Cách đây khoảng chục năm, những người sống xung quanh khu vực bùng binh Lãnh Binh Thăng - Lạc Long Quân - Hòa Bình, chẳng mấy ai không biết hàng cháo lòng của bà cụ Nguyễn Thị Thành.
Cháo ngon đã đành, người ta còn nhớ đến bà bởi hình ảnh một người phụ nữ miền Bắc răng đen, tóc búi giữa lòng Sài Gòn hiện đại, một phụ nữ đã tần tảo nuôi đàn con bảy đứa nên người…
|
Ngôi nhà ấy không giàu có tiền bạc mà đủ đầy tình yêu thương |
1. Đến giờ, con cháu bà Thành vẫn tự hào truyền miệng cho nhau chuyện ngày xưa ông bà mình vào Nam lập nghiệp. Không ghi lại cụ thể nên cụ bà Nguyễn Thị Thành chỉ nhớ đó là trước năm 1945. Sau khi bị thương ở chân vì phục vụ trong quân đội Pháp, được giải ngũ, ông lập gia đình với bà và đưa bà cùng với các con nhỏ vào Nam tìm cách thoát nghèo.
Cái vùng Đầm Sen (nay là quận 11) thời ấy còn hoang sơ lắm, chỉ toàn ruộng rau muống. Ông bà vạch đất làm nhà để an cư. Sức khỏe của ông đã yếu, cái chân bị thương gần như liệt hẳn, nên gánh nặng một bầy con thơ bảy đứa dồn hết lên vai bà. Bà nhớ, ngày đó công việc chính là nuôi heo và cắt rau muống đi bán.
Sinh ra và lớn lên ở vùng chiêm trũng xứ Bắc, bà đâu quản những gian khó trên miền đất mới. Mảnh đất hoang sơ được dần thuần hóa nhờ bàn tay bà và sự trợ giúp của ông. Lại thêm những người từ Bắc theo vào lập nghiệp, ông bà cắt đất quanh nhà mình chia cho mọi người, như một cách tạo nên làng, nên xóm xa xưa của cha ông; chỉ chừa lại một con đường 2,5m chạy thẳng vào đến sân.
Hàng chục năm trôi qua. Miền đất ấy dần sầm uất; những đời chủ nhà xung quanh cũng thay đổi. Đến bùng binh Lãnh Binh Thăng - Lạc Long Quân, Q.11, bỏ qua những căn nhà mặt tiền khang trang, lách theo con đường nhỏ chỉ 2,5m đi sâu vào trong là đến nhà bà Nguyễn Thị Thành.
Vẫn khoảng sân rộng có cây xoài rợp bóng mát, vẫn căn nhà trệt cũ kỹ dựng từ nhiều chục năm trước, vẫn bà cụ có nụ cười khoe hàm răng đen hiền hậu. Nơi ấy, con cháu bà Thành gọi là quê nhà. Một người cháu bà Thành kể: "Tụi con sinh ra là không có quê, ông bà vào Nam lâu quá rồi, quê nội ngoại ngoài Bắc đã thất lạc hết. Cho nên, ngôi nhà này của ông bà với chúng con chính là quê hương".
2. Từ khi còn bé, chẳng ai trong nhà là không nhớ dáng bà lụm cụm, một mình dậy từ 3-4 giờ sáng để bắc nồi cháo. Đứa trẻ nào trong nhà lớn lên cũng từ tô cháo thơm dẻo ngọt ngào của bà. Món quà sáng nghèo nhưng ngon lành, vừa bụng để bắt đầu một ngày mưu sinh ấy đã đi vào ký ức con cháu không thể phai mờ.
Cũng chính từ hình ảnh người bà lam lũ ấy, những bài học về cuộc sống, về yêu thương dần hình thành trong bảy người con và hơn chục người cháu của bà sau này. “Nhìn mẹ vất vả, chị em tôi cứ tự động mà ngoan, cho mẹ bớt khổ”.
Chẳng được học hành bao nhiêu, có người chỉ lớp 3, lớp 4, nhưng những người con bà Thành, nhất là những phụ nữ trong nhà, đều trở thành những người chăm chỉ, siêng năng, làm trụ cột của gia đình mình, như mẹ.
Biết mẹ yêu thương và mong chờ, sau này những người con tuy ra riêng, nhưng cứ chiều chiều sau ngày làm việc là dẫn hết con cái về, quây quần bên ông bà. Khoảng sân nhỏ ấy hàng chục năm qua luôn rộn tiếng cười đùa. Trẻ con trong nhà lớn lên cạnh nhau, được ngồi quanh chiếc mâm trên nền nhà ăn những bữa cơm cùng nhau; được đùa vui bên ông bà...
Thỉnh thoảng, vào những ngày giỗ, chúng còn được ngủ lại cùng nhau để chơi cho đã. Những ký ức tuổi thơ hạnh phúc của bọn trẻ là chiếc mâm của những bữa ăn quây quần, là ánh sáng điện hắt ra sân soi vào sự đầm ầm của ông bà và bóng bà mỗi tối tiễn chân từng đứa con ra về…
3. Căn nhà nằm sâu bên trong, có con hẻm dài chạy ra đến mặt đường đã cho thuê chục năm, bà Thành vẫn không tăng giá. Bà thường bảo con cháu: “Mình vậy là được rồi”. Khoảng sân nhỏ thành chỗ phơi đồ của người thuê hẻm, con cháu thắc mắc, bà giải thích nhẹ nhàng: “Cho thuê nhà thì cũng phải có chỗ cho người ta phơi đồ chứ”.
Dù đã từng rất nghèo và cũng chẳng bao giờ là người giàu có, nhưng cái nếp sống giản dị, biết quý trọng những gì mình có của bà đã tạo nên một nền nếp lành mạnh cho cả gia đình. Căn nhà được xây từ thời ông bà khẩn hoang lập nghiệp, nay đã cũ kỹ, xuống cấp lắm rồi; nhưng mỗi lần con cháu đòi xây lại, bà đều xua đi. Bà nói, cứ ở trong căn nhà thế này là được rồi, không việc gì phải tốn tiền.
Cũng vì thế, ngôi nhà của bà có lẽ đã thuộc hàng “cụ kỵ” ở Sài Gòn, vì được dựng lên từ thời ông bà mới vào Nam, cứ thế mà tồn tại giữa những cao vòi vọi bủa vây chung quanh, tạo cảm giác ấm áp, thân thương của chốn quê nhà cho bầy con cháu mỗi chiều ghé về thăm bà. Dù có đi đâu, có cỗ bàn linh đình đến mấy, thì về với bà, tất cả vẫn cứ vui thích được sà xuống cái mâm cũ kỹ, với những món giản dị như cà pháo, mắm tôm, thịt luộc của bà.
Nhà đông con gái, điều bà dạy các con đầu tiên là phải biết tôn trọng chồng, không được hỗn hào, không được qua mặt. Gia đình người con nào có chuyện, bà cũng mắng con cháu mình trước, bênh “người ngoài”.
Chính vì thế, những khi gia đình có chuyện là những “người ngoài” ấy lại tìm đến căn nhà của bà Thành, thơ thẩn vào ra tìm hơi ấm. Từ đó, cả nhà xúm lại giảng hòa, khuyên can, móc nối tình thân về lại với nhau.
4. Bà Thành năm nay 92 tuổi. Ông đã ra đi cách đây vài năm, nhưng bà không hề trơ trọi. Từ nhỏ được bố mẹ thường xuyên đưa về nhà chơi, được nghe kể về căn nhà, về một đời vất vả của ông bà để gầy dựng mảnh đất này, ngôi nhà này, người cháu nào cũng đã quen với hơi ấm của gia đình, với hình bóng yêu thương bao trùm của bà và ai cũng hình thành một nhu cầu tự nhiên: về thăm bà bất cứ lúc nào có thể.
Đi làm về, tạt ngang. Đi học về, ghé vào. Đi công chuyện buổi trưa, vào ăn chén cơm, ngủ trưa rồi dậy đi làm tiếp. Khi bà đau ốm, chẳng cần phải phân công, cứ tự người này, người kia thay nhau chạy về pha sữa, nấu cháo cho bà. Trong nhà, đâu phải lúc nào mọi chuyện cũng vui vẻ, nhưng chỉ cần nghĩ đến bà là mọi người bỏ qua hết cho nhau, để cho bà được vui, được thanh thản tuổi già.
Song Văn