mỗi ngày, ông luôn dành thời gian chăm chút nó, như người bạn đồng hành đáng tin cậy.

  • Lời nói như dao

    Lời nói như dao

    16-12-2024 13:03

    Cần tránh những lời nói xúc phạm, miệt thị, thay vào đó là những lời nói lịch sự, tôn trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ.

  • Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    16-12-2024 06:21

    Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.

  • Khoảnh khắc dài nhất

    Khoảnh khắc dài nhất

    15-12-2024 17:58

    Chỉ cần gặp mẹ, được ngồi gần mẹ, mọi chênh chao, chơi vơi, xáo trộn đều được lắng xuống, chữa lành.

  • Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    15-12-2024 16:54

    Có lẽ vì vị mè ướp đẫm mồ hôi của ngoại, cũng có thể vì khói bếp thân thương làm thơm chén cơm nóng hổi quyện cùng vị muối mè mằn mặn.

  • Con bình thường hay đặc biệt?

    Con bình thường hay đặc biệt?

    15-12-2024 06:48

    Mong con thông minh vượt trội hay chỉ cần con khỏe mạnh, bình thường, câu trả lời của bạn là gì?

  • Ngưng đổ lỗi!

    Ngưng đổ lỗi!

    14-12-2024 19:37

    Người luôn tự coi mình là nạn nhân hiếm khi nhận ra lỗi của chính mình, cũng khó có cơ hội nhận ra khả năng của bản thân khi cố gắng.

  • Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    14-12-2024 15:48

    Sau bao nhiêu năm cách lòng, tôi đã thật sự hiểu mẹ, hiểu rằng mẹ có những lý do để rời xa ba, nhưng chưa bao giờ mẹ rời xa tôi.