Cụ bà 10 năm miệt mài may chăn tặng người nghèo

24/11/2019 - 08:17

PNO - Tại TP.HCM, có một cụ bà 10 năm qua âm thầm đi “săn” vải vụn để may thành chăn, mang hơi ấm đến những mảnh đời kém may mắn.

Trời Sài Gòn chuyển lạnh, mẹ con bé Minh - quê ở tỉnh Phú Yên, đang điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM - lại lấy chiếc chăn vải có màu chấm bi ra đắp. 

Nhờ chiếc chăn vải có phần lạ mắt này, mẹ con bé Minh đã vượt qua được bao đêm lạnh ở bệnh viện.

Tôi tò mò hỏi về “lai lịch” của chiếc chăn vải, bé Minh cho biết: “Chăn của dì Tư cho con đó chú”. Ở dãy giường bệnh liền kề, nhiều đứa trẻ khác đưa cánh tay yếu ớt lên khoe: “Con cũng có chăn dì Tư nè”.

Cu ba 10 nam  miet mai may chan tang nguoi ngheo
Gần 80 tuổi, cụ Tư Ngọc vẫn miệt mài may chăn tặng bệnh nhi

Đêm xuống, ở Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, không khó để bắt gặp hình ảnh bệnh nhi đang được ủ ấm trong những chiếc chăn vải đầy màu sắc. Những chiếc chăn này đều có chung một địa chỉ “chăn của dì Tư”.

Chị Nguyễn Thị Minh Hải - quê tỉnh Quảng Ngãi, nhiều năm điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM - cho biết, thỉnh thoảng, có một cụ bà gần 80 tuổi cùng con cháu của mình mang chăn và quà vào bệnh viện tặng các bệnh nhi. Người nhà bệnh nhân vẫn hay gọi cụ bà này là dì Tư. 

Dì Tư là cụ bà Phan Thị Ngọc, nhà ở đường Phan Văn Hân, P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Chiều muộn, ghé thăm nhà cụ Ngọc, từ bên ngoài, chúng tôi đã nghe tiếng máy may lách cách đều đặn vang lên. Ngồi ở bàn máy may là một cụ bà tóc đã bạc trắng nhưng từng đường kim, mũi chỉ vẫn còn rất tinh xảo.

Tiếp chúng tôi, cụ Tư Ngọc cho biết, cụ đang gấp rút làm thêm mấy chiếc chăn vải để gửi tặng đồng bào nghèo ở Tây Nguyên. 

Cụ lo mùa lạnh đã đến nhưng người dân ở vùng sâu vùng xa vẫn còn thiếu thốn. Chiếc chăn vải là tấm lòng của cụ gửi đến những vùng đó, mong sẽ giúp họ chống chọi với giá rét.

Chiếc máy may vẫn gõ nhịp đều đặn trong căn nhà nhỏ. Cụ bà tỉ mẩn từng đường kim, mũi chỉ.

Cụ nói, khó nhất khi may chăn từ vải vụn là giữ chắc các mối chỉ. Trẻ em ngủ thường hay đạp, cựa quậy nên vải rất dễ bung ra. Muốn chiếc chăn sử dụng được lâu, phải đạp đường chỉ cho chắc chắn.

Cu ba 10 nam  miet mai may chan tang nguoi ngheo
Cụ Tư Ngọc thăm hỏi, tặng chăn vải cho bệnh nhi ở Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM

Cách đây hơn 10 năm, có một đoàn từ thiện đi phát quà cứu trợ ở vùng bão lụt nói người dân ở đó đang rất cần quần áo và chăn. Sẵn có máy may ở nhà, cụ đến chợ và các tiệm may xin vải vụn về, ngồi thâu đêm cắt ráp thành những chiếc mền để gửi đến vùng thiên tai.

“Tui làm riết thấy quen tay, rồi gắn bó với công việc này luôn. Mình bỏ ra chút công sức nhưng giúp những người khó khăn có thêm chút hơi ấm trong mùa lạnh, cũng vui” - cụ Tư Ngọc nói.

Từ những chiếc chăn ban đầu được trao đến tay đồng bào bị bão lụt, cụ Tư Ngọc nhận ra, nhiều người ở các vùng khó khăn vẫn đang cần chăn vải để sưởi ấm. Thế là cụ Tư Ngọc tiếp tục “săn” vải vụn về may chăn. 

Ban đầu, cụ bỏ tiền ra mua vải vụn với giá hơn 50.000 đồng/bao. Nhiều người tò mò, không biết cụ mua vải vụn làm gì; về sau, biết được việc làm ý nghĩa của cụ Tư Ngọc, họ đã chở vải vụn đến tận nhà tặng cụ.

“Bây giờ thì tui có nguồn nguyên liệu miễn phí để may chăn chứ hổng còn đi mua như trước kia nữa. Mới sáng nay, cũng có người chở đến cho mấy bao. Nhiêu đây vải cũng làm được mấy cái chăn cho bọn trẻ” - cụ Tư Ngọc khoe.

Vừa nói, cụ Tư Ngọc vừa lôi mấy bao vải ra, phân vải theo từng loại, từng màu. Trong một bao, có đến hàng trăm loại vải với nhiều màu khác nhau. Ngoài việc khéo léo, người thợ may cần phải có óc thẩm mỹ, phối vải một cách hài hòa để cho ra chiếc chăn đẹp mắt. 

Điểm đến thường xuyên nhất của những chiếc chăn vải là trẻ em nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, phụ nữ nghèo ở các vùng khó khăn. Ngoài tặng chăn, nhiều năm qua, cụ Tư Ngọc còn dành dụm tiền lương hưu tặng bệnh nhi và các hoàn cảnh khó khăn. 

Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI