Cứ 4 trẻ thì có 1 em bị tổn hại không thể khắc phục do ăn uống hạn chế

06/06/2024 - 10:00

PNO - Báo cáo về nạn đói của Liên hợp quốc (LHQ) đã nêu bật tác hại đối với sự tăng trưởng, phát triển trí não và triển vọng sống sót khi hàng triệu người chỉ ăn 2 nhóm thực phẩm mỗi ngày.

Một em bé được cân trong buổi đánh giá nhằm ngăn ngừa suy dinh dưỡng tại trại Ladan dành cho những người di tản trong nước ở bang Jubaland, Somalia, ngày 30 tháng 1 năm 2024. Ảnh: Daniel Irungu/EPA
Một em bé được cân trong buổi đánh giá nhằm ngăn ngừa suy dinh dưỡng tại trại Ladan dành cho những người di tản trong nước ở bang Jubaland, Somalia

Theo một báo cáo mới của Liên hợp quốc, cứ 4 trẻ nhỏ trên toàn cầu thì có 1 em có chế độ ăn quá hạn chế, có khả năng gây hại cho sự tăng trưởng, phát triển trí não và cơ hội sống sót của chúng.

Nhiều trẻ em sống ở những khu vực được Liên hợp quốc chỉ định là điểm nóng về nạn đói bao gồm Palestine, Haiti và Mali - nơi khả năng tiếp cận thực phẩm dự kiến ​​sẽ kém đi trong những tháng tới.

Báo cáo đầu tiên từ Quỹ Nhi đồng thế giới (UNICEF) đánh giá chế độ ăn của trẻ dưới 5 tuổi, cho thấy khoảng 181 triệu trẻ từ gần 100 quốc gia chỉ tiêu thụ nhiều nhất hai nhóm thực phẩm hàng ngày – điển hình là sữa và một loại thực phẩm giàu tinh bột như gạo, ngô hoặc lúa mì.

Catherine Russell, giám đốc điều hành của UNICEF ​​cho biết, tình trạng trên làm nổi bật về tình trạng “nghèo đói lương thực nghiêm trọng”.

“Điều này có thể có tác động tiêu cực không thể khắc phục được đối với sự sống sót, tăng trưởng và phát triển trí não của trẻ. Những đứa trẻ chỉ tiêu thụ hai nhóm thực phẩm mỗi ngày, ví dụ như gạo và một ít sữa, có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng cao hơn tới 50%” - bà nói.

Các quốc gia có mức độ nghèo lương thực nghiêm trọng cao hơn cũng có xu hướng có tỷ lệ thấp còi cao hơn, trong đó trẻ em thấp hơn đáng kể so với độ tuổi dự kiến.

Báo cáo công bố ngày 5/6 cho thấy, hậu quả của đại dịch COVID-19, xung đột và khủng hoảng khí hậu là một trong những nguyên nhân khiến giá lương thực tăng cao.

Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng xung đột chính trị, quân sự và những cú sốc về khí hậu đang làm vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt là ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng.

“Bạo lực vũ trang và xung đột vẫn là nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở nhiều điểm nóng về nạn đói”, đồng thời nhấn mạnh điều kiện kinh tế kém. Mali, Dải Gaza, Nam Sudan, Sudan và Haiti là những khu vực “có mối quan ngại cao nhất” với nguy cơ suy thoái theo “điều kiện thảm khốc”, nạn đói và tử vong tiếp tục trước tháng 10"- FAO thông báo.

Trọng Trí (theo Guradian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI