CSGT giải thích về lỗi vượt đèn vàng

23/07/2016 - 13:14

PNO - Nếu đèn vàng bật, nhưng phương tiện đã đi vào khu vực ngã tư rồi (qua vạch dừng) thì được đi tiếp.

Liên quan đến Nghị định 46 sẽ được áp dụng từ ngày 1/8, Thượng tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho rằng, Nghị định 46 bổ sung quy định vượt đèn vàng là rất cần thiết và phù hợp với Luật Giao thông đường bộ. Theo quy định, nếu đèn vàng bật, nhưng phương tiện đã đi vào khu vực ngã tư rồi (qua vạch dừng) thì được đi tiếp. Còn nếu chưa đi qua vạch dừng mà thấy đèn vàng thì phải dừng lại.

Đèn vàng là dự lệnh, thông báo chuẩn bị đèn sang màu đỏ. Do đó, người điều khiển phương tiện giao thông phải chuẩn bị dừng lại. Tín hiệu đèn vàng thì phải dừng lại trước vạch dừng. Trong trường hợp đi qua vạch dừng rồi thì được đi tiếp còn chưa thì phải dừng lại trước vạch dừng.

Trước đây, quy định tách thành 2 hành vi vượt đèn vàng và vượt đèn đỏ. Nhưng với Nghị định 46 thì phạt hai hành vi như nhau. Khi đèn vàng bật thì người điều khiển phương tiện phải dừng trước vạch dừng. Nếu người điều khiển phương tiện tiếp tục đi là không chấp hành quy định giao thông đường bộ.

CSGT giai thich ve loi vuot den vang
Xử phạt lỗi vượt đèn vàng bằng lỗi vượt đèn đỏ.

"Chúng tôi muốn nhấn mạnh, mục tiêu của việc tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm là để đảm bảo an toàn giao thông cho người tham gia giao thông. Ở ranh giới rất mỏng manh này, chúng tôi cân nhắc phạt hay không dựa trên ưu tiên việc đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông để làm sao mọi người thượng tôn pháp luật, tạo ra môi trường giao thông an toàn, giảm ùn tắc giao thông", Thượng tá Bình nói.

Cũng đồng quan điểm này, theo Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Trưởng phòng CSGT Hà Nội, trong Luật Giao thông đường bộ quy định, khi có tín hiệu đèn vàng, người tham gia giao thông phải dừng trước vạch dừng. Đã đi qua vạch dừng rồi mà đèn vàng nổi thì không vi phạm vì lúc này người tham gia giao thông đang ở vị trí ưu tiên và vẫn tiếp tục được di chuyển.

Trong trường hợp lưu thông qua giao lộ không có trở ngại, không bị cản trở bởi dòng xe hoặc vật cản phía trước, các xe đỗ trước vạch dừng khi đèn vàng thường là xe vi phạm tốc độ, không tuân thủ tín hiệu đèn. Vì thiết kế đèn tín hiệu đã tính đủ thời gian để xe lưu thông qua ngã tư nếu tuân thủ đúng hiệu lệnh. 

Trước đó, theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt, bắt đầu từ ngày 1/8/2016 người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô vượt đèn vàng có thể bị xử tới 2.000.000 đồng.

Theo đó, khi người tham gia giao thông nếu vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ (hiện hành theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP thì mức phạt đối với hành vi vượt đèn vàng thấp hơn vượt đèn đỏ), cụ thể như sau:

Điểm a, Khoản 5, Điều 5 của Nghị định 46 quy định Xử phạt vi phạm giao thông đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vượt đèn vàng từ 1.200.000 - 2.000.000 đồng.

Căn cứ Điểm c, Khoản 4, Điều 6 của Nghị định 46, người điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt từ 300.000 - 400.000 đồng.

Theo Điểm g, Khoản 4, Điều 7 của Nghị định 46, đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt vi phạm giao thông từ 400.000 - 600.000 đồng.

Điểm h, Khoản 2, Điều 8 của Nghị định 46 quy định, Xử phạt vi phạm giao thông đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác vượt đèn vàng từ 60.000 - 80.000 đồng.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2016.

Minh Dương (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI