Cụ bà mắc uốn ván sau khi rạch mụn cóc

29/08/2023 - 12:36

PNO - Cảm giác khó chịu vì có mụn cóc ở ngón chân, cụ bà 83 tuổi ở Ứng Hòa, Hà Nội không đến cơ sở y tế mà tự dùng dao để rạch. 5 ngày sau đó, bệnh nhân xuất hiện cứng hàm, viêm họng, đau bụng hạ vị, há miệng khó, co cứng cơ toàn thân.

 

Rạch mụn cơm ở nhà, cụ bà nguy kịch vì mắc uốn ván
 

Tự rạch mụn cơm ở nhà, cụ bà nguy kịch vì mắc uốn ván 

Bệnh nhân đã được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa Hà Đông điều trị và được chẩn đoán mắc uốn ván.

Ngày 29/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, đây là một trong 2 ca mắc uốn ván được ghi nhận trong tuần qua. 

Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân 53 tuổi ngụ Hà Cầu, quận Hà Đông. Trước khi vào viện 10 ngày, bệnh nhân bị trượt ngã, xước da ở đầu gối trái. Bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư và mua thuốc kháng sinh, giảm đau về uống. Tuy nhiên, bệnh nhân không tiêm phòng uốn ván và tự rửa vết thương.

Sau 1 tuần, bệnh nhân xuất hiện cứng hàm, nói khó và được người nhà đưa đến Bệnh viện Quân y 103. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc uốn ván.

Thống kê từ đầu năm, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 20 ca mắc uốn ván, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó đã có 2 ca tử vong.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), uốn ván (tetanus) là một bệnh cấp tính do ngoại độc tố (tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Các triệu chứng của bệnh được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân.

Vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật; qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn. Đôi khi có trường hợp uốn ván sau phẫu thuật, nạo thai trong điều kiện kém vệ sinh. Có trường hợp tổ chức của cơ thể bị hoại tử và/hoặc các dị vật xâm nhập vào cơ thể bị nhiễm bẩn tạo ra môi trường yếm khí cho nha bào uốn ván phát triển.

Các chuyên gia khuyến cáo, để ngừa bệnh, người dân cần tiêm phòng uốn ván cho trẻ nhỏ theo lịch tiêm chủng. Với người bị thương có nguy cơ mắc uốn ván, cần đến cơ sở y tế để tư vấn tiêm nhắc lại hoặc tiêm dự phòng.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI