CSGT giơ chân, người dân tự ngã: Lãnh đạo phủ nhận

20/07/2016 - 11:27

PNO - Trung úy Hoàng Anh nghi ngờ 2 người vi phạm giao thông chạy ngược chiều là đồng phạm của 1 đối tượng bị tạm giữ trước đó vì tàng trữ ma túy nên giơ chân ngăn cản.

Gái dịch vụ hay đồng phạm tàng trữ ma túy?

Sáng ngày 20/7, Trung tá Lê Tú - Đội trưởng Đội CSGT số 3 (Phòng PC67 - Công an TP. Hà Nội) cho biết, đã chuyển toàn bộ hồ sợ vụ việc liên quan đến Trung úy Hoàng Anh khi đang làm nhiệm vụ tại đường Xã Đàn, Q. Đống Đa vào ngày 18/7 lên cấp trên xử lý.

Trước những lời giải thích của cấp dưới về hành động "giơ chân" tác động làm 2 người vi phạm giao thông ngã nhào lên vỉa hè, ông Tú phủ nhận: "Không có chuyện 2 người đi xe máy có liên quan đến vụ án ma túy. Chúng tôi xác định người phụ nữ ngồi sau là gái dịch vụ, được chở đi. Sau khi phát hiện vi phạm, ra hiệu lệnh dừng xe để xử lý thì người điều khiển không chấp hành mà quay đầu xe bỏ chạy ở hướng ngược chiều".

Trước đó, Trung úy Hoàng Anh đã lên tiếng lý giải về hành động của mình với báo chí là do trước đó khoảng 15 phút, tại địa điểm xảy ra vụ việc, tổ công tác của Trung úy Hoàng Anh (thuộc Đội CSGT Số 3) đã phát hiện và bắt giữ 1 đối tượng không đội mũ bảo hiểm, xe không biển kiểm soát, tàng trữ ma túy. 2 người bị Trung úy Hoàng Anh giơ chân đạp ngã bị nghi ngờ là đồng phạm của đối tượng trên.

Liên quan đến vụ việc, tờ Tri thức trực tuyến thông tin, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an Hà Nội, cho biết, đã chỉ đạo lực lượng chức năng điều tra làm rõ cá nhân tung tin CSGT đạp ngã người đi xe máy.

CSGT gio chan, nguoi dan tu nga: Lanh dao phu nhan
Hình ảnh Trung úy Hoàng Anh dơ chân tác động đến 2 người ngồi trên xe máy ngã ở đường Xã Đàn, Q. Đống Đa vào ngày 18/7.

“Anh em đi tuần lưu kiểm tra xử lý người không đội mũ bảo hiểm thì phát hiện 2 trường hợp này. Anh em áp xe yêu cầu dừng lại thì họ bỏ chạy. Vào cua hẹp quá, họ quay ra thì bị ngã. Anh em đến giữ và đang xử lý”, người đứng đầu Công an Hà Nội nói.

Bác bỏ thông tin nhóm người bị ngã mang theo ma túy, ông Khương nói rằng, thanh niên cầm lái chở theo một cô gái đi nhà hàng. Giám đốc Công an Hà Nội nhấn mạnh, sẽ xử lý nghiêm người tung tin thất thiệt lên mạng xã hội.

CSGT vi phạm trong lúc làm nhiệm vụ thì sao?

Sáng ngày 20/7, Luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn Luật sư TP. HCM cho rằng, hành động giơ chân tác động đến người vi phạm giao thông bị tai nạn là điều "không thể chấp nhận".

Ông Tuấn nêu quan điểm: "Việc vi phạm giao thông, không chấp hành hiệu lệnh của 2 người ngồi trên xe máy là sai, đáng bị xử phạt nhưng không phải vì thế mà bị đạp ngã ra đường.

Người CSGT không phải là quan tòa mà có thể kết luận người vi phạm giao thông bị mắc tội này, tội kia. Dù có nghi ngờ thì cũng chỉ dừng lại ở nghi ngờ chứ không thể hành động như kiểu người vi phạm Luật Giao thông đang liên quan đến vụ án hình sự. Chúng ta không thể đánh tráo khái niệm, mập mờ cơ quan xử lý để biện minh cho hành động sai trái".

Ông Tuấn cho biết: "Cho dù chân của chiến sĩ CSGT chưa chạm vào xe máy nhưng cũng đủ thấy hành động giơ chân đã trở thành chướng ngại vật khiến người điều khiển loạng choạng, ngã lên vỉa hè. Không thể nói, họ tự ngã.

Ông Tuấn đặt ra câu hỏi: "Qua đoạn băng ghi hình có thể thấy vi phạm của 2 người ngồi trên xe máy chưa phải là tình huống khẩn cấp khiến chiến sĩ CSGT phải giơ chân ngăn cản họ. Trong trường hợp, 2 người này bị tai nạn dẫn tới tử vong hay chấn thương nặng thì chiến sĩ CSGT đó sẽ bị xử lý như thế nào?".

Cùng chung quan điểm, Luật sư Nguyễn Văn Trung - Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng đặt ra câu hỏi: "Từ đoạn băng ghi hình có thể thấy việc CSGT đi ra đoạn đường một chiều cũng có thể gây tai nạn bởi đây là đoạn đường lớn, có nhiều ô tô đi lại với vận tốc trung bình từ 50 - 60km/h. Vì thế, việc đình chỉ công tác với Trung úy Hoàng Anh để tiếp tục điều tra là hoàn toàn đúng".

Đoàn Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI